Thứ Ba, 08/10/2024 12:35 CH
Góp thêm ý kiến về chống tiêu cực trong giáo dục
Thứ Hai, 14/08/2006 07:56 SA

Thời gian qua, trên các báo đã có nhiều bài viết phân tích, mổ xẻ nguyên nhân của các tiêu cực trong giáo dục dưới nhiều góc độ khác nhau, hướng đến chủ trương “chấn hưng giáo dục” do tân Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thiện Nhân khởi xướng. Nhân đây, chúng tôi xin góp thêm ý kiến về vấn đề này ở một cách tiếp cận khác.

 

Theo chúng tôi, nguyên nhân của các vấn đề tiêu cực trong giáo dục nằm ở ngay trong hệ thống giáo dục. Do vậy, muốn khắc phục được hiện trạng tiêu cực này, cần phải cải cách ngay hệ thống giáo dục quốc dân với điểm nhấn là “phân luồng” và “liên thông” trong giáo dục – đào tạo.

 

PHÂN LUỒNG TRIỆT ĐỂ HỌC SINH SAU TRUNG HỌC

 

060814-co-giao.jpg

Sớm phân luồng học sinh sau trung học, từ đó giáo dục nghề nghiệp cho học sinh ngay từ ghế nhà trường là cách làm của nhiều nền giáo dục trên thế giới. Trong ảnh: Một tiết học nhạc ở trường THCS Nguyễn Thế Bảo (xã Hòa Thắng, huyện Phú Hòa) - Ảnh:Thúy Hằng

Việc tiến hành phân luồng triệt để học sinh sau THCS và THPT có liên quan đến phân hệ giáo dục nghề nghiệp trong hệ thống giáo dục quốc dân. Thực tế là trong thời gian qua, chúng ta chưa nhận thức đúng đắn tầm quan trọng của phân hệ này trong hệ thống giáo dục quốc dân nên chưa đầu tư đúng mức. Việc phát triển giáo dục nghề nghiệp sẽ làm tăng thêm cơ hội để đi tiếp trong hành trình cuộc sống; làm giảm đi áp lực phải học lên; khắc phục được tình trạng “thiên binh, vạn mã tranh nhau qua chiếc cầu độc mộc” để vào THPT hay đại học, gây căng thẳng cho kỳ thi tuyển sinh, làm phức tạp thêm việc dạy thêm, học thêm cũng như những vấn đề tiêu cực khác trong giáo dục.

 

Để thu hút học sinh vào luồng giáo dục nghề nghiệp, còn nhất thiết phải làm thay đổi quan niệm của cộng đồng về vai trò, vị trí của giáo dục nghề nghiệp (lâu nay, giáo dục nghề nghiệp bị xem là thứ yếu, là một phụ lục của hệ thống giáo dục quốc dân). Ngày nay, nhiều quốc gia trên thế giới đã xác định rằng, giáo dục nghề nghiệp là hướng đi chủ yếu trong hành trình “học suốt đời”. Đồng thời, chúng ta phải có những giải pháp đủ mạnh để nâng cao năng lực đào tạo của phân hệ giáo dục nghề nghiệp cả về qui mô lẫn chất lượng. Sản phẩm của phân hệ giáo dục nghề nghiệp nếu đáp ứng tốt yêu cầu đa dạng của thị trường sẽ tạo nên sức hấp dẫn và độ tin cậy để học sinh an tâm bước vào học nghề.

 

TỔ CHỨC ĐÀO TẠO LIÊN THÔNG

 

Liên thông trong giáo dục – đào tạo là quá trình tiếp nối, chuyển đổi đào tạo. Cùng với phân luồng, liên thông trong giáo dục – đào tạo sẽ làm cho hệ thống giáo dục quốc dân trở nên linh hoạt hơn, có tính thích ứng cao hơn với đòi hỏi “học thường xuyên”, “học suốt đời” trong một xã hội học tập. Liên thông trong giáo dục – đào tạo sẽ mở ra cơ hội thuận lợi để mọi người có thể “trở lại giáo dục” khi có điều kiện nhằm hoàn chỉnh và nâng cao trình độ học vấn. Một trong những nguyên nhân dẫn đến việc phân luồng lâu nay gặp khó khăn là do sức ép tâm lý. Học sinh ngại bước vào phân hệ giáo dục nghề nghiệp vì không nhìn thấy rõ hướng đi trong tương lai: làm thế nào để tiếp tục học và học lên cao, để lập thân, lập nghiệp? Như vậy, liên thông trong giáo dục – đào tạo là một xu thế tất yếu nhằm đáp ứng nguyện vọng “học thường xuyên” và “học suốt đời” của mọi người. Nếu được tổ chức tốt với một cơ cấu hợp lý, liên thông trong giáo dục – đào tạo sẽ góp phần phân luồng học sinh sau trung học diễn ra thuận lợi.

 

Nói tóm lại, những tiêu cực trong giáo dục bắt nguồn từ “áp lực phải học lên”. Do vậy, cải cách hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng phân luồng và liên thông đã trở thành vấn đề bức thiết. Hệ thống giáo dục quốc dân là cơ sở hạ tầng của giáo dục, tạo cơ sở nền tảng để phát triển qui mô, nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục, bảo đảm quyền lợi và nghĩa vụ học tập của mọi công dân Việt Nam được Hiến pháp ghi nhận. Việc điều chỉnh hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng nhấn mạnh phân luồng và liên thông sẽ làm cho hệ thống giáo dục quốc dân trở nên linh hoạt hơn, tạo điều kiện để mọi người đều được tiếp cận giáo dục tùy theo khả năng và điều kiện của mình, làm giảm sức ép phải học lên. Bên cạnh cải cách hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng phân luồng và liên thông, cần phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền và nâng cao năng lực đào tạo của phân hệ giáo dục nghề nghiệp nhằm khắc phục tâm lý “chuộng bằng cấp” của cộng đồng. Đây chính là những giải pháp chiến lược nhằm khắc phục những hiện tượng tiêu cực trong giáo dục hiện nay.

 

        LÊ BẠT SƠN

(Trường CĐSP Phú Yên)

 

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek