Báo Phú Yên số 205 ngày
Qua xem xét nội dung mà báo phản ánh, Phòng Quản lý đô thị TP Tuy Hòa kiểm tra lại hồ sơ dự toán đã lập đối với vỉa hè đường Lê Duẩn, đoạn Nguyễn Huệ – Lý Thường Kiệt và thông tin lại cho quý báo như sau:
Đề án Nâng cấp vỉa hè đường đô thị được UBND TP Tuy Hòa triển khai thực hiện từ năm 2001, theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Đối với các đoạn vỉa hè trước mặt nhà dân được giao cho UBND các phường làm chủ đầu tư. Việc tổ chức quản lý đầu tư đều phải thực hiện đúng theo các bước quy định đối với quản lý các công trình xây dựng cơ bản. Tuy nhiên, xét về quy mô đơn giản của vỉa hè, để tiện cho việc quản lý, đôn đốc tiến trình thực hiện đề án và tính thống nhất trên địa bàn, tạo điều kiện thuận lợi về mặt hồ sơ cho các phường thi công, UBND TP Tuy Hòa giao cho Phòng Quản lý đô thị đảm nhiệm công việc khảo sát thiết kế, lập hồ sơ dự toán và Phòng Tài chính – Kế hoạch thành phố tổ chức thẩm định dự toán, thẩm định quyết toán, trình UBND TP Tuy Hòa phê duyệt.
1- Về kết cấu của dự toán:
Việc tổ chức thi công hay thuê mướn các đơn vị có năng lực và pháp nhân thi công là do nhân dân đề xuất và UBND phường lựa chọn, trình UBND TP quyết định sau khi hồ sơ dự toán đã được lập và phê duyệt. Do vậy dự toán phải được lập đúng theo quy định như đối với các công trình xây dựng cơ bản khác. Ngoại trừ các chi phí: thiết kế dự toán và chi phí quản lý do chủ đầu tư và các đơn vị chuyên môn của thành phố thực hiện chỉ được hưởng từ 40% - 60% của mức quy định. Trường hợp tự tổ chức thi công (Tổ dân phố, khu phố đảm nhiệm) thì khi quyết toán được xem xét giảm trừ các chi phí sau: giám sát thi công, chi phí chung, thu nhập chịu thuế, thuế giá trị gia tăng. Việc giảm bỏ các chi phí này sẽ góp phần giảm đáng kể đến giá thành 1m2 xây dựng của vỉa hè.
Về việc giá thành 1m2 xây dựng vỉa hè không đồng nhất ở các nơi là tùy theo hiện trạng vỉa hè, có nơi là mặt đất hoặc láng ximăng, cao trình phải hạ thấp hoặc nâng lên, đắp đất hoặc đào các kết cấu cũ để đổ đi… Mặt khác đường bó vỉa được phá dỡ làm lại theo bó vỉa xiên nên cũng góp phần tăng chi phí cho 1m2 vỉa hè. Đối với vỉa hè đường Lê Duẩn đoạn Nguyễn Huệ – Lý Thường Kiệt với tổng dự toán 117.349.125 đồng là tính cho 1.518 m2 vỉa hè (chiều dài đường là 343,11m). Vậy giá trị dự toán trên 1m2 vỉa hè là: 77.300 đồng.
Đối với vỉa hè đường Lê Duẩn đoạn Nguyễn Tất Thành – Trần Phú:
Tổng dự toán: 125.551.936 đồng; diện tích vỉa hè: 1.765m2.
Giá trị dự toán trên 1m2 vỉa hè là: 71.134 đồng.
2- Về hao phí vật tư thi công (gỗ ván cốp pha):
Trong dự toán, công tác đúc tấm đan bêtông được áp dụng theo mã hiệu định mức KP.2310 – sản xuất, lắp dựng, tháo dỡ ván khuôn bêtông đúc sẵn (định mức xây dựng cơ bản 1242/1998/QĐ-BXD của Bộ Xây dựng) là đúng quy định. Hao phí vật tư (gỗ ván cốp pha) là tính theo định mức Nhà nước đã quy định, đơn vị thiết kế không được phép tính bằng định mức nào khác.
3- Về việc cho rằng đơn vị thiết kế đã đẩy cao tổng dự toán để có chi phí quản lý và thiết kế cao là không có cơ sở, vì:
- Đối với chi phí thiết kế:
Theo quy định của Đề án nâng cấp vỉa hè đường đô thị thì đơn vị lập hồ sơ thiết kế dự toán được hưởng 50% mức được hưởng theo quy định trong xây dựng cơ bản: 50% x 1,68% x giá trị dự toán xây dựng trước thuế (định mức chi phí lập dự án và thiết kế xây dựng công trình – Ban hành kèm theo Quyết định số 11/2005/QĐ-BXD ngày 15-4-2005 của Bộ Xây dựng) nhằm bù lại các chi phí hkông thuộc hành chính đã bỏ ra.
- Đối với chi phí quản lý dự án: Dự toán tính đủ theo quy định: 6,939% x giá trị dự toán xây dựng trước thuế (định mức chí phí quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình – Ban hành kèm theo Quyết định số: 10/2005/QĐ-BXD ngày
Chi phí này bao gồm: Chi phí Ban quản lý công trình, thẩm định thiết kế dự toán, lập hồ sơ mời thầu, giám sát thi công xây dựng, nghiệm thu đưa vào sử dụng, quyết toán,… và một số công việc khác.
Khi hoàn thành quyết toán công trình và tùy theo hình thức tổ chức thi công (tự thi công hay thuê các đơn vị khác), chủ đầu tư (UBND các phường) chỉ được thanh quyết toán các khoản chi thực tế đã thực hiện và chỉ được hưởng bằng 40% - 60% mức quy định của Nhà nước, tùy theo mỗi loại chi phí.
4- Về giải pháp tiết kiệm nhằm giảm chi phí giá thành trên 1m2 vỉa hè:
Trong nội dung Đề án, UBND thành phố đã có chủ trương áp dụng các giải pháp để giảm chi phí trong quản lý xây dựng, trong hao phí vật tư nhằm tiết kiệm tiền của nhân dân đóng góp và kinh phí của Nhà nước. Cụ thể như: Các cơ quan chuyên môn của thành phố tham gia thực hiện đề án như: Thiết kế dự toán, thẩm định quyết toán chỉ được hưởng 50% mức được hưởng theo quy định (không hưởng chi phí thẩm định dự toán). Các đơn vị quản lý thực hiện đầu tư – UBND các phường chỉ được hưởng 40% đối với mức được hưởng theo quy định (gồm các chi phí: Ban quản lý, giám sát, nghiệm thu…). Ngoài ra, UBND thành phố còn khuyến khích các phường tự tổ chức thi công để tiết kiệm vật tư (ví dụ như cốp pha ván khuôn), giảm các chi phí khác… để giảm giá thành 1m2 xây dựng vỉa hè.
5- Việc Báo Phú Yên nêu: “Có ý kiến cho rằng, nếu dân không chịu đóng góp theo đơn giá dự toán thì có thể hạ mức đóng góp của dân xuống (hiện nay là 50%) để hoàn thành cho được kế hoạch bêtông hóa vỉa hè”.
UBND TP Tuy Hòa không có chủ trương nào cho phép giảm mức đóng góp của nhân dân để xây dựng vỉa hè đối với những nơi nhân dân không chịu đóng góp theo mức 50%. Do vậy, UBND các phường (chủ đầu tư) cũng không thể chi cho xây dựng vỉa hè bằng nguồn nào khác ngoài 50% thu đóng góp của nhân dân và 50% Nhà nước hỗ trợ. Mặt khác UBND thành phố quyết định chỉ định thầu, cho phép các phường triển khai thi công khi ở địa phương đã vận động thu đạt 80% của phần 50% phải đóng góp của nhân dân.
Qua hơn 5 năm thực hiện Đề án bêtông hóa vỉa hè, được sự đồng thuận hưởng ứng nhiệt tình của các tầng lớp nhân dân nội thành, đến nay, toàn TP Tuy Hòa đã thực hiện được 193.783m2 vỉa hè (trong đó 139.217m2 vỉa hè qua nhà dân và 54.566m2 nơi công cộng). Đường phố Tuy Hòa đã sạch đẹp, bộ mặt đô thị được khang trang.
Phòng Quản lý đô thị TP Tuy Hòa hoan nghênh và cảm ơn các ý kiến đóng góp, phản ánh của nhân dân, của bạn đọc Báo Phú Yên không ngoài mục đích xây dựng để quá trình triển khai thực hiện Đề án trên địa bàn được tốt hơn.
Ý KIẾN CỦA BÁO PHÚ YÊN Về việc làm đẹp vỉa hè TP Tuy Hòa, từ năm 2004 đến nay, Báo Phú Yên đã đăng tải một số ý kiến của bạn đọc, với mong muốn xây dựng TP Tuy Hòa hiện đại văn minh. Chúng tôi hoan nghênh Phòng Quản lý đô thị TP Tuy Hòa đã có ý kiến phản hồi kịp thời sau khi báo đăng bài viết “Cần tiết kiệm tiền Nhà nước và nhân dân khi thi công vỉa hè”. Chúng tôi cũng xin trao đổi thêm một số vấn đề: Trên tinh thần của Luật tiết kiệm, chống lãng phí, đề nghị Phòng Quản lý đô thị – đơn vị thực hiện lập dự toán thiết kế các công trình vỉa hè đường phố (cũng như các đơn vị thiết kế xây dựng khác) đề xuất với cơ quan chức năng kiến nghị với Bộ Xây dựng về những bất hợp lý trong bộ tiêu chuẩn định mức xây dựng cơ bản 1242/1998-GD-BXD. Như bài báo đã phản ánh việc thiết kế 300m vỉa hè phải tốn đến 0,99m3 gỗ cốp pa và hơn 500m2 gỗ ván khuôn là không thể chấp nhận được vì không đúng với thực tế. Mọi quy chuẩn phải được xây dựng từ thực tế chứ không bằng ý chí chủ quan của một ngành, hay một nhóm người nào. Nếu phòng QLĐT cũng thấy bất hợp lý thì cần có ý kiến tham mưu với cơ quan chủ quản. Trên tinh thần tiết kiệm là quốc sách, tin rằng cơ quan chủ quản (ở đây là UBND TP Tuy Hòa) cũng sẽ chấp nhận những kiến nghị đúng thực tế chứ không nhất nhất phải đúng “định mức”, vì việc xây dựng định mức khi không đúng thực tế cũng sẽ gây ra những tác hại không nhỏ, lãng phỉ tiền của của Nhà nước và nhân dân. Những định mức sai với thực tế thì nên bãi bỏ. Không chỉ về định mức ván cốp-pha, nếu những định mức hạng mục khác, Phòng QLĐT thấy bất hợp lý cũng nên có ý kiếân với UBND TP Tuy Hòa để điều chỉnh cho hợp lý. Có như vậy nhân dân sẽ hoan nghênh và ủng hộ chủ trương cải tạo vỉa hè của TP Tuy Hòa, vừa ích nước vừa lợi dân. Bấy lâu nay, chúng ta nói “thất thoát trong xây dựng cơ bản là rất lớn” và đang đi tìm nguyên nhân để hạn chế thất thoát. Phải chăng việc thiết kế dự toán được xây dựng trên những định mức phi thực tế, cũng là một nguyên nhân gây lãng phí một khối lượng lớn tiền của của Nhà nước và nhân dân. Vậy, là cán bộ đảng viên chúng ta có nên vạch ra những bất hợp lý đó không? Một nguyên nhân khác làm đơn giá quá cao theo Phòng QLĐT có giải thích là “đường bó vỉa được phá dỡ làm lại theo bó vỉa xiên”. Theo chúng tôi, bó vỉa đường Lê Duẩn cả phía đông và tây đều có hình chữ L, được đúc bằng xi măng, chất lượng cao, tuy đã 10 năm rồi nhưng vẫn rất chắc chắn, không lý do gì lại phá dỡ bó vỉa phía tây đường làm lại theo bó vỉa xiên, với xi măng Phú Yên chất lượng thấp (tất nhiên chất lượng bó vỉa sẽ không bằng bó vỉa cũ), để đẩy đơn giá làm vỉa hè lên cao, lại làm cho đoạn đường này bó vỉa hai bên hai kiểu khác nhau rất không hài hòa chút nào (như đã làm ở đoạn qua phường 6, cũng thấy là khiên cưỡng). Đề nghị Phòng QLĐT xem xét lại, có nhất thiết vỉa hè cũ nào cũng phá bỏ đi để làm lại gây tốn kém tiền của Nhà nước và nhân dân. Mặt khác, như nhiều người am hiểu về an toàn giao thông cho rằng, bó vỉa chữ L an toàn hơn bó vỉa xiên. - Về chi phí quản lý và thiết kế: định mức chi phí lập dự án và chi phí quản lý dự án đã có quy định phần trăm (%) cụ thể rồi, không ai thay thế được. Nhưng định mức này được tính trên giá trị dự toán xây dựng trước thuế do đó, nếu đẩy giá trị dự toán lên thì số phần trăm (%) dành cho chi phí lập dự án và chi phí quản lý cũng tăng theo “to sóng thì to thuyền”. Bài toán đơn giản đó, ai cũng hiểu được, và chắc Phòng QLĐT cũng không lạ gì. Vì vậy nếu giá trị dự toán vỉa hè được tính chặt chẽ, đúng thực tế, đơn giá hợp lý, chắc chắn với 283,9m vỉa hè này, sẽ không có đến 4.837.196 đồng chi phí thiết kế và chi phí quản lý dự án. Về đơn giá 1m2 xây dựng vỉa hè đoạn từ đường Nguyễn Huệ đến đường Lý Thường Kiệt, theo hồ sơ thiết kế dự toán của Phòng QLĐT diện tích là 1.518,06m2, giá trị xây lắp sau thuế và kiến thiết cơ bản khác (tổng cộng 2 khoản) là 115.987.00đ như vậy đơn giá là 76.371,65 đồng/m2 (trong bản giải trình của Phòng QLĐT là 117.349.125 đồng, nên đơn giá tính ra là 77.300đ,0/m2, còn bản của phường 7 giao cho đồng chí Hùng, khu phố trưởng khu phố Nguyễn Du lại là: 115.978.000:1.398,81m2 = 82.911đ/m2 (không rõ số 1.398,8m2 này ở đâu, trong hồ sơ không có). Vì vậy khi triển khai ra dân, phường và khu phố đều phổ biến đơn giá gần 83.000đ/m2. Đề nghị Phòng QLĐT và UBND phường 7 xem xét lại vấn đề này. Về việc báo nêu “có ý kiến cho rằng, nếu dân không chịu đóng góp theo đơn giá dự toán có thể hạ mức đóng góp của dân xuống để hoàn thành cho được kế hoạch bêtông hóa vỉa hè”. Đây là ý kiến của một vị cán bộ phát biểu tại cuộc họp chi bộ “76” khu phố Nguyễn Du, nhằm thể hiện “quyết tâm xây dựng phường văn hóa”, Báo Phú Yên nêu lên công luận để lãnh đạo cấp trên thấy và uốn nắn những lệch lạc trong việc chỉ đạo làm vỉa hè. Báo Phú Yên hoan nghênh ý kiến của Phòng QLĐT về giải pháp tiết kiệm nhằm giảm chi phí giá thành trên 1m2 vỉa hè. Mong rằng các cơ quan chủ đầu tư và các phường, các khu phố… xem xét áp dụng để hết sức tiết kiệm tiền của Nhà nước và nhân dân vì tỉnh ta còn nghèo, đời sống nhân dân còn khó khăn. BÁO PHÚ YÊN