Thứ Hai, 07/10/2024 05:41 SA
Dân liệu là xong
Thứ Tư, 27/06/2012 18:00 CH

1. Phú Mỡ (Đồng Xuân) là xã có gần 100% người đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Đây là vùng căn cứ vững chắc của cách mạng trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Do xuất phát điểm thấp, sản xuất theo phương thức lạc hậu nên đến đầu những năm 2.000, Phú Mỡ vẫn còn đến gần một nửa số hộ thuộc diện nghèo, đói. Năm nào Nhà nước cũng phải hỗ trợ lương thực, thực phẩm. Ngay cả các thôn Phú Giang, Phú Lợi có điều kiện hơn cũng không khá hơn các thôn khác là mấy.

 

ruong-lua120627.jpg

Ruộng lúa nước của đồng bào dân tộc thiểu số ở xã Phú Mỡ - Ảnh: X.HIẾU

Việc giải quyết khâu đói giáp hạt chỉ bằng cách trồng lúa nước. Sau nhiều lần bàn bạc, cấp ủy chính quyền xã xác định như vậy. Nhưng tổ chức thực hiện là vô cùng nan giải vì hầu hết bà con nơi đây đều làm nương rẫy, chỉ một vài người có ruộng?!

 

Phải dựa vào dân. Vậy là cấp ủy, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể tiến hành vận động bà con “nộp” ruộng. Ma Nghĩa (làng Phú Lợi) là người nhiều ruộng và cũng là người có uy tín nhất làng đã tự nguyện giao toàn bộ 1ha ruộng lúa của gia đình mình để chia cho các gia đình khác trong làng. Thấy Ma Nghĩa làm vậy, những người khác như Ma Tý, Ma Phim, Ma Kẽm… cũng tự nguyện làm theo, tất cả gom được hơn 5ha. Và theo đề xuất của Ma Nghĩa, cách thức được bà con trong làng quyết định là đem toàn bộ số ruộng trên chia đều cho các hộ, tính theo đầu người. Những hộ có nhiều ruộng như Ma Nghĩa, Ma Tý, Ma Phim, Ma Kẽm… cũng không ngoại lệ. Cả làng cùng vui.

 

Cùng với việc chia ruộng cho dân, cấp ủy, chính quyền xã Phú Mỡ cũng đã tổ chức họp dân, vận động bà con cùng nhau đào hơn 500m kênh mương để dẫn nước về tưới cho ruộng lúa. Và theo đề nghị của bà con dân làng, Trung tâm Khuyến nông tỉnh và Phòng Nông nghiệp huyện đã cử cán bộ về tận nơi “cùng ăn, cùng ở, cùng làm”, truyền đạt, chuyển giao kỹ thuật trồng lúa nước năng suất cao cho đồng bào. Sau đó Nhà nước đầu tư kinh phí xây dựng trạm bơm điện. Thế là diện tích lúa nước được mở rộng, cái đói không còn đeo bám bà con buôn làng như trước.

 

Ngoài vận động nhân dân góp ruộng chia nhau trồng lúa nước, cấp ủy, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể xã Phú Mỡ còn vận động bà con nhân dân hiến đất để làm đường giao thông, kênh mương nội đồng… Tất cả những việc làm lớn nhỏ ở xã miền núi xa nhất tỉnh này đều dựa vào dân. Cũng như trước đây nhờ dựa vào dân mà cán bộ và bộ đội ta luôn được chở che, đùm bọc, giặc Pháp và giặc Mỹ không thể đặt chân đến vùng đất này.

 

2. Xã Sơn Định (Sơn Hòa) là nơi có thế mạnh về trồng mía và các loại nông sản. Thế nhưng con đường từ thôn Hòa Ngãi đi Bàu Láng vừa chật hẹp, lầy lội; các tuyến đường liên thôn, liên xóm trên địa bàn xã đi lại cũng hết sức khó khăn, xe vận chuyển nông sản không vào được. Mỗi mùa thu hoạch bà con phải gồng gánh từng chặng, rất vất vả. Sự việc này kéo dài lâu nay, không chỉ làm chậm tiến độ thu hoạch mà còn ảnh hưởng chất lượng nông sản, gây thiệt hại về kinh tế cho bà con nông dân.

 

Là xã nghèo thu không đủ chi, trong khi nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước thì có hạn, nên việc làm con đường cho ra đường, giải quyết bài toán khó này, chỉ có cách vận động nhân dân. Sau nhiều lần họp bàn, xã Sơn Định quyết định nâng cấp, mở rộng con đường dài hơn 3km từ thôn Hòa Ngãi đi Bàu Láng - Ruộng Cạn và tổ chức vận động người dân tham gia. Thấy được lợi ích thiết thực nên bà con nhiệt tình hưởng ứng. Người có đất trúng đường thì hiến đất, không có đất thì góp công, góp tiền. Nhờ đó, đầu năm 2012 con đường hoàn thành.

 

Không chỉ thôn Hòa Ngãi, ở thôn Hòa Bình và nhiều thôn khác của xã Sơn Định nhờ làm tốt công tác vận động nên người dân cũng đã tình nguyện hiến đất, góp công… nên nhiều tuyến đường, như: Hòa Bình - Cây Bút, Hòa Nghĩa - Giếng Máng, Dốc Đỏ, Đập Làng… đã được nâng cấp, mở rộng, tạo thuận lợi cho việc đi lại và vận chuyển nông sản. “Trước kia, mỗi khi mưa lớn việc đi lại của người dân cực kỳ vất vả, vận chuyển nông sản rất khó khăn. Nay đường sá thông thoáng, đi lại dễ dàng, bà con trồng được bao nhiêu mía, sắn đều có xe vào tận ruộng thu mua”- Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam xã Sơn Định Lê Chí Thạch cho biết.

 

Trên đây chỉ là hai trong nhiều địa chỉ làm tốt công tác vận động nhân dân. Đúng như Bác Hồ đã nói: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”.

 

LẠC HỒNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek