Hai năm thực hiện phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi (2010-2012), bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn nhiều khó khăn mà Hội Nông dân tỉnh cần có biện pháp để nâng chất phong trào này. Báo Phú Yên phỏng vấn ông Trần Văn Cư, Tỉnh ủy viên, Phó chủ tịch Thường trực Hội Nông dân tỉnh xung quanh vấn đề này.
Ông Trần Văn Cư - Ảnh: T.HIẾU |
* Ông có thể cho biết những kết quả đạt được sau hai năm thực hiện phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi?
- Thời gian qua, phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi đã phát triển sâu rộng ở nhiều lĩnh vực, nhiều ngành nghề trong toàn tỉnh. Đặc biệt, bà con nông dân đã ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ tiên tiến vào sản xuất để nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi góp phần tích cực chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động. Qua phong trào này, nhiều mô hình làm ăn có hiệu quả xuất hiện, nhiều hộ nông dân đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi với mức thu nhập mỗi năm hàng trăm triệu đồng, đây là điều đáng ghi nhận. Phong trào cũng đã góp phần quan trọng trong việc xây dựng nông thôn mới, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội thôn, xóm được giữ vững, góp phần tích cực vào công tác phòng chống tội phạm, giải quyết những tranh chấp ở cơ sở. Các nông dân sản xuất kinh doanh giỏi còn là lực lượng tiên phong trong phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư, xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ. Phong trào đã góp phần củng cố xây dựng tổ chức hội ngày càng vững mạnh, tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động làm cho hội viên gắn bó với tổ chức hơn. Kết quả, trong hai năm đã kết nạp được 11.919 hội viên.
Các hộ sản xuất kinh doanh đã được hỗ trợ vốn 500 triệu đồng; hỗ trợ 18.432 con giống, cây giống cho hơn 13.000 hộ nghèo, khó khăn để giúp họ vươn lên làm chủ trong sản xuất, thoát nghèo. Ngoài ra, các cấp hội cùng chung tay với tỉnh xóa được 11.141 nhà tạm cho hộ nghèo. |
* Những khó khăn cần tập trung khắc phục để phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi đạt hiệu quả cao là gì, thưa ông?
- Hiện vẫn còn có cấp hội thiếu quan tâm trong việc phối hợp với các ngành, các cấp triển khai phát động, tổ chức đăng ký hướng dẫn cho nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi. Việc huy động nguồn lực để tham gia đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng của chương trình phát triển nông thôn mới cũng như chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nhân rộng các mô hình hiện còn hạn chế, gặp nhiều khó khăn. Đồng thời, nhiều hộ nông dân chưa chú ý đến việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trong sản xuất, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, tham gia bảo vệ môi trường; thiếu thông tin về kinh tế thị trường, sản xuất kinh doanh, sử dụng thương hiệu cũng như quảng bá sản phẩm của mình để mang lại hiệu quả. Việc liên doanh, liên kết giữa nhà nông, nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp chưa tốt. Vì thế trong thời gian tới, Hội Nông dân tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo các cấp hội đẩy mạnh các hình thức hướng dẫn, tuyên truyền, tiếp tục thông tin cho nông dân hưởng ứng, thực hiện tốt các chính sách chủ trương của Đảng và Nhà nước trong nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Sự chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền cơ sở; phối hợp với các ngành, đoàn thể gắn với chọn lựa, nhân rộng và giới thiệu một số mô hình tiên tiến phù hợp với từng địa phương được tăng cường. Có như vậy, việc nâng cao hiệu quả kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho bà con nông dân mới thiết thực.
Hội viên nông dân tiếp cận các kỹ thuật uốn cây bon sai do Hội Nông dân tỉnh tổ chức - Ảnh: T.HIẾU
* Đâu là các giải pháp để nâng chất phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, thưa ông?
- Theo tôi, trước tiên hội cần tăng cường các mối quan hệ liên kết, tạo điều kiện hỗ trợ cho nông dân để phát triển sản xuất. Đồng thời, hội phải thực sự là chỗ dựa để bảo vệ quyền lợi chính đáng, hợp pháp của nông dân; tăng cường sự phối hợp với các ngành để tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất, trồng trọt cho bà con. Công tác đào tạo, bồi dưỡng nghề ngắn hạn cho nông dân phải thực hiện thường xuyên để mang lại hiệu quả cao. Một số vùng sản xuất gắn với từng địa phương cần hình thành để làm ra hàng hóa mang tính tập trung và xây dựng thương hiệu sản phẩm hầu đem lại giá trị kinh tế cao hơn, xây dựng nhãn hiệu hàng hóa để cạnh tranh được trên thị trường. Ngoài ra, hội phải xây dựng quỹ hỗ trợ về vốn, kỹ thuật cho nông dân để giúp bà con phát triển sản xuất, làm ăn theo hướng công nghiệp, hiện đại và phát triển bền vững.
* Xin cảm ơn ông!
TRUNG HIẾU (thực hiện)