Chiều 24/2, các lực lượng của Sở Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu hộ cứu nạn TP Hồ Chí Minh, công binh và nhân viên y tế đã hoàn tất công tác tìm kiếm các nạn nhân trong vụ nổ lớn, gây sập 3 căn nhà và cháy lớn tại hẻm số 384 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, phường 8, quận 3, TP Hồ Chí Minh.
Các lực lượng chức năng nỗ lực tìm kiếm nạn nhân. - Ảnh: |
Theo kết quả tìm kiếm cứu nạn, vụ nổ và gây sập nhà xảy ra tại địa chỉ trên đã làm 10 người tử vong tại chỗ và 4 người bị thương, trong đó hiện còn hai người đang điều trị trong bệnh viện. Để tìm kiếm 3 nạn nhân cuối cùng, các cơ quan chức năng đã phải điều động 2 xe cẩu và xe máy xúc để phá bêtông và cào múc đống bêtông, cốt thép để tìm xác các nạn nhân. Đề phòng có chất cháy nổ, lực lượng công binh cũng được điều động đến hiện trường để rà phát bom mìn, chất nổ.
Trước đó, vào lúc 0g15, vụ cháy nổ phát ra từ căn nhà số 384/9 do ông Lê Minh Phương, sinh năm 1955, ở số 486 đường Lê Quang Định, phường 11, quận Bình Thạnh thuê để chứa đạo cụ làm phim, chuyên tạo các cảnh cháy nổ, khói lửa. Vụ nổ làm sập hoàn toàn 3 căn nhà liên tiếp ở Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 3. Điều đáng nói, cửa kính nhiều nhà dân cách hiện trường vụ cháy nổ 300 mét cũng bị vỡ bay tung tóe. Lực lượng cứu hộ đã điều động 2 xe múc cùng nhiều xe tải đến đào bới dọn dẹp hiện trường.
Nhận được tin báo, Sở Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu hộ cứu nạn TP Hồ Chí Minh đã điều động 13 xe cứu hỏa và hơn 100 chiến sĩ xuống hiện trường để dập lửa và đưa người bị nạn ra khỏi hiện trường. Ngay sau khi vụ việc xảy ra, Công an TP Hồ Chí Minh cũng đã khẩn trương triển khai lực lượng tổ chức cô lập hiện trường, phối hợp với Sở Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy tiến hành chữa cháy và cứu hộ.
Ông Phương là giám đốc Công ty cổ phần giải trí Lạc Việt có trụ sở đặt tại căn nhà thuê nói trên. Công ty này được Sở Kế hoạch - đầu tư TP cấp phép hoạt động trong lĩnh vực giải trí. Nhưng nghề nghiệp của ông Phương là tạo hiệu ứng cháy nổ và tại sao ông Phương lại trữ những loại vật liệu cháy nổ như trên, phía Công an thành phố đang điều tra. Riêng việc ông Phương trữ vật liệu cháy nổ là vi phạm quy định về quản lý vật liệu cháy nổ. Công an TP.Hồ Chí Minh đang tiếp tục phối hợp với Sở Cảnh sát phòng cháy chữa cháy xác định rõ nguyên nhân vụ cháy nổ này.
Trong khi đó, theo đại diện Sở Công thương TP.Hồ Chí Minh, trước đây sở này có cấp phép việc kinh doanh, lưu trữ hóa chất, vật liệu nổ công nghiệp. Tuy nhiên, theo quy định của UBND thành phố, Sở Công thương đã ngưng cấp phép từ hai năm nay. Liên quan đến các hóa chất gây cháy nổ làm đạo cụ, vũ khí khi đóng phim, đơn vị hoặc cá nhân nào muốn sử dụng phải đăng ký với Công an thành phố, ngay cả việc tạo khói màu trên phim trường cũng phải được công an cho phép. Đại diện Sở Cảnh sát phòng cháy chữa cháy thành phố cũng cho rằng muốn lưu giữ các hóa chất dễ gây cháy nổ phải có điều kiện đảm bảo an toàn và được cơ quan này thẩm định. “Trường hợp một hộ dân lưu giữ hóa chất trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa bị nghi dẫn đến cháy nổ thì chưa có hồ sơ gửi để thẩm định” - vị đại diện này nói.
Theo Công an TP Hồ Chí Minh, trong quá trình chữa cháy đã cứu được 3 người bị thương đang kẹt trong đám cháy, chuyển đến bệnh viện gồm bà Lưu Thị Rép, sinh năm 1943; ông Phạm Quang Minh, sinh năm 1932 cùng ngụ số 384/7A; ông Hồ Sĩ Cường, sinh năm 1932, ngụ số 384/9. Bác sĩ Nguyễn Quang Khiêng (trực lãnh đạo Bệnh viện Nhân dân 115), cho biết ông Hồ Sĩ Cường (81 tuổi) nhập khoa cấp cứu của bệnh viện lúc 1g15 ngày 24/2 trong tình trạng hôn mê, không mạch, không huyết áp. Sau khi nhập viện, ông Cường đã được các bác sĩ đặt nội khí quản, bóp bóng, thở máy, cho uống thuốc vận mạch và làm các xét nghiệm cần thiết. Trên thân thể bệnh nhân không có vết thương nào lớn, qua chụp CT hộp sọ bệnh nhân không có vấn đề gì nhưng do sức ép quá lớn của vụ nổ khiến bệnh nhân rơi vào tình trạng hôn mê sâu, ngưng tim, ngưng thở. Các bác sĩ tiên lượng tình trạng của ông Cường rất xấu. Thông tin từ Bệnh viện quận 3 cho biết sức khỏe của hai nạn nhân đang điều trị tại đây hiện đã ổn định. Hai bệnh nhân này chỉ bị xây sát nhẹ, vết thương không nặng nhưng tinh thần thì bị khủng hoảng trầm trọng.
Hiện trường vụ nổ - Ảnh: Tuổi Trẻ
Trưa 24/2, sau hơn 10 giờ được cấp cứu tại bệnh viện, ông Trịnh Chí Thạnh (50 tuổi, nhân viên bảo vệ của Công ty Sơn Tinh, số 384/7A) đã quay trở lại hiện trường và bàng hoàng kể lại: “Khoảng 0 giờ cùng ngày, tôi thức dậy nghe đài. 30 phút sau bỗng nhiên có tiếng nổ lớn phát ra từ căn nhà 384/9 làm rung chuyển cả khu vực. Ngước lên, tôi thấy mái nhà của công ty đã bay mất tiêu. Quá hoảng sợ tôi núp vào 2 thùng phi lớn, sau đó một tiếng nổ lớn nữa đã làm khối bê tông lớn, tường gạch đổ ngã. Ít phút sau, tôi tìm cách bò thoát ra ngoài và được mọi người đưa đi cấp cứu”.
Cũng may mắn thoát chết từ đống đổ nát, chị Nguyễn Thị Thu Vân (42 tuổi, con dâu của ông Hồ Sĩ Cường) thẫn thờ: “Lúc đó tôi chuẩn bị đi ngủ thì bỗng có tiếng nổ vang trời lở đất, căn nhà rung chuyển mạnh như bị động đất. Chưa biết chuyện gì xảy ra thì tiếng nổ thứ hai vang lên làm căn nhà tôi đổ sập. May mắn chồng tôi đã gượng dậy được, đập cửa kính lôi cả 3 mẹ con tôi thoát ra ngoài. Bố chồng được cứu ra ngay sau đó, riêng cháu và chị dâu tôi không thoát ra được. Khi vừa thoát ra ngoài, tôi thấy mấy căn nhà xung quanh cũng đã đổ sập và bốc khói nghi ngút. Mùi thuốc pháo xộc vào mũi nồng nặc.
Những người tử vong đã xác định được danh tính gồm bà Nguyễn Thị Tân Xuân, sinh năm 1969; em Hồ Kiều Anh, sinh năm 1996; ông Lê Minh Phương, sinh năm 1955; bà Mạc Thị Phước, sinh năm 1965; em Lê Nam Phương, sinh năm 2006 và em Lê Khánh Phương, sinh năm 1996, cùng ngụ số 384/9; ông Nguyễn Thanh Minh, sinh năm 1962, chị Phạm Ngọc Thùy, sinh năm 1987 cùng ngụ tại 384/7A. Còn hai xác chết chưa xác định được danh tính, địa chỉ.
BTV (tổng hợp từ TTXVN, TTO, TNO)