Thứ Ba, 26/11/2024 00:55 SA
Mang niềm vui đến trẻ khuyết tật
Thứ Bảy, 21/04/2012 18:00 CH

Cũng đứng trên bục giảng nhưng học trò của họ là những em khiếm thính, bị thiểu năng trí tuệ... Không chỉ dạy cho các em biết viết, biết ngôn ngữ dùng tay, những cô giáo ở Trường Niềm Vui (TP Tuy Hòa) còn dạy các em biết vượt qua mặc cảm.

 

tat-1120421.jpg

Cô giáo Hồ Thị Lan Thi hướng dẫn các em lớp chậm phát triển làm toán - Ảnh: H.MY

 

CÔ GIÁO NHƯ MẸ HIỀN

 

Khi chúng tôi đến thăm lớp chậm phát triển, cô giáo Hồ Thị Lan Thi đang hướng dẫn cho các em tập đếm số. Thấy khách vào, các em liền đứng dậy, ngọng nghịu nói: “Chúng em chào cô!”. Cô Lan Thi cho biết: “Bây giờ các em đã ngoan hơn và biết nghe lời tôi. Hai năm trước khi mới nhận lớp này, tôi khóc suốt vì nói các em không nghe. Các em chưa tự chủ được hành vi nên hết la khóc, đánh nhau lại trèo lên bàn, ném dụng cụ học tập và thậm chí “tè” tại lớp. Tôi phải bỏ dở tiết học, lau dọn lớp học, rồi bắt đầu dạy mọi điều cho các em, từ việc đi vệ sinh đúng cách, đến việc cầm bút, viết chữ”.

 

Trường Niềm Vui là trường chuyên biệt duy nhất ở Phú Yên nhận dạy trẻ khuyết tật. Học sinh ở đây hoặc bị câm điếc bẩm sinh, hoặc vì một tai biến do bệnh tật mà không thể nói, nghe và phát triển như người bình thường. Mỗi lớp chỉ có khoảng 6-10 em nhưng các cô giáo lúc nào cũng bận rộn. Mặc dù bị khiếm thính, chậm phát triển nhưng các em rất hiếu động nên các cô luôn phải để mắt tới, sợ học sinh trêu chọc, đánh nhau. Các em lại rất nhạy cảm nên các cô không thể quát nạt. Nhiều lúc bực tức vì học trò quá nghịch, các cô cũng chỉ ra ký hiệu bằng tay, biểu lộ sắc mặt để các em biết ý giữ trật tự. Cô giáo Võ Thị Thúy Hà tâm sự: “Chủ nhiệm một lớp học khuyết tật rất vất vả. Vì khả năng tư duy âm thanh của các em kém, nên giao tiếp giữa cô và trò gặp nhiều khó khăn. Một bài giảng với trẻ bình thường có thể dạy trong một buổi, nhưng với các em có thể lên đến 3 buổi, thậm chí sau đó phải nhắc lại vì sợ các em quên. Mỗi em một bệnh nên tùy vào tình trạng của từng học sinh mà chúng tôi có cách dạy và trị liệu riêng”.

 

Ngoài nhiệt tình và tận tâm trong việc giáo dục, các cô giáo Trường Niềm Vui còn gần gũi chuyện trò với các em như những người bạn. Hoàn cảnh, bệnh tật của mỗi mảnh đời bất hạnh đều được các cô giáo quan tâm, nắm rõ. Đặc biệt, ở trường có hơn 40 học sinh nội trú, các cô như những người mẹ hiền, luôn chăm lo việc ăn ngủ cho các em. Có lần, vào nửa đêm, một học sinh phát bệnh nặng, các cô lại tất tả đưa em đi cấp cứu. Phụ huynh em Trần Bảo Duy, học sinh lớp chậm phát triển, chia sẻ: “Trước khi Trường Niềm Vui thành lập, những gia đình không may có con bị khuyết tật như tôi chẳng biết gửi con ở đâu. Từ ngày gửi con đến trường này, được các cô giáo nhiệt tình chăm sóc, dạy dỗ, thấy con có nhiều chuyển biến, biết vâng lời, tôi mừng lắm”.

 

CẦN CÓ MỘT TẤM LÒNG

 

Dạy các học sinh khuyết tật, điều cốt yếu là các cô phải thực sự có tình yêu thương, sự sẻ chia và nhẫn nại. Theo cô giáo Võ Thị Thùy Giang, ở lớp tự kỷ, khi đến trường các em đã hơn 6 tuổi nhưng như “trẻ sơ sinh”. “Có học sinh suốt hai năm ròng vẫn không nhớ nổi chữ O, có em hơn 2 năm vẫn không cầm được bút. Nhiều lúc, nói không ra tiếng mà học sinh không tiến bộ nên tôi cũng thấy nản. Nhưng hễ nhìn những ánh mắt trong ngần và nụ cười vô tư của các em, trong tôi lại trỗi lên một tình thương và sự đồng cảm. Tôi không thể bỏ rơi hoặc lơ là vì các em cần đến sự quan tâm, động viên của các thầy cô hơn bao giờ hết”, cô Giang bộc bạch.

 

Cô giáo trẻ Trần Thị Trúc Mai, dù tốt nghiệp đúng chuyên ngành Giáo dục đặc biệt (Trường đại học Quy Nhơn) nhưng lúc đầu cũng không khỏi bỡ ngỡ trước lớp học do mình phụ trách. Trúc Mai chia sẻ: “Lúc đầu tôi không biết phải bắt đầu từ đâu. Nhưng rồi được sự giúp đỡ của các chị, tôi đã dần hòa nhập được với các em. Có hôm phụ huynh gọi điện đến khoe hôm nay con mình nói được hai từ “đẹp quá!”. Nếu được chọn lại nghề, tôi vẫn chọn nghề này vì nó rất có ý nghĩa cho xã hội”.

 

Không chỉ dạy cho các em kiến thức, các cô giáo Trường Niềm Vui còn tạo ra sân chơi để học sinh được giao lưu và hòa nhập cộng đồng như mở các lớp vẽ, lớp may. Ít ai biết đằng sau những tiết mục múa Trống Cơm, Bức họa đồng quê vui tươi và lay động lòng người do các em học sinh khiếm thính biểu diễn trong các chương trình, hội diễn là cả sự nỗ lực và kiên trì tập luyện suốt mấy tháng ròng của cô trò. “Gắn bó với các em, chúng tôi quý mến và xem như là con của mình. Chúng tôi luôn muốn tạo điều kiện tốt nhất để các em phát triển và hòa nhập vào cộng đồng. Với mỗi chúng tôi, các em đã là một phần của niềm vui, niềm hạnh phúc… trong cuộc sống”, cô Lan Thi tâm sự.

 

Phó hiệu trưởng Trường Niềm Vui Trần Thị Tuyết Dương cho biết: “Các cô giáo dạy ở đây chịu nhiều thiệt thòi cả trong quá trình giáo dục cũng như ngoài xã hội. Học sinh khuyết tật rất nhạy cảm, rất dễ bất hợp tác với giáo viên còn cha mẹ các em thì mặc cảm. Xã hội cũng chưa thật sự hiểu đúng, hiểu đủ về công việc này vì họ nghĩ rằng các cô giáo ở đây khi sinh con cũng dễ bị thiểu năng trí tuệ. Tuy nhiên, bằng lòng yêu nghề, tình yêu thương dành cho các em, chúng tôi vẫn cố gắng hoàn thành sứ mệnh của mình, xứng đáng là nơi gửi gắm niềm tin của những hoàn cảnh không may mắn”.

 

HÀ MY

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek