Thứ Ba, 08/10/2024 12:39 CH
LĐLĐ TP Tuy Hòa:
Nâng cao hiệu quả hoạt động công đoàn cơ sở ngoài quốc doanh
Thứ Năm, 23/05/2013 08:30 SA

Những năm qua, LĐLĐ TP Tuy Hòa đã có nhiều cố gắng trong việc tập hợp công nhân lao động (CNLĐ) khu vực kinh tế ngoài quốc doanh vào tổ chức công đoàn. Hoạt động công đoàn các doanh nghiệp ngoài quốc doanh (DNNQD) đã có sự phát triển cả về tổ chức, nội dung lẫn phương thức hoạt động, đã góp phần tích cực vào việc giải quyết việc làm, phát triển sản xuất, kinh doanh trên địa bàn...

 

tt-ld130523.jpg

Tuyên truyền Luật Lao động và tư vấn pháp luật cho công nhân tại một doanh nghiệp ngoài quốc doanh ở TP Tuy Hòa - Ảnh: N.HÂN

Bà Lê Thị Cuốn, Chủ tịch LĐLĐ TP Tuy Hòa, cho biết: “Hiện TP Tuy Hòa có 7.893 CNVC-LĐ, trong đó khu vực các DNNQD (có tổ chức công đoàn) có 2.913 đoàn viên với 27 CĐCS trực thuộc. Đặc điểm các DNNQD trên địa bàn thành phố, trong thời gian qua phần lớn sản xuất kinh doanh thiếu ổn định, sức cạnh tranh còn thấp, sự thu hút CNLĐ chưa thật sự hấp dẫn, trình độ tay nghề, tác phong công nghiệp của CNLĐ chưa cao. Tuy vậy, hoạt động công đoàn ở các doanh nghiệp này đã có nhiều cố gắng, bám vào vị trí chức năng, nhiệm vụ của mình, tập trung hướng dẫn giúp đỡ người lao động ký kết và thực hiện hợp đồng lao động, đại diện thương lượng ký kết thỏa ước lao động tập thể, đồng thời tham gia cùng với doanh nghiệp hòa giải lao động ở cơ sở, tham gia tổ chức đại hội CNVC, hội nghị người lao động, phối hợp với người sử dụng lao động, đảm bảo việc làm, cải thiện điều kiện làm việc, nâng cao thu nhập cho người lao động, thực hiện các chính sách chế độ BHXH, BHYT, BHLĐ, thăm hỏi hiếu hỉ, vận động giúp đỡ đoàn viên, người lao động khi gặp hoạn nạn khó khăn; thực hiện tốt công tác xã hội từ thiện và phòng chống các tệ nạn xã hội trong CNLĐ”.

 

Nhìn chung ở các doanh nghiệp có tổ chức công đoàn, mối quan hệ giữa người sử dụng lao động và công đoàn có sự phối hợp chặt chẽ hơn cùng vì 4 lợi ích (lợi ích nhà nước, lợi ích xã hội, lợi ích doanh nghiệp và lợi ích người lao động). Nhiều doanh nghiệp xem tổ chức công đoàn là một yếu tố quan trọng trong quá trình phát triển sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, quan tâm hỗ trợ kinh phí, tạo điều kiện thuận lợi cho công đoàn hoạt động có hiệu quả như: Công đoàn Công ty TNHH một thành viên Môi trường đô thị Phú Yên, Công ty cổ phần Tập đoàn Hải Thạch, Công ty cổ phần Thuận Thảo, Công ty cổ phần An Hưng Phú… Tuy nhiên, hoạt động của CĐCS ở các doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn, hiệu quả hoạt động chưa cao, tham gia vào quá trình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp chưa đạt nhiều kết quả rõ nét. Một số ít cán bộ Công đoàn ít nhiệt tình trong hoạt động CĐCS, nhất là việc thực hiện chức năng đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động còn nhiều hạn chế; kết nạp đoàn viên chưa đạt với yêu cầu. Tỉ lệ CĐCS vững mạnh hàng năm bình quân mới đạt trên 50%. Bên cạnh đó, vẫn còn một số doanh nghiệp chưa thật sự tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động gia nhập tổ chức công đoàn.

 

Theo ông Lê Văn Lập, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty cổ phần Tập đoàn Hải Thạch: Đội ngũ cán bộ CĐCS khu vực ngoài quốc doanh luôn biến động, thay đổi, kiêm nhiệm, chế độ chưa đảm bảo. Tuy cán bộ có phẩm chất đạo đức tốt nhưng kinh nghiệm, kỹ năng hoạt động công đoàn còn nhiều hạn chế, không có điều kiện, thời gian đi sâu nghiên cứu hoạt động công đoàn. Tại nhiều doanh nghiệp, cán bộ công đoàn biết người sử dụng lao động vi phạm nhưng không dám đấu tranh do sợ liên lụy hoặc chưa đủ bản lĩnh, trình độ để đấu tranh với các sai phạm của doanh nghiệp. Chất lượng đoàn viên còn nhiều điều phải quan tâm, một phần nhỏ đoàn viên còn mang nặng tư tưởng làm thuê, bán sức lao động để kiếm sống. Từ đó, họ ít quan tâm đến vấn đề chính trị, thiếu tinh thần cầu tiến”.

 

Những vấn đề trên đặt ra cho CĐCS trong các doanh nghiệp ngoài quốc doanh trong thời gian đến cần phải nâng cao hiệu quả hoạt động, thực hiện tốt chức năng của tổ chức công đoàn. Theo bà Lê Thị Cuốn: Trước hết, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục chính trị, tư tưởng, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước nhằm giúp cho người sử dụng lao động, CNLĐ có nhận thức đúng và thực hiện đầy đủ quyền, nghĩa vụ khi sử dụng lao động, tham gia quan hệ lao động. Các CĐCS cần giúp cho người lao động ký kết hợp đồng, thực hiện đúng quy định của pháp luật, tham gia xây dựng và tổ chức thực hiện tốt thỏa ước lao động tập thể; phối hợp tổ chức các phong trào thi đua nhằm nâng cao năng suất lao động, hiệu quả sản xuất kinh doanh, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần, điều kiện làm việc của người lao động… Đồng thời, CĐCS cần chủ động nắm bắt tâm tư, nguyện vọng chính đáng và những diễn biến tư tưởng của CNLĐ, kịp thời phản ánh, đề xuất phối hợp giải quyết kịp thời các mâu thuẫn nảy sinh trong quan hệ lao động tại cơ sở, không để xảy ra lãn công, đình công bất hợp pháp. “Về lâu dài, chúng tôi cho rằng, vấn đề quan trọng nhất là phải tập trung xây dựng người cán bộ CĐCS ở các doanh nghiệp dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm để bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của công nhân lao động”, bà Lê Thị Cuốn khẳng định...

 

THÁI NGỌC

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek