Thứ Sáu, 04/10/2024 20:28 CH
“Nâng cấp” ngôi nhà chung của trẻ khuyết tật
Thứ Ba, 22/01/2013 08:20 SA

Trường Niềm Vui (TP Tuy Hòa) vừa được nâng cấp thành Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Phú Yên, chuyên hỗ trợ, hướng nghiệp dạy nghề và nuôi dạy trẻ khuyết tật dạng đặc biệt trong tỉnh. Đây là niềm vui của trẻ khuyết tật và của thầy, cô giáo Trường Niềm Vui, ngôi trường chuyên dạy trẻ khuyết tật trong toàn tỉnh.

 

day-tre130122.jpg

Trau dồi kỹ năng cho trẻ khuyết tật tại Trường Niềm Vui (cũ) - Ảnh: T.THỦY

Cô Nguyễn Thị Hồng, Hiệu trưởng Trường Niềm Vui (cũ) cho biết: Giáo dục hòa nhập cho trẻ khuyết tật là hình thức đưa trẻ về các cơ sở nơi trẻ cư trú, để trẻ được học tập, rèn luyện và hòa nhập cộng đồng như những trẻ bình thường khác. Đây là hình thức giáo dục ưu việt đã được khẳng định ở các nước phát triển.

 

Gần 20 năm qua, Trường Niềm Vui đã nuôi dạy hơn 300 trẻ khuyết tật trưởng thành. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, với hình thức giáo dục chuyên biệt tại trường, trẻ ít có điều kiện giao tiếp với nhiều đối tượng nên khả năng nhận thức còn hạn chế. Thêm vào đó, cơ sở vật chất của trường còn khó khăn cũng không có lợi cho sự phát triển tự nhiên của trẻ. Vì vậy, việc thành lập Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập tỉnh sẽ giúp trẻ khuyết tật có điều kiện học tập, vui chơi, hòa nhập cộng đồng tốt hơn. Cô Nguyễn Thị Hồng, cho biết: Việc thành lập trung tâm sẽ có thêm chức năng hỗ trợ trẻ khuyết tật ngoài cộng đồng nên số lượng trẻ và tỉ lệ trẻ khuyết tật được hưởng lợi như: can thiệp sớm, phục hồi chức năng, đi học sẽ cao hơn như hiện nay. Trẻ khuyết tật sẽ chỉ học tại trung tâm một khoảng thời gian nhất định, sau đó về học hòa nhập tại địa phương. Do vậy, số trẻ khuyết tật được học tập tại trung tâm sẽ nhiều hơn, gia đình và cộng đồng có trách nhiệm hơn trong việc chăm sóc, giáo dục để trẻ phát triển và hòa nhập cộng đồng tốt hơn.

 

Khi thành lập Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập tỉnh, lãnh đạo ngành GD-ĐT Phú Yên cũng như Trường Niềm Vui (cũ) hiểu rằng, hòa nhập cho trẻ khuyết tật không có nghĩa là “xếp chỗ” cho trẻ vào trường lớp phổ thông, mà đòi hỏi sự hỗ trợ cần thiết, thể hiện ở việc điều chỉnh chương trình, các đồ dùng dạy học, dụng cụ hỗ trợ đặc biệt, các kỹ năng giảng dạy đặc thù để giúp trẻ phát triển một cách toàn diện. Để trung tâm không chỉ đơn thuần là nơi trông trẻ, lãnh đạo Trường Niềm Vui (cũ) và giáo viên ở đây đã dồn không ít tâm huyết của mình vào công tác nghiên cứu, chăm sóc trẻ khuyết tật về trí tuệ. Với mô hình hoạt động của trung tâm, học sinh sẽ được học văn hóa, giáo dục kỹ năng sống, hướng nghiệp để hòa nhập cộng đồng. Cô giáo Nguyễn Thị Minh Tâm tâm sự: Tôi gắn bó với Trường Niềm Vui từ ngày mới thành lập. Nay khi trường được nâng cấp thành trung tâm, tôi rất vui mừng. Mặc dù trọng trách của chúng tôi sẽ nặng nề hơn, nhưng bù lại trẻ khuyết tật trong tỉnh sẽ có nơi để học tập, giao lưu và hỗ trợ hướng nghiệp.

 

le130122.jpg

Học sinh Trường Niềm Vui (cũ) múa trong ngày công bố thành lập Trung tâm - Ảnh: K.CHI

Không giống như những đứa trẻ bình thường, mọi sinh hoạt của trẻ khuyết tật vô cùng khó khăn. Giáo viên phải dạy các em từ việc xúc cơm, rửa tay đến cách cầm bút, sau đó mới nghĩ đến việc dạy văn hóa. Quá trình nhận thức của trẻ thiểu năng, trẻ tự kỷ là một chặng đường dài, do đó mục tiêu đầu tiên đặt ra là dạy các kỹ năng tự lập để các em có thể hòa nhập được với cộng đồng. Có thể giúp các em nhận biết được giá trị của cuộc sống, biết ứng xử với những sự việc xung quanh mình ở mức độ trung bình cũng đã là một thành công và niềm hạnh phúc lớn lao của thầy và trò. Thạc sĩ Nguyễn Văn Tá, Giám đốc Sở GD-ĐT Phú Yên cho biết: Việc nâng cấp chuyển đổi trường chuyên biệt Niềm Vui thành Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập tỉnh là việc làm cần thiết. Sự ra đời của trung tâm sẽ góp phần đáp ứng nhu cầu học tập của trẻ khuyết tật. Các cháu sẽ được hỗ trợ toàn diện hơn trong suốt quá trình học tập từ can thiệp sớm đến hướng nghiệp, dạy nghề, tạo việc làm.

 

Theo số liệu thống kê, Phú Yên hiện có 2.177 trẻ khuyết tật ở độ tuổi từ 0-16 tuổi. Những năm qua, công tác giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật có sự chuyển biến tích cực. Có khoảng 1.000 học sinh khuyết tật được hòa nhập tại các trường mầm non, tiểu học…, trong đó nhiều nhất là tiểu học với 700 em. Bên cạnh đó, hằng năm Trường Niềm Vui thu nhận khoảng 20-30 trẻ khiếm thính vào học chương trình chuyên biệt. Tuy nhiên, công tác giáo dục trẻ khuyết tật ở Phú Yên vẫn còn nhiều hạn chế. Số lượng trẻ khuyết tật được đi học, hòa nhập cộng đồng chỉ đạt gần 50% trong tổng số trẻ khuyết tật trong tỉnh. Số trẻ khuyết tật nặng chủ yếu ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa chưa có điều kiện được chăm sóc, hỗ trợ, can thiệp đúng hoặc chưa có cơ hội đến trường.

 

KIM CHI

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek