Cùng với cả nước, tỉnh Phú Yên vừa phát động Tháng Hành động vì trẻ em năm 2012, với chủ đề Vì một xã hội không bạo lực, không xâm hại trẻ em, diễn ra từ ngày 1 đến ngày 30/6. Đây là thông điệp gửi đến mỗi chúng ta để cùng chung tay bảo vệ trẻ em, giúp trẻ được sống trong môi trường an toàn, lành mạnh và để trẻ phát triển toàn diện về thể chất, trí tuệ và tinh thần.
Theo thống kê của Bộ LĐ-TB-XH, trung bình mỗi năm cả nước có khoảng 1.000 vụ xâm hại tình dục trẻ em, trong đó trẻ bị hiếp dâm chiếm 65,9%. Nhóm trẻ sống lang thang và bỏ học bị xâm hại tình dục nhiều nhất. Những vụ việc xảy ra gần đây cho thấy nạn xâm hại tình dục trẻ em gia tăng cả về số lượng lẫn mức độ. Các em không chỉ bị xâm hại bởi người lạ mà còn bởi chính người thân của mình, trong đó vụ hai anh rể giao cấu bé L, 14 tuổi ở xã Xuân Lâm, TX Sông Cầu dẫn đến mang thai là một ví dụ. Chưa dừng lại ở đó, theo số liệu thống kê của Sở LĐ-TB-XH Phú Yên, từ đầu năm đến nay trên địa bàn tỉnh xảy ra 12 vụ đuối nước, làm 21 trẻ tử vong. Những con số nhức nhối này một lần nữa gióng lên hồi chuông báo động về tình trạng xâm hại và tai nạn thương tích trẻ em ngày càng phức tạp và nghiêm trọng.
Quan tâm tới con cái không có nghĩa là cho các em ăn ngon mặc đẹp, đầy đủ tiện nghi tiêu dùng mà còn là gần gũi, chia sẻ và trang bị cho con kỹ năng tự bảo vệ, ứng phó với tình huống khó khăn. Đã có nhiều bậc làm cha làm mẹ mải mê lo chuyện mưu sinh, ít quan tâm đến con cái, khiến cho những “con yêu râu xanh” có cơ hội làm hại, hay tai nạn cướp đi sinh mạng con minh. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến nạn xâm hại trẻ em. Đó là hệ quả của sự du nhập các văn hóa phẩm bạo lực, độc hại nước ngoài, ảnh hưởng tiêu cực đến tư tưởng, lối sống của các tầng lớp nhân dân, kéo theo sự xuống cấp đạo đức của môi trường xã hội và học đường. Đó còn là sự thiếu hiểu biết pháp luật, thiếu chăm sóc và giáo dục con cái của các bậc làm cha làm mẹ…
Để có một xã hội không bạo lực, không xâm hại trẻ em như chủ đề của Tháng Hành động vì trẻ em năm 2012, đòi hỏi có sự quyết tâm cao của cả cộng đồng; tiếp tục tạo sự chuyển biến về nhận thức, hành động và nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn xã hội về vai trò, tầm quan trọng của công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em đối với sự phát triển của đất nước; trang bị cho các em kỹ năng phòng chống xâm hại tình dục và đuối nước; tạo mọi điều kiện tốt nhất nhằm từng bước đáp ứng nhu cầu và các quyền cơ bản của trẻ em, xây dựng môi trường lành mạnh để trẻ em được bảo vệ, chăm sóc, giáo dục và phát triển toàn diện về mọi mặt. Các trường học nên tổ chức nhiều buổi sinh hoạt ngoại khóa, cung cấp cho các em cách phòng chống xâm hại tình dục, cách nhận diện kẻ xấu và cách tự bảo vệ mình.
Cuối cùng và trên tất cả là các bậc làm cha làm mẹ cần phải dành một khoảng thời gian nhất định chăm sóc con cái, không vì cuộc sống mưu sinh mà xao nhãng việc học tập, vui chơi của con em mình, để các em cảm thấy gia đình thật sự là chỗ dựa tin cậy, là “lá chắn” vững chắc trong cuộc đời của mình. Nếu được cha mẹ quan tâm, trẻ em sẽ không dễ dàng bị xâm hại bởi những kẻ đồi bại và tai nạn đang rình rập.
Trẻ em là tương lai của đất nước, đừng để tương lai của đất nước tiếp tục bị xâm hại!.
NGUYỄN QUANG