Chỉ những người cơ nhỡ, tàn tật, già yếu, ốm đau không tự mưu sinh được mới đi ăn xin. Vậy mà ngày nay, có những người không thuộc “diện” đó cũng đi xin ăn và họ coi đó là “nghề”. Họ không chỉ xin ăn ở chợ, ở phố hay gõ cửa các nhà mà còn đến tất cả các cửa cơ quan, trường học để “xin ăn”,
Rất nhiều người ăn xin ngày nay là thanh niên, thể chất khỏe mạnh, người khoác ba lô, người đeo túi (hiếm người “đeo bị, xách gậy” như xưa), vậy mà cũng cứ đi xin ăn với đủ mọi lý do: quê hương bị thiên tai, lũ lụt, hạn hán… nhỡ tàu, nhỡ xe, bị mất cắp, đi bệnh viện thiếu tiền thuốc men… Bịp bợm hơn lại có những người đóng giả sư sãi, tăng ni đi “phát tâm công đức” để xây dựng, trùng tu, sửa sang một đền chùa nào đó, nhằm quyên góp của những người hảo tâm.
Dựa trên tâm lý: tuổi học sinh luôn luôn hướng thiện nên họ mò đến các cửa trường hành khất kiếm ăn. Dù học sinh không có tiền, chỉ có ít đồng bố mẹ cho để ăn quà sáng, để mua sách vở, đồ dùng học tập… nhưng thấy có người ngửa tay hỏi xin là các cháu sẵn sàng cho ngay, cháu này thấy cháu kia cho thì cũng tìm đủ mọi cách để “cho” và tự nhiên trở thành “phong trào” không cần phải có ai đứng ra vận động. Mỗi cháu cho từ 500 đến 1.000 đồng, sơ sơ một buổi là người xin đã có khoản thu nhập từ 30 đến 50.000 đồng một cách nhẹ nhàng, thoải mái.
Xem ra trong số đối tượng hàng ngày xin ăn kia đại bộ phận là bọn “siêng ăn biếng làm”, lười lao động, nhưng lại rất thích ăn ngon, mặc đẹp. Trong số đó cũng không ít kẻ ngày đi xin, tối về cờ bạc, nghiện hút!
Giúp đỡ người khó khăn, tàn tật, túng thiếu là một việc làm cần thiết và nhân đạo, nhưng giúp cho người lười biếng, lại thích ăn ngon mặc đẹp là việc làm “phản nhân đạo” không phải là làm việc thiện.
Mong rằng các địa phương nên quản lý tốt những người hành nghề “xin ăn chuyên nghiệp”.
CHÂU AN NINH