Ngày 17/1, Bộ Tư pháp đã chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 2 năm triển khai thực hiện Chiến lược phát triển trợ giúp pháp lý (TGPL) ở Việt Nam đến năm 2020 định hướng đến năm 2030. Tại điểm cầu Phú Yên, đồng chí Lê Văn Trúc, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh, cùng lãnh đạo Ban Nội chính Tỉnh ủy, Sở Tư pháp, Viện KSND tỉnh tham gia hội nghị.
Báo cáo tại hội nghị do đồng chí Nguyễn Thúy Hiền, Thứ trưởng Bộ Tư pháp trình bày đã đánh giá: “Chiến lược phát triển TGPL ở Việt Nam ra đời đã đánh dấu bước phát triển mới của công tác TGPL. Lần đầu tiên, trong một lĩnh vực của ngành Tư pháp có văn bản mang tính định hướng dài hạn, toàn diện trong công tác TGPL. Chiến lược đã xác định các quan điểm phát triển đúng đắn, phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng và bản chất của công tác TGPL.
Phần lớn các mục tiêu, giải pháp đề ra trong chiến lược đáp ứng với yêu cầu của thực tiễn. Song song đó, thông qua thực hiện các mục tiêu, giải pháp của chiến lược, công tác TGPL đã trở thành cầu nối giữa chính quyền và nhân dân, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người được TGPL; nâng cao ý thức pháp luật cho nhân dân, tích cực tham gia xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội; góp phần ổn định tình hình chính trị - xã hội. Công tác TGPL có tác động tích cực đến việc tổ chức thực hiện pháp luật, đưa pháp luật vào cuộc sống, nhất là đối với người nghèo và người có hoàn cảnh đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, miền núi. Ngoài ra, công tác TGPL cũng góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế trong việc bảo vệ nhân quyền, phù hợp xu thế phát triển chung của thế giới”.
Về một số nhiệm vụ và giải pháp phát triển TGPL giai đoạn 2014 - 2016, hội nghị đề xuất 6 nhóm giải pháp. Trọng tâm là tiếp tục xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách về TGPL, đẩy mạnh huy động các nguồn lực xã hội cho hoạt động TGPL; rà soát tính hiệu quả của tổ chức TGPL nhà nước, đội ngũ người thực hiện TGPL; tăng cường công tác quản lý nhà nước về TGPL…
VĂN TÀI