* Hỏi: Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có nhiều dự án triển khai xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho người có thu nhập thấp. Vậy mức lãi suất cho vay ưu đãi của các tổ chức tín dụng do Nhà nước quy định như thế nào? Vì hiện nay thực hiện chính sách nhà ở xã hội tỉnh Phú Yên, chủ đầu tư đề nghị chúng tôi ký hợp đồng vay vốn với Ngân hàng Phương Đông chi nhánh Khánh Hòa (Ngân hàng Phương Đông là ngân hàng thương mại được Chính phủ chỉ định thực hiện việc hỗ trợ lãi suất theo Quyết định 48/2017/QĐ-TTg) với lãi suất và biên độ dao động khá cao, 8,5%/năm cho năm đầu tiên. Điều này dẫn đến một số người lao động có thu nhập thấp không có khả năng trả nợ khoản vay nếu thực hiện theo quy định tại hợp đồng tín dụng của ngân hàng này (những năm tiếp theo có xu hướng thả nổi dao động trên 11%). Vậy việc làm này của chủ đầu tư và ngân hàng thực hiện cho vay có phù hợp quy định pháp luật hay không? Vì chúng tôi thuộc diện được mua nhàởxãhội theo quy định tại Nghị định 100/2015/NĐ-CP.
Trần Thị Hồng Phương (phường 1, TP Tuy Hòa)
* Trả lời:
- Nghị định 100/2015/NĐ-CP do Chính phủ ban hành có hướng dẫn cho vay mua nhà ở xã hội như sau:
Đối tượng được vay mua nhà ở xã hội
Theo Nghị định 100, đối tượng được vay tiền mua nhà ở xã hội là:
- Người có thu nhập thấp, hộ nghèo, cận nghèo ở thành thị;
- Người lao động làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài khu đô thị;
- Cán bộ, công chức, viên chức.
Các đối tượng thuộc diện mua nhà ở xã hội sẽ được vay tối đa 80% giá trị hợp đồng mua hay thuê nhà ở xã hội. Với trường hợp mua đất rồi xây dựng hay cải tạo, sửa chữa nhà ở thì mức vốn cho vay tối đa bằng 70% giá trị dự toán và không vượt quá 70% giá trị tài sản bảo đảm tiền vay.
Thủ tục cho vay mua nhà ở xã hội
Trong hướng dẫn cho vay mua nhà ở xã hội có nhắc đến thời hạn cho vay tối thiểu là 15 năm kể từ ngày giải ngân. Nếu người vay muốn rút ngắn thời hạn cho vay thì có thể thỏa thuận lại với ngân hàng.
Và để vay được vốn, người vay phải chuẩn bị đầy đủ hồ sơ theo quy định từ hợp đồng mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội với chủ đầu tư; bản sao hộ khẩu thường trú; giấy đăng ký kết hôn hay giấy chứng thực độc thân (bản gốc); CMND bản sao.
Bên cạnh đó, theo hướng dẫn cho vay mua nhà ở xã hội, người vay phải chứng thực khả năng tài chính để có thể trả nợ mỗi tháng bằng bản sao công chứng bảng lương 6 tháng gần nhất và bản sao hợp đồng lao động.
Sau khi đã hoàn tất các thủ tục, hồ sơ pháp lý và nộp cho ngân hàng. Lúc này, ngân hàng sẽ dựa trên các tiêu chí ghi rõ trong quy định mà xét duyệt đối tượng được vay tiền mua nhà, còn những đối tượng không được duyệt cũng phải ghi rõ lý do trên hồ sơ trả về.
Trong Nghị định 100 của Chính phủ cũng ghi rõ, người mua, thuê nhà ở xã hội không được phép sử dụng nhà để thế chấp hay chuyển nhượng nhà ở dưới mọi hình thức thời gian tối thiểu là 5 năm, kể từ thời điểm trả hết tiền thuê, tiền mua nhà cho bên bán. Nếu muốn bán lại hay cho thuê lại phải được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
Trường hợp, nếu mua nhà hay thuê nhà ở xã hội mà thời hạn chưa đủ 5 năm, kể từ thời điểm trả hết tiền mua, tiền thuê nhưng lại có nhu cầu bán lại hay cho thuê lại thì chỉ được bán lại cho Nhà nước hay chủ đầu tư xây dựng dự án nhà ở xã hội đó.
LS NGUYỄN HƯƠNG QUÊ
(Văn phòng Luật sư Phúc Luật)