Thứ Sáu, 29/11/2024 00:55 SA
Thời niên thiếu
Thứ Năm, 06/02/2014 00:00 SA

Nơi tôi chào đời là căn buồng nhỏ ở nhà dưới. Ông nội tôi có cặp nhà lá mái, nhà trên đặt ba dãy bàn thờ, còn nhà dưới có lẫm lúa ở giữa, hai bên là hai buồng cho hai người con dâu: mẹ tôi và thím Sáu tôi. Cha tôi, chú Sáu và cô Dư tôi đã chào đời ở một trong hai căn buồng đó. Còn bốn anh em tôi ra đời trong căn buồng bên phải cái lẫm lúa. Buồng nhỏ, đủ kê chiếc giường tre nhỏ và đặt đôi nừng - gánh hàng xén của mẹ. Buồng tối và kín đáo. Theo tập quán, trong tháng đầu sau khi sinh không cho trẻ ra khỏi buồng và người lạ không ai được vào “buồng đàn bà đẻ”.

tnt.jpg

Cùng con cháu về mái nhà xưa thăm mẹ ở làng Phước Hậu - Ảnh: TƯ LIỆU

Lớn một chút, tôi được đặt nằm trên chiếc võng do chính mẹ tôi đan. Cô Dư tôi lên mười tuổi là người thường đưa võng ru tôi ngủ. Bà nội tôi không còn, chị gái tôi không có, cho nên mẹ và cô tôi là những phụ nữ âu yếm tôi nhiều nhất. Trí nhớ tuổi ấu thơ của tôi còn giữ được hình ảnh về ngôi nhà của cha tôi mà ngày nay sách sử viết là “Hiệu buôn Công Tế”. Đó là nhà ở ngay gần “Cây số 3”, cha tôi vừa mở bán tạp hóa, vừa là tiệm may, vừa hớt tóc và là gara cho chiếc xe chở khách. Bán tạp hóa thì mẹ tôi lo. Cha tôi vừa là thợ may vừa là thợ hớt tóc, nhưng cô tôi là người thường ngồi ở máy. Chiếc ô tô chở khách có hiệu là “Đờ La” chạy tuyến Tuy Hòa - Sông Cầu, có khi ra tới Quy Nhơn. Các hoạt động này nhằm mục đích liên lạc và phục vụ các yêu cầu của công tác cách mạng.

Tôi còn nhớ, có lần tôi lấy chiếc ghế nhỏ đặt trên thùng dầu hỏa rồi đứng lên lấy kẹo đựng trong chiếc thẩu, bị ngã đau. Nhớ nhiều hơn là chuyện tôi đi học. Hằng ngày tôi được đưa tới trường ở ngay phía sau nhà để học. Gọi là “học” nhưng tôi không có sách vở gì hết, vì chưa đến tuổi. Cha tôi gửi cho ông chủ trường là Nguyễn Chấn - đồng chí của cha đang cùng hoạt động bí mật. Vào buổi học sau khi ông ra bài, phóng chữ cho học sinh trong lớp xong, ông mới dạy tôi. Ông đọc, tôi đọc theo chỉ có một câu: “Cha tôi là ông chủ Đờ La, cả ngày chạy xe trên đường, vào Nam ra Bắc, lấy tiền nuôi tôi ăn học”. Đôi mắt ông nheo nheo, nụ cười luôn trên môi, chiếc thước kẻ trên tay nhịp nhịp. Vậy mà hình ảnh đó và tên chiếc xe Đờ La in đậm trong trí nhớ tuổi ấu thơ của tôi.

Năm 1944, cha tôi bị mật thám theo dõi rồi bắt giam ở Tuy Hòa. Có một buổi chiều mẹ đưa cả ba anh em tôi về thăm ngoại ở làng Liên Trì. Lúc về, khác với mọi lần, bà dắt chúng tôi đi thật chậm. Một chiếc xe mui trần, chở tù chính trị phạm từ Tuy Hòa chạy ra Sông Cầu. Nhìn thấy xe từ xa, bà nắm tay các con, đứng lại, thành hàng ngang để cha tôi trên xe nhìn rõ mặt từng đứa con. Xe chạy qua, bà hỏi: “Có thấy cha không”. Xe chạy nhanh, chúng tôi không kịp nhìn, nhưng bà thấy rõ cha tôi và ông cũng kịp nhìn kỹ vợ con thân yêu của mình.

Năm 1945. Đó là năm nhân dân Việt Nam đã làm nên cuộc Cách mạng Tháng Tám lịch sử, lập ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.

Thời niên thiếu của tôi có thể tính từ đây. Lúc đó tôi lên 9 tuổi. Tôi đã có mặt trong đoàn biểu tình mừng thắng lợi sau khi cướp được chính quyền ở phủ Tuy Hòa.

Những năm sau Cách mạng Tháng Tám tôi đi học trường tiểu học ở Tuy Hòa. Năm lớp nhì tôi học cô Hồ Thị Thảo, một nữ giáo viên người Huế. Những học sinh khá của lớp là Trần Tỷ ở Ninh Tịnh, Tô Tấn Tài và tôi ở Phước Hậu thường được cô cho đến nhà cộng sổ điểm hằng tháng.

Ở nhà, những năm này, thiếu niên trong xóm tôi hay bắt chước làm theo người lớn. Ở thị xã Tuy Hòa mở hội chợ, đấu xảo, chúng tôi cũng tổ chức triển lãm, bày những thứ đồ thủ công tự làm. Ở Tuy Hòa diễn văn nghệ, thì trong xóm tôi cũng làm sân khấu diễn kịch, thu hút người trong xóm đến xem khá đông. Thường xuyên là mọi người cùng nhau “đánh giặc giả” vào ban đêm. Chúng tôi làm nhiều lựu đạn tre, súng bẹ chuối, ống bắn hột chùm đọt và cả súng máy bằng ống tre quay kêu lách cách. Có cả lưỡi lê, ba doa nét và súng lục bằng gỗ. Trong những cuộc chơi tôi thường đóng vai thủ lĩnh của đám thiếu niên trong xóm.

Năm học 1948-1949 tôi học trung học phải đi xa nhà. Cả tỉnh Phú Yên lúc bấy giờ có một trường trung học Lương Văn Chánh được thành lập từ năm 1946, đóng ở An Thổ, xã An Dân. Sau khi bị Pháp tấn công đốt phá, năm 1948 trường dời lên xã An Định, đóng ở Đồng Me.

Một kỷ niệm mà ký ức thiếu thời tôi còn ghi nhớ được là tôi và vài bạn lớp Đệ Nhất do mê sách của Tự Lực Văn Đoàn nên bắt chước “viết sách”, tự xưng là “Công Lực Văn Đoàn”. “Tác phẩm” của chúng tôi là “sách” cỡ nhỏ, bằng quyển sổ tay, tự trang trí bìa đẹp, nội dung tự sáng tác. Viết xong các tác giả trao đổi nhau đọc. Vậy mà rất thích thú, say mê.

Mùa hè năm 1949, giặc Pháp đổ bộ lên Tuy Hòa, càn quét đốt phá. Cô tôi dắt ba anh em tôi chạy lên núi Chóp Chài, ngồi trốn ở chân hòn Đá Đen, nhìn xuống thấy rõ giặc đốt nhà tôi. Lúc đó mẹ tôi đang trốn dưới hầm bí mật, giặc đã tìm thấy cửa hầm nhưng không bắt được bà. Sau địch họa này, gia đình tôi gặp nhiều khó khăn. Nhà cửa, áo quần, đồ đạc thành tro.

Sau khi cháy nhà, rồi sập nhà, gia đình tôi sa sút. Cha tôi và cô tôi đã thoát ly gia đình đi công tác từ lâu, rồi anh tôi cũng công tác thoát ly. Quân Pháp luôn uy hiếp mặt biển, dân làng luôn phải chạy giặc, tản cư. Gia đình tôi chuyển đi xa biển hơn, lên làm nhà ở Núi Sầm, xã Hòa Trị.

Rồi giặc Pháp cho máy bay ném bom, phá sập Cầu Máng. Cánh đồng trước đây luôn đầy ắp nước dẫn thủy, xanh tươi mát mẻ, nay khô nứt nẻ. Đào ao lấy nước tưới cho lúa, không thấm vào đâu. Một loại “lúa đen” chịu hạn mà bài hát có câu “căm thù thắng Tây cướp mùa lúa đen” tôi còn ghi nhớ với hận thù quân cướp nước dã man đánh vào kinh tế của dân lành. Dân kéo nhau lên rừng, vào núi đào khoai, có một ít khoai mài, còn nhiều hơn là khoai khai. Nhà tôi không đi đào khoai được, mua khoai lang và chủ yếu là ăn rau tự trồng.

Bữa cơm hằng ngày mẹ tôi thường ăn sau, để các con ăn no còn mình thì rau với khoai cho xong bữa. Nhưng tôi đâu có vô tâm, nên tôi cũng ăn nhiều rau còn dành phần cơm trong hông nồi cho mẹ. Sau đó bà đổi cách, bà ăn trước no bằng rau khoai, còn cơm dành cho các con. Nhưng tôi cũng có cách để mẹ con cùng no, cùng đói, cùng rau khoai. Trong gian khó, thiếu thốn tôi càng thương mẹ và bà cũng bao lần gạt nước mắt, âu yếm nhìn con.

Đi học thì chiều thứ bảy tôi về nhà rồi chiều chủ nhật lại đến trường với ruột nghé gạo trên vai và chai nước mắm xách ở tay. Những tháng đói, cứ mẹ cho gạo vào đầy căng một nghé, tôi lại lén bỏ bớt ra, dành phần cho mẹ và em ở nhà. Những lúc giằng co như vậy, mẹ tôi thường giành phần “thắng”, với lý lẽ “con đang tuổi ăn tuổi lớn” với ở nhà không có cơm thì có rau khoai, con đi học “phải bằng anh bằng em”.

Học hết lớp 7 tôi nghỉ học. Cha mẹ tôi rất thương con, nhưng quả đã cố hết sức rồi. Tôi rất ham học, muốn học, nhưng biết rõ không có cách gì để đi học nữa. Lên cấp ba thì phải đi thật xa nhà, mà gia đình không thể ráng thêm được nữa. Và học xong lớp 7 đã là trọn vẹn cho tôi trong hoàn cảnh gia đình như vậy.

Giáo sư NGUYỄN QUỐC LỘC

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Chào xuân Giáp Ngọ 2014
Thứ Sáu, 31/01/2014 07:00 SA
Cùng bạn đọc kính mến
Thứ Ba, 28/01/2014 09:15 SA
Cùng bạn đọc
Thứ Hai, 27/01/2014 16:20 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek