Từ ngày 16-25/4, Ban Kinh tế-Ngân sách HĐND tỉnh phối hợp với các ban, ngành liên quan tổ chức giám sát việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (gọi chung là sổ đỏ) cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân... Qua giám sát cho thấy, việc xây dựng hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu quản lý đất đai còn khá nhiều tồn tại, vướng mắc, tiến độ cấp sổ đỏ chậm.
Một góc khu dân cư Ninh Tịnh 1 (phường 9, TP Tuy Hòa) đang được làm thủ tục cấp sổ đỏ - Ảnh: V.TÀI
NHIỀU BẤT CẬP
Ông Võ Ca mua một mảnh đất ở phường 9 (TP Tuy Hòa) nhưng nhiều năm nay vẫn chưa được cơ quan chức năng làm thủ tục cấp sổ đỏ theo quy định, dù ông đã nộp hồ sơ. Không chỉ ông Ca, ở phường 9 có 5.312 hộ dân nhưng hiện có 1.200 hồ sơ xin cấp sổ đỏ vẫn còn tồn đọng tại UBND phường. Do người dân không nắm được trình tự, thủ tục, không cấp được sổ đỏ, dẫn đến khiếu kiện, thậm chí có trường hợp khiếu kiện vượt cấp, ảnh hưởng đến an ninh trật tự và khiến việc cấp sổ đỏ càng phức tạp hơn.
Bà Cộng Thị Lan, Chủ tịch UBND phường 9 cho biết: “Nguyên nhân chậm cấp sổ đỏ cho người dân là trong quá trình triển khai thực hiện vẫn còn nhiều trường hợp sai sót về vị trí đất, nguồn gốc đất. Bên cạnh đó, một số hộ dân có thời gian sống ổn định trước năm 1980 được cân đối theo Nghị định 64/CP đất nông nghiệp, nhưng đất ở chưa được thể hiện trong sổ mục kê, bản đồ địa chính”.
Còn theo ông Nguyễn Hùng Quân, Trưởng phòng Tài nguyên-Môi trường (TN-MT) TP Tuy Hòa: Việc chậm và vướng mắc trong việc cấp sổ đỏ có nguyên nhân ngay từ phía cơ quan xây dựng chính sách. Cụ thể, tại Thông tư số 17/2009 của Bộ TN-MT triển khai Nghị định số 88/2009 của Chính phủ đã quy định về cấp sổ đỏ nhưng chưa có hướng dẫn cụ thể trong những trường hợp đăng ký biến động như: Thửa đất có nhiều người sử dụng, nhiều chủ sở hữu nhà ở, tài sản gắn liền với đất hay trường hợp lấn chiếm đất công, tự chuyển mục đích sử dụng đất… Ngoài ra, quy định phải có sơ đồ nhà ở và công trình xây dựng trong thủ tục cấp sổ đỏ cũng chưa được quy định cụ thể, chặt chẽ gây khó khăn cho đơn vị thực hiện, áp dụng pháp luật như việc lập sơ đồ, bản vẽ này do cơ quan nào thực hiện…
Song song đó, việc quy định chồng chéo về nơi nộp hồ sơ xin cấp sổ đỏ, đăng ký biến động về sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất ở cấp huyện, thị xã, thành phố cũng chưa thống nhất. Do vậy, việc luân chuyển hồ sơ giữa văn phòng đăng ký sử dụng đất và cơ quan thuế vẫn chưa được thực hiện liên thông giữa các cơ quan đăng ký với cơ quan thuế theo quy định của pháp luật đất đai. Nhưng trên thực tế, người dân vẫn phải tự mình mang hồ sơ đến cơ quan thuế để tính nghĩa vụ thuế.
Qua giám sát trực tiếp của Ban Kinh tế-Ngân sách HĐND tỉnh tại UBND xã Hòa Thành (huyện Đông Hòa), UBND xã Xuân Lộc (TX Sông Cầu), UBND phường Phú Lâm và UBND phường 9 (TP Tuy Hòa), cho thấy có quá nhiều tồn tại đã làm chậm tiến độ cấp sổ đỏ cho người dân.
Đó là, các xã, phường này vẫn tổ chức tiếp nhận hồ sơ cấp sổ đỏ tại bộ phận “một cửa” mà chưa chuyển về văn phòng đăng ký thực hiện theo quy định tại Nghị định 88/CP của Chính phủ. Hơn nữa, nhiều phường, xã còn yêu cầu khi chuyển hồ sơ cho văn phòng đăng ký đều phải chuyển qua bộ phận “một cửa”, làm kéo dài thêm thủ tục và cản trở việc trao đổi nghiệp vụ giữa các cơ quan đối với việc luân chuyển hồ sơ để xử lý. Trong khi đó, nhiều trường hợp hai nhà liền nhau, nhà thì được cấp sổ đỏ, nhà thì không. Có trường hợp chỉ sau một tuần, một tháng là nhận được “sổ đỏ” nhưng có trường hợp cả năm sau mới nhận được do bị “ngâm” hồ sơ. Nhiều trường hợp do thiếu hồ sơ nhưng cán bộ không thông báo kịp thời cho người dân dẫn đến việc chậm cấp sổ đỏ kéo dài.
Cũng qua giám sát công tác cấp sổ đỏ tại các xã, phường vừa nêu, nguyên nhân của việc chậm tiến độ còn do hồ sơ xin cấp sổ đỏ bị giữ quá lâu ở cơ sở với nhiều thủ tục quá rườm rà, phức tạp. Cũng có nhiều trường hợp người dân do chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính, nguồn gốc đất không rõ ràng, đất đang tranh chấp hoặc nằm trong các dự án nên cũng làm cho tình trạng cấp sổ đỏ đã chậm lại càng chậm hơn…
Theo đoàn giám sát, không chỉ ở huyện Đông Hòa, TX Sông Cầu, TP Tuy Hòa mà ở hầu hết các địa phương trong tỉnh việc chậm cấp sổ đỏ cũng còn chậm, khiến người dân bức xúc, do lỗi không phải thuộc về họ. Nhiều người cho rằng, khi nào cơ chế “xin - cho” còn tồn tại và không có giải pháp tháo gỡ thì tiến độ cấp sổ đỏ trên địa bàn tỉnh vẫn còn chậm?
CẦN THÁO GỠ
Để tháo gỡ những vướng mắc, tồn tại trên, rút ngắn thời gian hoàn thiện công tác cấp sổ đỏ cho người dân TP Tuy Hòa, trong chuyến giám sát vừa qua, Phó chủ tịch UBND TP Tuy Hòa Nguyễn Ngọc Tứ đã yêu cầu các xã, phường phải vào cuộc quyết liệt hơn trong công tác cấp sổ đỏ. Đối với các thửa đất ở có giấy tờ đầy đủ, hợp pháp thì các cấp, ngành không nên tính hạn mức. Với những thửa đất không có giấy tờ, căn cứ vào hạn mức đất ở để cấp đất liền kề. Các phường, xã cũng phải xác định rõ trong một thửa đất, chỗ nào là đất ở, chỗ nào là đất liền kề. Nghĩa vụ tài chính khi cấp sổ đỏ cũng vừa phải và cần hướng dẫn chi tiết cho dân yên tâm.
Theo bà Nguyễn Thị Nở, Trưởng ban Kinh tế-Ngân sách HĐND tỉnh, Trưởng đoàn giám sát, trong quá trình làm thủ tục, nếu bị tắc ở cấp nào thì phải tiến hành thanh tra, giải quyết ngay từ cấp đó, tránh các trường hợp “ngâm” hồ sơ lâu ngày, không giải quyết cho dân. Đối với hồ sơ đủ điều kiện được cấp sổ đỏ mà bị tồn đọng, cấp phường, xã có trách nhiệm thông báo tới các tổ dân phố, để dân được biết. Song song đó, đề xuất hướng xử lý các trường hợp còn tồn đọng phức tạp, cũng như xây dựng kế hoạch cụ thể, giao chỉ tiêu cấp sổ đỏ cho từng huyện, thị xã, thành phố đảm bảo đồng bộ, tích cực, hiệu quả. Đồng thời, phải lập hồ sơ địa chính và xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai đáp ứng yêu cầu quản lý trên địa bàn tỉnh.
“Với những hồ sơ đủ điều kiện thì phải cấp ngay. Những trường hợp cấp được sổ đỏ nhưng phải bổ sung hồ sơ thì phải nêu rõ thời gian; hồ sơ không được cấp thì trả lời ngay cho người dân vì sao. Sau đó, công bố cho dân biết để giám sát thực thi của các cấp chính quyền. Đồng thời, cũng cần kiên quyết xử lý những cán bộ gây nhũng nhiễu, tiêu cực với nhân dân”, bà Nở kiến nghị.
VĂN TÀI