Mới đây, Trung tâm Trợ giúp pháp lý (TGPL) Nhà nước tỉnh, Chi hộiLuật gia Sở Tư pháp đã phối hợp với các phòng ban chuyên môn của huyện Sơn Hòa tổ chức đợt tư vấn pháp luật và TGPL lưu động cho 400 người dân ở các xã vùng sâu của huyện gồm: Phước Tân, Sơn Long, Sơn Định, Sơn Xuân. Qua đó, không chỉ góp phần nâng cao nhận thức pháp luật cho người dân ở vùng cao, vùng xa mà còn giúp người dân sống và làm việc thượng tôn pháp luật…
GÁC VIỆC RẪY ĐI NGHE TUYÊN TRUYỀN
Mờ sáng 30/9, hàng chục người dân là đồng bào dân tộc thiểu số ở thôn Đá Bàn (xã Phước Tân) đã gác công việc lên rẫy thường nhật để có mặt tại nhà sinh hoạt cộng đồng để được tuyên truyền và TGPL lưu động.
Cũng như nhiều người dân trong xã, khi biết tin có đoàn về tư vấn và TGPL lưu động, Ma Dĩnh ở thôn Đá Bàn đã thu xếp công việc có mặt tại nhà sinh hoạt cộng đồng từ rất sớm, chuẩn bị các giấy tờ cần thiết để nhờ cán bộ hướng dẫn cách làm chế độ chính sách cho gia đình. Ma Dĩnh bộc bạch: “Trước đây mình tham gia bộ đội ở chiến trường Campuchia. Sau khi xuất ngũ trở về địa phương, nghe nói Đảng và Nhà nước có chủ trương, chính sách giải quyết chế độ cho mình. Tuy nhiên, mình không biết làm thế nào, thủ tục ra sao nên đến đây nhờ cán bộ chỉ giúp”.
Sau khi nghiên cứu hồ sơ của ông cùng với sự tham mưu của thành viên trong đoàn, vấn đề mà Ma Dĩnh đưa ra được giải đáp một cách cụ thể, giúp ông hoàn thiện hồ sơ của mình đúng quy định để được Nhà nước giải quyết chế độ. “Sau khi nghe cán bộ nói, mình ưng cái bụng lắm”, Ma Dĩnh bộc bạch khi nhận phiếu TGPL của đoàn tư vấn.
Sau khi nghecác chuyên đề pháp luật theo quy định tại Điều 34, Nghị định số 7/2007/NĐ-CP ngày 12/1/2007 của Chính phủ về quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật TGPL và Nghị định số 14/2013/NĐ-CP của Chính phủ bao gồm: Pháp luật hình sự, tố tụng hình sự và thi hành án hình sự; pháp luật dân sự, tố tụng dân sự và thi hành án dân sự; pháp luật hôn nhân gia đình và pháp luật về trẻ em; Chương trình mục tiêu quốc gia xóa đói, giảm nghèo và các vấn đề liên quan trực tiếp đến quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, Mí Đạt (thôn Đá Bàn) đã hỏi thêm về các chính sách vay vốn phát triển sản xuất dành cho vùng đồng bào thiểu số đặc biệt khó khăn. Mí Đạt thắc mắc: “Tôi có 2ha đất rẫy, đang có nhu cầu vay thêm tiền để trồng keo lá tràm và chăn nuôi bò nhưng không biết vay qua kênh phụ nữ hay qua kênh xóa đói giảm nghèo? Nhờ đoàn giải thích rõ để tôi và bà con được biết”? Sau khi tiếp nhận câu hỏi của Mí Đạt, các thành viên đã lần lượt giải đáp thỏa đáng vấn đề mà bà nêu.
Còn chị La Thị Kim Ánh (xã Sơn Định) thì hỏi về việc người thuộc diện nào được TGPL miễn phí. Vì hiện nay nhiều người dân ở Sơn Định nói riêng và huyện Sơn Hòa nói chung chưa biết nhiều đến Luật TGPL. Do đó, khi có vướng mắc thì thường nhờ đến luật sư, nhưng không phải ai cũng có điều kiện kinh tế để thuê luật sư tư vấn hay tham gia đại diện tố tụng để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng cho mình. Vì vậy, sau khi được cán bộ Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh giới thiệu một số nội dung cơ bản về pháp luật TGPL và các văn bản liên quan, chị Ánh hiểu thêm nhiều điều…
GIÚP NGƯỜI DÂN SỐNG THƯỢNG TÔN PHÁP LUẬT
Theo Giám đốc Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh Lương Văn Trương, trong thời gian qua, việc đẩy mạnh TGPL hướng về cơ sở đã phần nào tạo thuận lợi cho người dân vùng sâu, vùng xa được tiếp cận với pháp luật và giải quyết các chế độ chính sách khác như: bồi thường, tái định cư khi Nhà nước giải phóng mặt bằng xây dựng các công trình quốc gia, cơ sở hạ tầng tại địa phương... Bên cạnh đó, trung tâm còn phối hợp với các ban, ngành liên quan để tuyên truyền pháp luật, TGPL sâu rộng đến nhiều người dân. Điều này được thể hiện khi ngày càng nhiều các đối tượng được TGPL tìm đến Trung tâm TGPL tỉnh yêu cầu được TGPL, bào chữa, bảo về quyền và lợi ích của họ khi bị vướng vào pháp luật. Đồng thời, tất cả các trường hợp có sai sót về hộ tịch như: cấp lại bản chính giấy khai sinh, cải chính hộ tịch về họ tên đệm, chữ lót, năm sinh, xác nhận hộ tịch... đều được hướng dẫn, giải quyết nhanh chóng theo quy định của pháp luật, tạo điều kiện cho người dânđược hưởng các chính sách đãi ngộ của Nhà nước, thuận lợi trong các thủ tục hành chính… Qua đó, không chỉ góp phần nâng cao nhận thức pháp luật cho người dân ở vùng sâu, vùng xa, mà còn giúp người dân sống thượng tôn pháp luật…
Cũng theo ông Trương, trong thời gian đến, trung tâm sẽ tiếp tục nghiên cứu lồng ghép TGPL với các chương trình giảm nghèo, tập trung có trọng tâm, trọng điểm, tăng cường phối hợp với các ngành liên quan của các địa phương phát huy hiệu quả các chương trình TGPL lưu động, tuyên truyền pháp luật, thực hiện tốt chức năng tham gia tố tụng để bào chữa, bảo vệ quyền lợi cho các đối tượng được TGPL. “Đây sẽ là một trong những tiền đề quan trọng cho việc đổi mới công tác phổ biến giáo dục pháp luật, góp phần thay đổi nhận thức, thái độ của cơ quan Nhà nước đối với nhân dân, hướng tới xây dựng hình ảnh một nhà nước gần dân, vì dân, phục vụ nhân dân. Đồng thời cũng nhắc nhở, đề cao quyền cũng như trách nhiệm, nghĩa vụ của mỗi công dân trong học tập, tìm hiểu pháp luật. Đó cũng là trách nhiệm của những người làm công tác TGPL nhằm từng bước đáp ứng được yêu cầu, nguyện vọng về phổ biến kiến thức pháp luật của người dân, cũng như đưa các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về với cơ sở”- ông Trương nhấn mạnh.
VĂN TÀI