Thứ Hai, 30/09/2024 12:25 CH
Nước giếng Nguyên Cam bị nhiễm mặn
Thứ Ba, 12/12/2006 07:01 SA

Hàng trăm giếng nước sinh hoạt ở thôn Nguyên Cam, xã Sơn Nguyên, huyện Sơn Hòa đang bị... nhiễm mặn. Điều đó khiến người dân nơi đây phải đi mua nước ở các thôn lân cận để sử dụng vì nước giếng chỉ còn dùng để tắm và giặt giũ.

 

240 GIẾNG NHIỄM MẶN

 

061212-nuoc2.jpg

Nước rỉ ra từ các lu chứa nước ở thôn Nguyên Cam, xã Sơn Nguyên (Sơn Hoà) đã đóng muối dày đặc - Ảnh: Đ.THÔNG

Thôn Nguyên Cam là khu kinh tế mới, thành lập năm 1979, hiện là một trong những thôn đông dân cư nhất của xã Sơn Nguyên với khoảng 290 hộ với 1357 khẩu. Thu nhập chính của người dân là cây mía và chăn nuôi. Đời sống trong thôn tương đối khá nhờ mấy năm nay mía được mùa được giá, nhưng người dân nơi đây vẫn còn vất vả, vì hằng ngày phải đi mua nước hàng chục cây số về uống và nấu ăn… Vì sao thôn Nguyên Cam có giếng nước lại đi mua nước? Phó chủ tịch UBND xã Sơn Nguyên Ngô Tấn Thái lắc đầu: “Từ năm 1979, người dân ở các tỉnh di cư về đây thành lập các tập đoàn sản xuất. Họ đào giếng lấy nước, nhưng đã có hơn 1/3 số giếng bị nhiễm mặn. Lúc đó, vì đào giếng khó khăn nên chỉ đào tập trung một vài giếng và người dân trong tập đoàn sử dụng chung. Không chỉ nhiễm mặn, nước giếng ở thôn Nguyên Cam đun sôi thì trong ấm nước sẽ có một lớp cặn giống như vôi. Chỉ đun một tuần là cặn đóng dày đáy ấm”. Bà Phan Thị Nam (64 tuổi) trầm ngâm, nói: “Nước giếng ở đây nấu gạo trắng ra cơm vàng, mùi vị khác thường, rất khó ăn. Dùng để tắm thì tóc rất rít mặc dù đã dùng dầu gội, dùng giặt quần áo thì khi phơi khô có lớp mỏng muối bám vào”.

 

Tất cả 240 giếng nước ở thôn Nguyên Cam đều… nhiễm mặn. Trưởng thôn Huỳnh Mạnh Hùng cho biết: “Gần hơn 1/3 số giếng đào trong thôn bỏ hoang, số còn lại người dân dùng để tắm giặt. Thấy được khó khăn của thôn, Nhà nước cũng đã đầu tư cho hai giếng khoan, nhưng nước vẫn bị nhiễm mặn, nên hiện giờ hai giếng khoan trên cũng cùng số phận “hoang phế” như các giếng khác trong thôn.

 

“ƯỚC GÌ CÓ HỆ THỐNG NƯỚC TỰ CHẢY...”

 

Vì sợ ảnh hưởng đến sức khỏe, người dân thôn Nguyên Cam hằng ngày phải đến thôn khác mua nước. Điều lạ là cách ranh giới thôn Nguyên Cam khoảng chừng chục mét thì nước giếng ở thôn Nguyên Hà lại trong mát, ngọt lành. Giếng nước của anh Nguyễn Quang Phúc ở thôn Nguyên Hà là một trong những điểm người dân thôn Nguyên Cam đến mua nước. Anh Phúc, cho biết: “Trước đây, bà con ở Nguyên Cam đến giếng của tôi gánh về dùng. Vài năm trở lại đây, bà con dùng xe máy chở nước,  phải dùng máy bơm liên tục mới đảm bảo đủ nước cho bà con chở, vì thế tôi mới thu chút đỉnh để trả chi phí điện, mỗi đôi 20 lít khoảng 500 đồng”.

 

061212-nuoc1.jpg

Ông Nguyễn Thượng, dân Nguyên Cam, hàng ngày phải dùng xe máy đến thôn Nguyên Hà mua nước sạch về dùng  – Ảnh: Đ.THÔNG

Ngày nào cũng vậy, mới sáng sớm ông Nguyễn Thượng (68 tuổi) vội vã lấy can buộc chặt vào xe máy đến nhà anh Phúc mua nước. Kể từ ngày có xe máy, ông Thượng là người “lãnh nhiệm vụ” mua nước. Ông Thượng tâm sự: “Công việc đảm bảo nước uống, nấu ăn cho gia đình không còn vất vả như trước, là phải xách, gánh nữa… tất cả đều “hiện đại hóa” cả mà. Chỉ tốn vài ngàn đồng là đủ nước sinh hoạt trong vài ngày. Tuy nhiên, những lúc mùa màng thì người dân mua nước rất đông nên tranh thủ “xếp hàng” từ sáng sớm, thấy cũng cực. Vì vậy, thôn Nguyên Cam mà có hệ thống nước sạch tự chảy, Nhà nước thu tiền sử dụng nước thì người dân hưởng ứng ngay”.

 

Trong khi đó, cô giáo Huỳnh Thị Ngọc Thủy ở trường mẫu giáo dân lập Sơn Nguyên cho biết: “Trường phải thu tiền mỗi cháu 2.000 đồng/tháng để mua nước tinh khiết nhằm đảm bảo sức khỏe cho các cháu. Nước dùng để cho các cháu rửa tay, chúng tôi phải vào nhà dân xin”.

 

Phó chủ tịch UBND xã Sơn Nguyên Ngô Tấn Thái cho biết: “Cách đây vài năm, UBND xã báo cáo lên huyện, tỉnh thì có một đoàn công tác về lấy mẫu nước giếng thôn Nguyên Cam. Thế nhưng, cũng từ đó đến nay xã không hề biết nguyên nhân vì sao nước giếng ở đây có hiện tượng như vậy. Hằng ngày nhìn thấy người dân đi mua nước, chúng tôi cũng rất bức xúc nhưng xã lấy đâu ra kinh phí hàng trăm triệu đồng để đầu tư hệ thống nước sạch nên chỉ còn biết chờ vào huyện, tỉnh”. Theo ông Thái, đoàn đại biểu Quốc hội, rồi HĐND các cấp về xã Sơn Nguyên tiếp xúc cử tri, người dân và chính quyền phản ánh nước giếng ở đây nhiễm mặn, nhưng rồi vẫn chưa thấy hồi âm tích cực nào. “UBND xã đã có nhiều tờ trình xin đầu tư xây dựng hệ thống nước sạch, song đến nay vẫn chưa được quan tâm giải quyết” - ông Thái cho biết. Theo ông Phó chủ tịch xã, có hai phương án khả thi xây dựng công trình nước sạch cho thôn Nguyên Cam. Một là đào giếng ở thôn Nguyên Hà, lắp đặt hệ thống dẫn nước về, hai là xây dựng bể lọc, bơm nước từ suối Bạc để tự chảy đến từng hộ dân.

 

Không biết, những đề xuất của chính quyền xã Sơn Nguyên có được lãnh đạo huyện, tỉnh quan tâm xem xét hay không? Liệu đến bao giờ người dân thôn Nguyên Cam mới có nước sạch?

 

Chuyện nước sạch ở thôn Nguyên Cam quả là khó khăn và rất bức xúc.

 

ĐỨC THÔNG

 

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek