Thời gian qua, dù việc đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài (gọi tắt là xuất khẩu lao động – XKLĐ) ở Phú Yên tương đối trầm lắng, nhưng các ngành chức năng vẫn xem đây là công tác trọng tâm và tập trung triển khai thực hiện.
Lao động miền núi rất thiếu thông tin về việc làm. Trong ảnh: Hướng dẫn lao động miền núi thủ tục xuất khẩu lao động tại phiên giao dịch việc làm ở huyện Sơn Hòa - Ảnh: N.HÂN
NHIỀU CHÍNH SÁCH ƯU ĐÃI
Sau khi các phiên giao dịch việc làm năm 2012 kết thúc, đây là thời điểm các trung tâm giới thiệu việc làm trong tỉnh tuyển một lượng lớn lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Ngoài những công việc có yêu cầu trình độ tay nghề cao, số lượng đầu việc dành cho lao động phổ thông lên đến hàng ngàn, trong đó nhiều nhất vẫn là lao động trong ngành dệt may, hàn, tiện, bao bì, lắp ráp điện tử, lái xe, phục vụ nhà hàng, khách sạn, bán hàng... với đủ độ tuổi, chiều cao, cân nặng, trình độ học vấn. Năm nay, ngoài một số thị trường truyền thống như: Malaysia, Đài Loan, Liên bang Nga, còn có các thị trường khá phù hợp như: Hàn Quốc, Nhật Bản, A Rập Xê Út, Singapore, Úc, các nước Trung Đông. Để thu hút người lao động đến đăng ký, các đơn vị tuyển dụng áp dụng các chế độ đãi ngộ như hỗ trợ vé máy bay khứ hồi, nhà ở, điện, nước, gas, dụng cụ nấu ăn miễn phí, có xe đưa đón đi lại từ chỗ ở đến nơi làm việc và ngược lại. Thời hạn hợp đồng từ 2-3 năm và có thể gia hạn thêm 2 năm. Hết năm làm việc đầu tiên, người lao động được nghỉ một tháng về thăm nhà nhưng vẫn được hưởng lương cơ bản với mức thu nhập khá hấp dẫn 8-35 triệu đồng/tháng.
Mặc dù mức thu nhập và chế độ đãi ngộ khá hấp dẫn như vậy, nhưng chi phí cho mỗi chuyến đi từ 25-125 triệu đồng nên người lao động gặp không ít khó khăn. Để giúp người lao động đủ kinh phí trang trải cho việc đi XKLĐ, các trung tâm giới thiệu việc làm đã tổ chức tư vấn, giới thiệu và kèm theo dịch vụ cho vay vốn. Ông Đinh Tấn Hiếu, Giám đốc Trung tâm giới thiệu việc làm Thanh niên Phú Yên, cho biết: “Trung tâm phối hợp với chi nhánh Công ty cổ phần Dịch vụ - Xuất nhập khẩu Vĩnh Phúc (TP Hà Nội) và Công ty cổ phần Xuất khẩu lao động – Dịch vụ thương mại Biển Đông (TP Hồ Chí Minh) tổ chức giới thiệu và xuất khẩu lao động có thời hạn sang nước ngoài, kèm theo dịch vụ cho vay vốn. Các đơn vị trên sẽ tổ chức đưa người lao động có nhu cầu đi làm việc sang một số nước trên thế giới, riêng lao động làm việc ở Malaysia thì toàn bộ chi phí cho chuyến đi được công ty cho vay 100% (hơn 22 triệu đồng). Trong năm đầu tiên sau khi đã có việc làm ổn định, người lao động phải trả nợ hàng tháng cho công ty 100USD (khoảng 2 triệu đồng) và được trừ dần qua lương”.
Cũng với cách làm này, Trung tâm giới thiệu việc làm Phú Yên (Sở LĐ-TB-XH) đã phối hợp với Công ty TNHH một thành viên Thương mại và Xuất khẩu lao động (SOVILACO) cho vay 100% vốn đối với người lao động đi làm việc tại Malaysia. Ngoài ra, nếu người lao động đi làm việc tại Nhật Bản, Liên bang Nga, Hàn Quốc… chi phí chuyến đi cao hơn thì sẽ được hỗ trợ gần nửa chi phí, còn lại người lao động tự lo. Chị Nguyễn Thị Thu Thủy (Đồng Xuân) là một trong 7 lao động được Trung tâm giới thiệu việc làm Thanh niên giới thiệu và được hỗ trợ vốn đi làm việc ở Malaysia, phấn khởi cho biết: “Tôi rất vui vì với thu nhập mỗi tháng từ 8-12 triệu đồng thì trong vòng một năm sẽ trả hết nợ vay và có điều kiện để tích góp vốn liếng gởi về gia đình”. Theo chị Thủy, trước đây để được đi XKLĐ, người lao động gặp không ít khó khăn về tài chính, vì Ngân hàng Chính sách xã hội chỉ ưu tiên đối tượng cho vay là con gia đình chính sách, con thương binh liệt sĩ, hộ nghèo có mã số với mức vay tối đa là 30 triệu đồng. Còn các đối tượng khác thì vay vốn tại Ngân hàng Nông nghiệp - phát triển nông thôn, nhưng phải thế chấp tài sản có giá trị, nên rất khó tiếp cận nguồn vốn này.
ĐẨY MẠNH CÔNG TÁC TRUYỀN THÔNG
Các tiêu chuẩn, điều kiện tuyển dụng lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài với thu nhập hấp dẫn đã mở ra nhiều cơ hội việc làm mới cho lao động Phú Yên. Tuy nhiên, số lượng lao động trên địa bàn tỉnh đăng ký đi làm việc có thời hạn nước ngoài chưa nhiều. Theo Sở LĐ-TB-XH, năm 2011, số lao động địa phương được tuyển chọn và đưa đi làm việc ở nước ngoài là 367 lao động. Trong đó, ngoài đề án là 215 lao động và trong đề án là 152 lao động, tập trung nhiều nhất ở Hàn Quốc, Malaysia, Nhật Bản, Đài Loan. Trong khi đó, hàng năm Sở LĐ-TB-XH đều xây dựng kế hoạch có từ 300-500 lao động được tuyển chọn đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài.
Theo ông Hoàng Tự Đức, Giám đốc Trung tâm giới thiệu việc làm Phú Yên, người dân các địa phương rất thiếu thông tin tuyển dụng lao động do công tác truyền thông ở cơ sở chưa được chú trọng thường xuyên nên nhiều người vẫn còn dè dặt, chưa mạnh dạn đăng ký. Vì vậy, ngoài việc đăng tải các thông tin tuyển dụng và giới thiệu các thị trường lao động trên các phương tiện thông tin đại chúng, gửi về Phòng LĐ-TB-XH các huyện, ngành chức năng và chính quyền các địa phương để thông báo, sở còn mở các lớp tập huấn từ huyện đến xã, phường, thôn, khu phố, nhằm giúp số cán bộ này nắm bắt kịp thời những chính sách pháp luật mới của Đảng, Nhà nước về công tác giải quyết việc làm và XKLĐ.
Ngành TB-LĐ-XH phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố hàng năm tổ chức các phiên giao dịch việc làm ở từng huyện, thị, thành phố và từng cụm điểm giao dịch việc làm theo khu vực liên huyện, để tạo cơ hội cho người lao động tìm được việc làm phù hợp, tạo điều kiện cho các chủ doanh nghiệp tham gia trực tiếp tư vấn và tuyển lao động đủ tiêu chuẩn tham gia làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Ông Lê Văn Phổ, Trưởng phòng Việc làm - Xuất khẩu lao động (Sở LĐ-TB-XH) cho biết: “Thời gian tới, để tháo gỡ vướng mắc trong công tác XKLĐ, ngoài việc tiếp tục hỗ trợ vốn vay, cần đẩy mạnh, tăng cường đưa thông tin XKLĐ về cơ sở; tổ chức các đợt tư vấn lưu động, hội nghị thông tin về XKLĐ ở các huyện; giao chỉ tiêu vận động XKLĐ ở từng địa phương... Với trình độ, năng lực, điều kiện kinh tế cũng như các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, lao động Phú Yên hoàn toàn có thể đáp ứng được yêu cầu của các thị trường XKLĐ. Điều cần thiết là cần nâng cao vai trò của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể địa phương cũng như năng lực của đội ngũ cán bộ phụ trách công tác XKLĐ kịp thời cập nhật thông tin và tuyên truyền đúng, đủ nội dung công tác này đến với các tầng lớp nhân dân có nhu cầu và quyết tâm đi làm việc ở nước ngoài. Thêm vào đó, cần nhiều chính sách hỗ trợ ưu đãi cũng như tạo điều kiện thuận lợi nhất, để thu hút người dân đi XKLĐ.
NGỌC HÂN