Chiến tranh đã lùi xa gần nửa thế kỷ, nhưng nỗi đau vẫn còn hiện hữu trong nhiều gia đình nạn nhân chất độc da cam/dioxin. Để góp phần xoa dịu nỗi đau đó, các cấp hội nạn nhân da cam trong tỉnh đã huy động nhiều nguồn lực để hỗ trợ sinh kế, giúp gia đình nạn nhân da cam vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống.
Ông Lê Văn Thìn (71 tuổi, ở thôn Vạn Lộc, xã Hòa Mỹ Đông, huyện Tây Hòa) tham gia kháng chiến chống Mỹ tại chiến trường miền Tây Bình Định - Phú Yên và mất 45% sức khỏe, rồi bị nhiễm chất độc da cam. Rời quân ngũ, ông về lại quê nhà xây dựng gia đình, sinh được một đứa con gái nhưng không lành lặn là Lê Thị Kim Thoa. Hơn 30 năm nay, chị Thoa vẫn như một đứa trẻ, ngơ ngác, khờ khạo, mọi sinh hoạt đều phải đến tay người vợ tảo tần của ông là bà Cao Thị Hảo. Ông Thìn sức khỏe yếu, vết thương trong người mỗi khi trái gió trở trời lại làm ông đau nhức; vợ ông thì bị đau khớp nên cuộc sống của gia đình ông Thìn ngày càng thắt ngặt.
Để giúp gia đình ông Thìn vươn lên, cuối năm 2021, thông qua dự án nuôi bò sinh sản của Trung ương Hội Nạn nhân chất độc Việt Nam, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh đã lập danh sách hỗ trợ 3 con bò giống, trong đó gia đình ông Thìn được tặng 1 con bò giống trị giá 17 triệu đồng. “Từ ngày có bò nuôi, tôi trồng thêm vạt cỏ voi trong vườn cho bò ăn, làm bạt ủ ấm quanh chuồng, thấy bò mau lớn, vợ chồng tôi vui lắm”, ông Thìn bộc bạch.
Ông Lê Văn Năng ở khu phố Đông Hòa, thị trấn Củng Sơn, (huyện Sơn Hòa) cũng rất mừng vì được hỗ trợ bò giống từ dự án nói trên. Đây là “cần câu cơm” giúp ông có điều kiện phát triển kinh tế, chăm lo cho người con bị thiểu năng trí tuệ, câm điếc do ảnh hưởng của chất độc da cam. “Nhìn con bò phát triển tốt, lớn nhanh, cả nhà ai cũng vui”, ông Năng thổ lộ.
Theo ông Phan Xuân Phương, Phó Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin huyện Sơn Hòa, tuổi thanh xuân ông Năng hăng hái lên đường bảo vệ Tổ quốc ở chiến trường miền Tây Phú Yên và bị nhiễm chất độc hóa học. Khi phục viên xuất ngũ, vợ chồng ông có 4 người con thì con gái út Lê Thị Nhân bị khuyết tật. Kinh tế khó khăn, lại phải chăm con bệnh đau thường xuyên nên gia đình ông Năng đã khó càng thêm khổ.
Tại huyện miền núi Sông Hinh, chúng tôi cùng bà Nguyễn Thị Ngọc, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin huyện đến thăm 5 gia đình được hỗ trợ bò giống là hộ các ông Lê Hữu Thanh, Lê Văn Thơm, Phan Ngọc Hạnh (thị trấn Hai Riêng), Phạm Văn Sách (xã Sông Hinh) và Ma Viên (xã Ea Bá). Đàn bò của các gia đình này đã phát triển từ 2 đến 4 con. Đưa chúng tôi ra thăm chuồng bò, ông Lê Hữu Thanh ở khu phố 4, thị trấn Hai Riêng vui vẻ nói: Bò nhà tôi đã sinh được 3 con rồi, đi đâu tôi cũng tranh thủ về sớm để chăm sóc. Nhìn thấy bò sinh sôi, con bê này lớn thì lại có lứa mới, tôi vui lắm. Tôi đã bán 1 con, lấy tiền mua thêm đàn gà về nuôi; gà đẻ trứng thì mang ra chợ bán kiếm đồng ra đồng vô chi tiêu hàng ngày.
Theo ông Nguyễn Ngọc Chiến, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh, 3 năm qua, hội đã vận động hỗ trợ các gia đình nạn nhân chất độc da cam/dioxin trên địa bàn tỉnh 16 con bò giống, xây dựng 5 nhà Tình thương, 120 suất học bổng và 3.200 suất quà với tổng trị giá trên 2,4 tỉ đồng. Bên cạnh đó, các cấp hội cơ sở ở 9 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh cũng đã huy động nhiều nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân để hỗ trợ sửa chữa 27 nhà ở, cấp 230 suất học bổng, 400 suất trợ cấp khó khăn; khám bệnh, phát thuốc miễn phí cho 300 lượt người; tặng 55 xe lăn và hàng ngàn suất quà cho nạn nhân chất độc da cam/dioxin.
Chúng tôi đang tiếp tục rà soát những hoàn cảnh nạn nhân chất độc da cam/dioxin thực sự khó khăn để trợ cấp kịp thời. Đồng thời huy động các nguồn lực nhằm hỗ trợ sinh kế, giúp họ vượt qua khó khăn, từng bước nâng cao đời sống.
Ông Nguyễn Ngọc Chiến, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh |
HUY MINH