Ngày 16/10, một tài khoản trên mạng xã hội facebook đưa lên ảnh chụp tiêu đề bài viết của một tờ báo điện tử có tên “Thí sinh bị bại não dự thi ngành Báo chí”, kèm theo là ảnh vẽ một người ngồi cười với dòng chữ ghi: “Giờ thì ta đã hiểu ngành Báo chí Việt Nam!”. Trước đó, một tài khoản đưa lên facebook với dòng chữ: Công nhận là title (tiêu đề) quá hay!
Vào đọc mới hay hai cái tít nói trên thu hút hàng trăm lượt thích, bình luận và nhiều lượt chia sẻ của người chơi facebook. Hầu hết bình luận đều đổ xô cười cợt em thí sinh nọ, rồi “kết luận” rằng nền báo chí nước ta bây giờ cũng “na ná” như vậy (!?). Vài người tham gia bình luận cho rằng cách đặt tiêu đề bài báo của tòa soạn chưa thật chuẩn vì dễ gây hiểu lầm, có phần đánh vào sự tò mò của người đọc, nói theo kiểu truyền thông bây giờ là “câu” like. Nhưng không nên vì thế mà kỳ thị, nặng lời, vùi dập ước mơ chính đáng của người khuyết tật. Đồng thời cũng rất không nên từ một sự việc rất nhỏ và riêng lẻ của một tờ báo mà “vơ đũa cả nắm”, khái quát, đánh giá thiếu thiện ý về hoạt động báo chí nước nhà.
Vào Google tra cứu thì ra bài báo này đã đăng cách đây hơn 4 năm, vào ngày 21/6/2017. Bài báo kể chuyện em L.N.T.A, học sinh lớp 12A3 Trường THPT Phú Ngọc (huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai), bị bại não từ khi lọt lòng, được mẹ đưa đến tận phòng làm thủ tục dự thi tốt nghiệp THPT năm 2017. Tác giả bài báo cũng viết rõ, đến khi đi thi, bằng sự nỗ lực của bản thân cùng sự động viên của gia đình, trải qua 12 năm đèn sách, trí nhớ của A dần tốt hơn. Từ năm lớp 6 trở lại đây, não của em bắt đầu phát triển nhanh hơn, kết quả học hành cũng từng bước được nâng lên rõ rệt, đó cũng là lúc A nghĩ đến việc học cao hơn và không phải phụ thuộc cha mẹ như trước. Em cho biết mình chọn và đăng ký ngành học này vì yêu thích và cảm thấy phù hợp, nếu không đậu thì năm sau sẽ thi lại… (thông tin mới nhất cho biết em L.N.T.A đã tốt nghiệp đại học theo ngành đã chọn).
Tiêu đề bài báo vừa kể trên facebook gợi nhớ đến một vụ cũng “dậy sóng” trên mạng xã hội mà hệ lụy của nó dự báo còn rất lâu dài và phức tạp. Đó là có doanh nhân livestream trên facebook, lôi các chuyện đời tư, hoạt động từ thiện của một số nghệ sĩ cho thiên hạ nghe. Hầu hết là những chuyện thị phi, không có gì tốt đẹp và nhất là thực hư chưa rõ đúng sai. Điều đáng nói là doanh nhân này có đến hàng trăm ngàn người hâm mộ, theo dõi. Thế là lượng “cổ động viên” rất đông đảo này nhảy vào bình luận “chửi” các nghệ sĩ, gọi họ là “thằng này, con kia”, mặc sức thóa mạ bằng những từ ngữ rất thiếu văn hóa. Nhiều người còn đề nghị các cơ quan pháp luật sớm điều tra, xử lý bỏ tù các nghệ sĩ được “bêu tên”, trong khi sự thật chưa được ai xác minh, làm rõ! Sự việc diễn biến ngày càng phức tạp và mới đây Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã chính thức vào cuộc để làm rõ sự việc lùm xùm này.
Từ khi có facebook, bên cạnh những mặt tích cực như thông tin kịp thời, nhanh nhạy các mặt của đời sống; kết nối, tương tác những người chơi…, trên mạng xã hội này cũng có không ít những tin giả, những thông tin mang ý đồ cá nhân của người phát tán. Một bộ phận không nhỏ facebooker (người chơi facebook) rất ư là “vô tư”, hễ có vụ nào “nóng” vừa xuất hiện trên mạng là lập tức bình luận, tha hồ nói xấu, trong khi điều quan trọng nhất là có bao nhiêu phần trăm sự thật trong vụ đó thì lại không hề biết, để có cái nhìn khách quan, đúng đắn. Hậu quả là có nạn nhân vì không chịu nổi áp lực tinh thần, khủng hoảng lâu ngày dẫn đến trầm uất, tìm đến cái chết.
Luật An ninh mạng (có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2019) và các văn bản quy phạm pháp luật khác đã nghiêm cấm các hành vi xúc phạm nghiêm trọng danh dự, uy tín, nhân phẩm của cá nhân, tổ chức trên không gian mạng. Vì vậy, hãy là người sử dụng mạng xã hội chín chắn, thông minh, văn minh, trách nhiệm, tình thương để không vi phạm pháp luật vì những cú nhấp chuột bốc đồng, nông nổi!
LÊ CÔNG