Hầu hết người dân đều cho rằng, ngân hàng đã nắm đường chuôi khi giữ bản gốc giấy tờ về tài sản. Khách hàng không thể nào chuyển nhượng hoặc tặng, cho… dưới bất kỳ hình thức nào.
Theo qui định của ngành ngân hàng, đối với khách hàng vay vốn, ngoài điều kiện có dự án, phương án sản xuất, kinh doanh hiệu quả, còn phải có tài sản bảo đảm cho khoản vay của mình.
Hiện khách hàng là tư nhân, hộ gia đình, khi vay vốn chủ yếu dùng giấy tờ nhà hoặc giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (gọi tắt là sổ đỏ) để thế chấp cho ngân hàng. Khi đã thế chấp, khách hàng là người trực tiếp giữ và bảo quản tài sản, còn ngân hàng chỉ giữ bản chính giấy tờ về tài sản thế chấp.
Hầu hết người dân đều cho rằng, ngân hàng đã nắm đường chuôi khi giữ bản gốc giấy tờ về tài sản. Khách hàng không thể nào chuyển nhượng hoặc tặng, cho… dưới bất kỳ hình thức nào. Mặt khác khách hàng còn ràng buộc bởi hợp đồng vay vốn và hợp đồng bảo đảm (hợp đồng thế chấp) với ngân hàng vì hợp đồng thế chấp đều phải qua xác nhận công chứng hoặc chứng thực của các cấp theo luật định. Phía cuối một số loại giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất tại phần ghi chú chỉ ghi: “Người được cấp giấy không được tự ý sửa chữa, tẩy xóa, viết thêm bất kỳ nội dung nào trong giấy chứng nhận và sơ đồ. Khi mất giấy chứng nhận phải báo ngay với cơ quan có thẩm quyền”. Như vậy, trong giấy không qui định khi thế chấp phải mang đến cơ quan có thẩm quyền để ghi thông tin đã thế chấp vào giấy này. Vậy tại sao lại ghi vào sổ đỏ như vậy? Một khi khách hàng đã thanh toán hết nợ cho ngân hàng và muốn bán tài sản với lý do chính đáng sẽ rất khó thực hiện vì bị ép giá, người mua rất ngại mua những nhà đã thế chấp.
Từ thực tế trên, thiết nghĩ không chỉ riêng Bộ Tài nguyên – Môi trường mà các cơ quan chức năng cũng cần xem lại việc qui định ghi các thông tin vào sổ đỏ của người dân, nhất là thông tin về thế chấp để vay vốn ngân hàng. Qui định trên không đảm bảo tính thẩm mỹ cho loại giấy tờ này mà thậm chí nó còn chồng chéo trong cách quản lý hồ sơ. Theo chúng tôi, các cơ quan ngành Tài nguyên – Môi trường chỉ cần vào sổ theo dõi, khi khách hàng trả hết nợ, được ngân hàng giải chấp thì mang giấy tờ gốc đến để cơ quan này thực hiện xóa thế chấp là được.
KHẮC LUYỆN
(Chi nhánh Ngân hàng Công thương Phú Yên)