Chỉ chưa đầy 1 tháng, tại Phú Yên đã phát hiện đến 10 ổ bệnh LMLM với hơn 70 con heo phải tiêu hủy. Các biện pháp phòng chống đang được chính quyền các cấp và ngành chức năng triển khai, nhưng một điều cần thiết khác là người dân cần nâng cao ý thức và hợp tác hơn nữa trong công tác này.
Cán bộ thú y hướng dẫn phun thuốc sát trùng phòng chống dịch bệnh cho gia súc – Ảnh: LY KHA
ĐÃ CÓ 10 Ổ BỆNH LMLM
Năm 2006, dịch bệnh LMLM xảy ra tại 9/9 huyện thành phố trong tỉnh, làm hơn 13.000 con gia súc bị mắc bệnh và đã có hơn 760 con bò và heo bị chết vì bệnh này. Bằng việc huy động cả hệ thống chính trị tham gia vào công tác dập dịch, sau những nỗ lực phòng chống, đến ngày 12/9/2006 Phú Yên chính thức công bố hết dịch LMLM. Cũng trong thời gian này, UBND tỉnh đã chỉ đạo các địa phương và ngành chức năng triển khai quyết liệt việc tiêm phòng vắcxin LMLM cho đàn gia súc, nhất là trâu bò, dê cừu và đã có hơn 81% gia súc trong diện tiêm được chủng ngừa. Tình hình dịch bệnh tạm lắng một thời gian thì đến cuối tháng 10/2006, 122 con bò tại buôn Kít và thôn Phú Sơn của xã Sông Hinh, huyện Sông Hinh tái phát bệnh LMLM. Kết quả kiểm tra cho thấy những con bò này trước đó các hộ chăn nuôi thả rông trong rừng, không khai báo với ngành chức năng và không tiêm phòng nên đã phát bệnh khi điều kiện thời tiết thuận lợi. Những nỗ lực bao vây dập dịch tại đây được triển khai quyết liệt và bệnh LMLM trên bò đã được khống chế từ sau ổ này.
Chưa kịp mừng với kết quả đạt được trên bò thì liên tiếp trong những ngày gần đây, nhiều ổ bệnh LMLM trên heo đã xuất hiện. Trong chưa đầy 1 tháng qua, toàn tỉnh đã phát hiện 10 ổ bệnh LMLM trên heo, thuộc các địa phương Xuân Phước (Đồng Xuân); Bình Ngọc (TP Tuy Hòa); Hoà Trị, Hoà Thắng, Hoà Quang Nam (huyện Phú Hoà), An Chấn, Chí Thạnh, An Hiệp (huyện Tuy An). Tất cả có 71 con heo bị bệnh được ngành chức năng phát hiện và tiêu huỷ. Trong 10 ổ bệnh nói trên, huyện Phú Hoà đã có 5 ổ bệnh, huyện Tuy An có 3 ổ và dự báo tình hình dịch bệnh không dừng ở đó...
CẦN “NHÀ NƯỚC VÀ NHÂN DÂN CÙNG PHÒNG CHỐNG”
Vấn đề đặt ra lúc này là tại sao dịch bệnh LMLM lại xảy ra mạnh trên đàn heo như vậy. Bà Đỗ Thị Đậu, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh cho hay, Phú Yên là tỉnh hơn 10 năm qua xảy ra bệnh LMLM khá phổ biến trên đàn gia súc, nhất là năm 2006. Vi-rút LMLM hiện còn trong môi trường, gặp điều kiện thời tiết thuận lợi đã bùng phát trở lại. Trong khi đó nhà nước chỉ đủ kinh phí hỗ trợ vắcxin LMLM tiêm phòng cho trâu, bò, dê, cừu, riêng vắcxin tiêm cho heo chỉ hỗ trợ cho đối tượng heo nái và đực giống. Điều đó có nghĩa là hàng chục ngàn con heo con sau 1 tháng tuổi và đàn heo thịt của tỉnh không được tiêm phòng và đây là lý do chính phát sinh dịch bệnh trên đàn heo.
Hiện nay ngành chức năng và các địa phương trong tỉnh đã triển khai kế hoạch phòng chống bệnh LMLM cho đàn gia súc. Cùng với việc chuẩn bị các điều kiện cần thiết để triển khai kế hoạch tiêm phòng LMLM cho đàn gia súc đợt 1/2007 theo chỉ đạo của Bộ NN&PTNT và Cục Thú y, công tác bao vây dập dịch tại các ổ dịch mới phát đang được các địa phương và ngành chức năng triển khai ráo riết. Tất nhiên, chỉ nỗ lực của chính quyền và ngành chức năng không thôi là chưa đủ, mà việc dịch LMLM có trở lại Phú Yên hay không còn tùy thuộc rất nhiều vào sự cộng tác của người dân. Theo Chi cục Thú y, do đặc điểm nuôi nhốt, việc bao vây dập dịch trên heo thuận lợi hơn nhiều so với trâu bò, tuy nhiên trong thời gian qua dịch bệnh vẫn lây lan từ hộ này sang hộ khác, từ địa phương này sang địa phương khác mà nguyên nhân chính là do ý thức của người chăn nuôi. Hầu hết các ổ dịch LMLM trên heo được phát hiện thường muộn hơn từ 3-7 ngày so với bình thường. Khi phát bệnh, người chăn nuôi thường giấu và tự điều trị, đến khi tự điều trị không khỏi thì mới khai báo. Đến lúc này mầm bệnh đã có dịp phát tán qua nhiều con đường khác nhau. Những nỗ lực bao vây dập dịch hiệu quả mang lại không cao. Bởi thế, nếu phát hiện gia súc bị mắc bệnh, bà con phải kịp thời khai báo để ngành chức năng tiến hành các biện pháp bao vây ổ dịch; đồng thời phải thực hiện nghiêm việc mua bán, chăn nuôi theo đúng qui trình an toàn...
LÊ BIẾT