Người thu mua phế liệu đủ mọi lứa tuổi và đa số là phụ nữ. Mỗi ngày, họ cặm cụi len lỏi từng ngõ hẻm, góc phố thu mua những đồ dùng cũ kỹ với biết bao khó khăn, cực nhọc vì nặng gánh mưu sinh. Trong số ấy, có người nhờ nghề này mà nuôi con cái học hành đến nơi đến chốn.
Trời nắng nóng như đổ lửa nhưng các chị vẫn miệt mài đi tìm mua phế liệu - Ảnh: Q.HÙNG
Tay thoăn thoắt nhặt chai lọ, giấy vụn, mảnh nhôm, nhựa… cho vào bao tải, người phụ nữ thu mua phế liệu giấu mặt dưới vành nón ngậm ngùi: “Cả đời tui vất vả chỉ mong mấy đứa con được đến trường, sau này không phải sống khổ như mẹ nó…”. Ngày đi thu mua, tối về lại cặm cụi thắp đèn nhặt rác, phân loại, cuộc sống mỗi ngày của chị Lê Thị Thư ở thị trấn Củng Sơn, huyện Sơn Hòa gần như gắn liền với phế liệu. Ngày nắng cũng như ngày mưa, với chiếc xe đạp cọc cạch cùng phần cơm nguội treo trên cổ xe, chị lặn lội khắp các con hẻm ở thị trấn tìm mua phế liệu. Áo rộng thùng thình, quần xăn tới gối, tay áo vén lên tới khuỷu, khuôn mặt đen sạm vì nắng gió nên trông chị già hơn so với tuổi 32 của mình. Lúi húi thu gom đống phế liệu mới mua được, chị Thư tâm sự: “Tôi làm nghề này gần 10 năm nay, biết là cơ cực, độc hại nhưng nhờ nó mà tôi lo được cho cả nhà. Tiền góp nhặt hằng ngày giúp gia đình tôi có thêm đồng ra đồng vô, dè sẻn chi tiêu thì cũng đủ sống”. Chị Thư từng là người phụ nữ hạnh phúc khi có người chồng yêu thương mình hết mực. Không may, đầu năm 2004, chồng chị mắc bệnh hiểm nghèo, phải vô TP Hồ Chí Minh điều trị. Sau nhiều lần phẫu thuật không thành, khối u di căn. Nhà cạn tiền không thể tiếp tục điều trị nên không lâu sau chồng chị Thư qua đời, mọi gánh nặng gia đình dồn lên vai chị. Không giấu được niềm vui sau một ngày may mắn, chị Thư cười bình dị cho biết: “Hôm nay, tôi mua được giấy vụn ở một cơ quan, giờ lại mua được thêm mấy thanh sắt hỏng. Trừ tiền vốn chắc cũng kiếm được 50.000 đồng”.
Cùng cảnh ngộ với chị Thư, chị Huỳnh Thị Mai cũng thu mua phế liệu để mưu sinh. Nhà chị Mai ở xã Hòa Hội, huyện Phú Hòa. Hàng tuần chị bắt xe buýt đến thị trấn Củng Sơn, ở nhờ nhà người quen rồi cặm cụi quang gánh đi mua phế liệu. Sau hai năm, giờ đây, không ngóc ngách nào ở thị trấn Củng Sơn, xã Suối Bạc, xã Sơn Hà,… chưa in dấu chân chị. Chị kể: Nhà có hai sào ruộng, không đủ nuôi năm miệng ăn trong gia đình. Tôi có ba đứa con nhỏ đang tuổi ăn tuổi lớn, một mẹ già cần phải chăm nom nhưng vì kinh tế gia đình quá khó khăn nên tôi lên đây (huyện Sơn Hòa – PV) thu mua phế liệu, kiếm tiền đắp đổi qua ngày. Do đó, nhiều hôm, chị chỉ dám ăn cơm trắng chan nước mắm bởi phải dành tiền nuôi mẹ, nuôi con. “Làm nghề này có không ít nguy hiểm chực chờ. Có lần đi mua ở xa, về khuya, tui bị mấy người đàn ông say xỉn sàm sỡ, may mà kịp chạy thoát thân. Tệ hơn, có khi vất vả cả ngày mới kiếm được vài chục ngàn thì bị những kẻ bất lương chặn đường xin đểu, đành về tay trắng. Sợ nhất là những khi sức khỏe không tốt, chỉ một trận bệnh với vài liều thuốc là hết cả tháng nhọc nhằn. Các chị em làm nghề này thường có câu “muốn sống lâu thì phải bỏ nghề”. Biết vậy nhưng nếu bỏ nghề thì biết làm gì đây”. Lời tâm sự chân thành của chị Mai khiến chúng tôi không khỏi xót xa. Chị Mai thổ lộ: Có hôm đang rao “nhôm, nhựa bán không?” thì có chủ nhà ra xua đuổi, xem tụi tui như phường trộm cướp, nghĩ mà tủi thân, chỉ biết lầm lũi đi, thầm an ủi “mình sống ngay thẳng, không làm việc xấu là được”.
“Tính ra, mỗi ngày các chị phải lội bộ hoặc đạp xe hàng chục cây số. Sáng đi, quang gánh nhẹ tênh, nhưng tối về vai trĩu nặng hàng chục ký hàng. Càng gánh nặng, càng mệt, nhưng các chị càng vui vì nặng thêm một ký là có thêm đồng lãi, có thêm chén cơm cho con thơ đỡ đói lòng.
Trong câu chuyện về những phụ nữ mưu sinh bằng nghề thu mua phế liệu chúng tôi chợt nhớ đến bà Nguyễn Thị Đà, ở khu phố 4 (phường Phú Thạnh, TP Tuy Hòa). Chồng mất sớm để lại một mình bà với bốn con nhỏ. Từ cái nghề thấm đẫm mồ hôi này, bà đã nuôi các con ăn học đến nơi đến chốn. Bốn người con của bà đều tốt nghiệp cao đẳng, đại học và có công việc ổn định. Hay như bà Nguyễn Thị Lài ở khu phố 3, phường Phú Thạnh (TP Tuy Hòa), từ cái nghề nhọc nhằn này, bà đã cùng ông Lê Xuân Quang - chồng mình, người thương binh 3/4 nuôi năm cô con gái học hành. Các con của ông bà đều tốt nghiệp đại học, có người còn là thạc sĩ. Với vợ chồng bà Lài, cuộc sống dù gian khó đến mấy nhưng nghĩ đến tương lai các con, mọi gian khó trong đời sống thường nhật rồi sẽ qua.
QUỐC HÙNG -THỦY VĂN