Thời gian gần đây đã xảy ra nhiều vụ tai nạn thương tâm đối với trẻ em, khi các cháu sinh hoạt, vui chơi tại gia đình. Hậu quả là có em bị tàn tật suốt đời, thậm chí có trường hợp tử vong.
Tai nạn xảy ra tại gia đình lỗi phần lớn do các bậc cha mẹ, người trông trẻ thiếu sự quan tâm, để trẻ tự do vui chơi bên những vật dụng, đồ chơi và những nơi không an toàn, luôn tiềm ẩn nguy hiểm. Thậm chí có phụ huynh thiếu ý thức, gây tai nạn cho con mình. Chẳng hạn có người cha đang ngồi nhậu, đưa cho đứa con mới biết đi chập chững một miếng cá khô có xương khi cháu khóc; trẻ nuốt miếng cá, bị mắc xương ngay cổ họng, làm cháu nghẹt thở, gia đình phải đưa đi cấp cứu. Có người mẹ bất cẩn khi ủi quần áo, cứ để bàn ủi nóng còn dẫn điện chạy xuống bếp, vô tình làm đứa con bị bỏng cả phần bụng và tay. Có trường hợp do nền nhà trơn bé té ngã gây chấn thương sọ não…
Để phòng tránh tai nạn đáng tiếc xảy ra cho trẻ em, các bậc cha mẹ cần theo dõi chặt chẽ khi đứa trẻ sinh hoạt, vui chơi. Tránh cho trẻ dùng thịt có xương, đừng để chơi đùa với vật nhọn, nguy hiểm như kéo, dao, tiền xu, viên bi, bật lửa, bình ga mi-ni… hoặc các vật dụng làm bằng thủy tinh. Không cho trẻ dùng trái cây có hạt lớn, không cho chơi súng bắn đạn; nên đưa lên cao khỏi tầm với của trẻ các loại bình thủy, chai lon chứa đựng axít, dầu lửa, thuốc chuột và các chất độc hại. Các ổ điện cần có nắp đậy hoặc đưa lên cao, bàn ủi nên để trên bàn cao khi có trẻ em trong nhà. Nhà có gác lửng hoặc ban công, các song lan can phải sát nhau tránh trẻ em chui qua. Quanh khu vực cạnh nhà có ao hồ sông suối nên cẩn trọng đường đi nước bước của trẻ em hoặc có thể làm hàng rào tránh bớt sự nguy hiểm. Nhà gần đường bộ, đường sắt nên cần có các song chắn ngay cửa ra vào hoặc làm hàng rào xung quanh để đảm bảo an toàn cho trẻ.
NGUYỄN TIẾN PHÚ