Lâu nay, theo chính sách khoan hồng của Đảng và Nhà nước ta, vào mỗi dịp Quốc khánh (2/9) hay các ngày lễ lớn, những người ở tù nếu cải tạo tốt thường được đặc xá, ra tù trước thời hạn nhằm tạo điều kiện cho họ sớm hòa nhập cộng đồng.
Đây là chính sách đúng đắn, thể hiện truyền thống nhân ái “đánh kẻ chạy đi chứ không đánh người chạy lại” của cha ông ta. Trong thời gian thụ án, ngoài được giáo dục, uốn nắn tư tưởng, học đọc, học viết, các tù nhân còn được tạo điều kiện học các nghề như thợ mộc, thủ công mỹ nghệ… để có một nghề trong tay để tránh sau này lâm vào cảnh “nhàn cư vi bất thiện”. Tuy nhiên, đối với những người “vào tù ra tội”, con đường hoàn lương đều không hề dễ dàng, bởi bản thân họ mang sẵn mặc cảm tội lỗi. Trong khi, mọi người xung quanh vẫn còn không ít tư tưởng né tránh tiếp xúc với người từng ở tù vì sợ liên lụy bản thân…
Do đó, để tránh cho họ có suy nghĩ bị cô lập, bị dồn vào bước đường cùng rồi đâm ra thù hận cuộc đời và sẵn sàng trở về với bản chất cũ, mỗi người chúng ta cần phải rộng lòng tha thứ và tận tình giúp đỡ nếu thấy họ đã biết ăn năn hối cải, thực sự muốn phục thiện “quên đi quá khứ làm lại từ đầu”. Để làm được điều này, trước hết, gia đình, người thân của các cựu tù nên tiếp nhận họ với một thái độ thân thiện, gần gũi. Mọi người xung quanh nên dẹp bỏ thái độ kỳ thị và nhất là tránh tình trạng phân biệt đối xử một khi quyền và lợi ích công dân của họ được khôi phục. Việc họ học được một nghề trong thời gian thụ án là điều hữu ích, nhưng nhiều người cựu tù trở về với cuộc sống đời thường chỉ với hai bàn tay trắng. Vì thế, để họ sống được với nghề, cần có rất nhiều sự giúp đỡ từ các cá nhân, các cấp ngành và chính quyền địa phương về vốn để tự kinh doanh hoặc tạo điều kiện để họ được nhận vào làm việc ở doanh nghiệp, công ty…Thiết nghĩ, một khi làm tốt những điều trên, tệ nạn xã hội chắc chắn sẽ giảm và an ninh trật tự ở khu dân cư được đảm bảo.
LÊ NGUYÊN