Thực hiện Nghị quyết 49-NQ/TW ngày 2/6/2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, chỉ thị của Viện trưởng Viện KSND tối cao về chủ trương “Nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa xét xử, coi đây là khâu đột phá của hoạt động tư pháp”, Viện KSND hai cấp tỉnh và huyện ở Phú Yên đã có nhiều cố gắng trong công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử các vụ án hình sự. Viện cũng phối hợp chặt chẽ với TAND hai cấp tổ chức xét xử các vụ án hình sự theo yêu cầu cải cách tư pháp, bảo đảm việc xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không để lọt tội phạm và người phạm tội, không làm oan người vô tội.
Trong 5 năm qua, Viện KSND hai cấp đã thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử sơ thẩm hình sự 2.030 vụ 3.657 bị cáo, Viện KSND tỉnh đã kiểm sát xét xử theo thủ tục phúc thẩm hình sự 720 vụ 1.078 bị cáo. Qua công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử các vụ án hình sự, Viện KSND hai cấp đã ban hành kháng nghị 132 vụ 233 bị cáo, tòa án đã xét xử chấp nhận kháng nghị của Viện KSND trên 97%. Viện KSND hai cấp cũng đã phối hợp với TAND hai cấp đưa ra xét xử 316 phiên tòa lưu động để tuyên truyền giáo dục pháp luật trong nhân dân và phục vụ kịp thời yêu cầu nhiệm vụ chính trị ở địa phương; đồng thời đưa ra xét xử 109 phiên tòa rút kinh nghiệm nhằm nâng cao chất lượng, kỹ năng tranh tụng cho đội ngũ kiểm sát viên hai cấp. Qua các phiên tòa, Viện KSND đã rút kinh nghiệm nhằm nâng cao chất lượng, kỹ năng tranh tụng, kiểm sát viên đã thể hiện rõ vai trò, vị trí pháp lý là người thay mặt Nhà nước làm nhiệm vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật của hội đồng xét xử và những người tham gia tố tụng.
Với tinh thần tranh tụng dân chủ, công khai tại phiên tòa theo tinh thần Nghị quyết 08-NQ/TW và Nghị quyết 49-NQ/TW của Bộ Chính trị, trước khi tham gia xét xử, kiểm sát viên đã chú trọng việc lập hồ sơ kiểm sát xét xử theo quy chế của ngành, kiểm tra hồ sơ, nghiên cứu kỹ nội dung, chứng cứ vụ án, chuẩn bị đề cương xét hỏi. Khi thực hành quyền công tố tại phiên tòa, kiểm sát viên chủ động tham gia xét hỏi, tranh luận với luật sư, người bào chữa, và những người tham gia tố tụng tại phiên tòa, có lập luận sắc bén, đưa ra những chứng cứ trực tiếp và chứng cứ gián tiếp để chứng minh tội phạm và hành vi phạm tội của bị cáo, bảo vệ cáo trạng truy tố, bảo đảm việc truy tố và xét xử đúng người, đúng tội, đúng quy định của pháp luật, không để lọt tội phạm và người phạm tội, không làm oan người vô tội. Qua các phiên tòa rút kinh nghiệm đã nâng cao chất lượng, kỹ năng xét hỏi, kỹ năng tranh tụng của kiểm sát viên tại phiên tòa; đáp ứng với yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Nghị quyết 49-NQ/TW.
ĐẶNG QUANG ANH
Phó trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy