Gia đình là trường học đầu tiên và suốt đời của một con người. Chính nơi đây, con người đã tiếp thu mọi kinh nghiệm sống cùng các chuẩn mực đạo đức, văn hóa, xã hội… của dân tộc. Từ những gia đình nền nếp, xã hội có những công dân tốt.
Ngày nay, cuộc sống con người có quá nhiều thay đổi, nhiều người mải mê lo chuyện mưu sinh mà không còn quan tâm đến các thành viên trong gia đình của mình. Nhiều người làm cha làm mẹ thiếu trách nhiệm với con cái. Có những gia đình như vậy, xã hội có những tế bào ốm yếu, bệnh tật.
Bên bếp ấm gia đình
Gia đình không có nền nếp, các thành viên quen thói sống xô bồ, ích kỷ, vô trách nhiệm. Ra ngoài xã hội, họ sẽ không biết tôn trọng pháp luật, sẽ bất trị.
Các nhà xã hội học cho rằng, một số ông bố, bà mẹ ngày nay dù rất thương con cái nhưng lại không muốn từ bỏ cuộc sống riêng tư của mình. Họ không dành cho con nhiều sức lực và thời gian như xưa, nên sự gắn bó trong gia đình trở nên lỏng lẻo. Thứ hai là do ngày càng có nhiều phụ nữ làm việc độc lập để tự khẳng định mình về mặt kinh tế. Vì thế người bố mất vai trò độc tôn, việc tổ chức sinh hoạt gia đình có nhiều thay đổi. Như vậy, quá trình giải phóng phụ nữ và từ bỏ sự phân công truyền thống giữa người vợ và người chồng đã dẫn tới những thay đổi quan trọng trong mô hình gia đình.
Nuôi dạy con cũng như người làm vườn, có chăm sóc cẩn thận, chu đáo thì cây mới tươi tốt, đơm hoa kết trái, mang lại hương thơm, quả ngọt cho đời. Nuôi con tốt thì sau này con mới trở thành người, mới báo hiếu cha mẹ.
Có thể nói, một phần quan trọng của gia phong là giáo dục con cái. Điều đáng chú ý là sự kết hợp hài hòa giữa nghiêm ngặt và khoan dung. Nhưng nghiêm không đồng nghĩa với khắt khe, khoan dung không đồng nghĩa với sự nuông chiều.
Cùng với quá trình hội nhập, truyền thống, gia phong đã bị thử thách. Một gia phong mới là một gia phong luôn theo kịp đà tiến của xã hội, song vẫn gìn giữ, phát huy những truyền thống tốt đẹp của tổ tiên, ông bà.
LÊ THỊ MAI