Quyết định 32 của Chính phủ về phát triển nghề công tác xã hội tới năm 2020 đã đưa ra khung kế hoạch toàn diện về phát triển nghề công tác xã hội (CTXH). Sự ra đời của Hội Nghề CTXH là một bước quan trọng để thúc đẩy hơn nữa sự nghiệp phát triển nghề CTXH nhằm cải thiện đời sống xã hội của người dân.
Cán bộ xã hội ở Trung tâm Nuôi dưỡng NCC và BTXH tỉnh chăm sóc trẻ - Ảnh: K.CHI
Những thay đổi của xã hội diễn ra rất nhanh và đòi hỏi cần có những dịch vụ chuyên nghiệp để có thể giải quyết các vấn đề một cách khoa học và hiệu quả nhằm thúc đẩy an sinh xã hội. Theo một cuộc khảo sát năm 2009 được thực hiện bởi các chuyên gia của tổ chức UNICEF và Bộ LĐ-TB-XH cho thấy, tại mỗi tỉnh đều có các trung tâm Bảo trợ xã hội thực hiện chức năng cung cấp dịch vụ cho các đối tượng yếu thế, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, như trẻ mồ côi, bị bỏ rơi, người già cô đơn, người khuyết tật hoặc người tâm thần. Hầu hết các cơ sở đều cung cấp dịch vụ chăm sóc tập trung dài hạn và có rất ít các hoạt động hỗ trợ cộng đồng, mà nếu có thì kinh phí cũng rất thấp, chỉ đủ trong một khoảng thời gian nhất định. Hơn nữa, một số trung tâm chỉ chuyên chăm sóc nuôi dưỡng lâu dài cho các đối tượng, trong khi tại những cơ sở khác thì trọng tâm ưu tiên lại là phục hồi. Việc lập kế hoạch, hỗ trợ và theo dõi đối tượng tái hòa nhập cộng đồng, cung cấp các thông tin phù hợp về các vấn đề như sức khỏe, tư vấn tâm lý và hỗ trợ những người dễ bị tổn thương nhất cũng rất hạn chế. Nguyên nhân dẫn đến thực trạng này là chúng ta chưa hiểu hết các nhu cầu đa dạng của các đối tượng, mặt khác là do kinh phí hạn hẹp và nhất là do năng lực, trình độ của đội ngũ cán bộ còn yếu, chưa được đào tạo bài bản.
Tuy nhiên, hiện nay, phần lớn các cơ sở này đều gặp khó khăn về nguồn vốn tài trợ; mặt khác, các trung tâm mới chỉ cung cấp dịch vụ xã hội trong một khu vực nhất định, không thể cung cấp cho những người ngoài khu vực. Như vậy, trên cơ sở các nhu cầu về dịch vụ hiện tại và những người sử dụng chúng, cần phải xây dựng mô hình trung tâm dịch vụ CTXH, nhất là tại thời điểm hiện nay khi nghề CTXH chuyên nghiệp đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhằm cung cấp các dịch vụ cơ bản và hướng tới mọi nhóm đối tượng có hoàn cảnh khó khăn.
Nếu chúng ta có một trung tâm CTXH với các dịch vụ cơ bản, đáp ứng cho các đối tượng với các dạng vấn đề và nhu cầu xã hội khác nhau, bao gồm trẻ em cần sự bảo vệ đặc biệt, nạn nhân của tệ nạn xã hội, những người bị ảnh hưởng của nạn buôn bán người, mại dâm, HIV/AIDS... Các hoạt động bao gồm đánh giá về những nhu cầu phức tạp, can thiệp trực tiếp cho cá nhân và gia đình khi họ cần được những người có chuyên môn và kỹ năng giúp đỡ; cung cấp tham vấn, hỗ trợ cần thiết và tiến hành tập huấn cho những cán bộ còn ít kinh nghiệm và cộng tác viên cộng đồng. Điều đó sẽ sớm giúp cho người dân sống trong cộng đồng dễ dàng tiếp cận với các dịch vụ y tế, giáo dục…
Khi mà khoảng cách giàu nghèo ngày càng rộng do mặt trái của phát triển kinh tế, đồng thời cũng kéo theo nhiều tệ nạn xã hội đang đẩy con người đứng trước nhiều vấn đề xã hội và những thách thức mới. Việc phát triển nghề CTXH phù hợp với sự phát triển của hệ thống phúc lợi hiện đại, được coi là góp phần vào sự phát triển xã hội vững mạnh, ổn định và phát triển về kinh tế.
Theo đề án phát triển nghề công tác xã hội, mục tiêu từ nay đến năm 2020 sẽ ban hành tiêu chuẩn ngạch bậc, lương, tiêu chuẩn đạo đức, nghề nghiệp đối với người làm nghề; hoàn thiện môi trường pháp lý để họ có thể hoạt động. Từ nay đến năm 2015, mỗi xã phường có 1-2 viên chức công tác xã hội, đến năm 2020 cả nước có khoảng 60.000 viên chức làm nghề này. Hiện cả nước có 500 cơ sở bảo trợ xã hội dành cho người già neo đơn, trẻ em mồ côi, trẻ khuyết tật, nhiễm độc da cam và các trung tâm 05, 06 dành cho người nghiện ma túy, từng hành nghề mại dâm, với khoảng 35.000 nhân viên.
NGỌC DIỆP