Lâu nay công luận hầu như nói nhiều đến “bệnh thành tích” của ngành giáo dục. Có người xem “bệnh thành tích” là nguyên nhân chính làm suy giảm chất lượng giáo dục, làm thui chột sức sáng tạo của cả thầy và trò… Nhưng “bệnh thành tích” có phải chỉ một mình ngành giáo dục mắc? Hay giáo dục chỉ là một “bệnh nhân”?
“Bệnh thành tích” đang là căn bệnh phổ biến và ngành giáo dục chỉ là một “bệnh nhân” điển hình với các “triệu chứng phát bệnh” và nhất là hậu quả do căn bệnh gây nên quá rõ ràng, nhiều người dễ nhận thấy.
“Bệnh thành tích” làm cho học sinh chạy theo điểm số, hạn chế đào sâu kiến thức – Ảnh: CHÁNH LỘC |
Thực tế cho thấy, căn bệnh này đang hiện diện ở khắp nơi và đang gây nên những hậu quả không kém phần nguy hiểm cho sự phát triển của đất nước. Một nguy hại lớn của căn bệnh là làm cho con người giảm sút sức sáng tạo, vươn lên; phong trào thi đua không đi vào thực chất, không động viên được quần chúng hăng hái lao động sản xuất, học tập, công tác tốt hơn. Ở đâu khen thưởng “thành tích ảo” càng nhiều, ở đó phong trào thi đua càng kém hiệu quả.
“Bệnh thành tích” không chỉ làm nguy hại phong trào thi đua, nó còn có nguy hại đối với đạo đức xã hội. “Bệnh thành tích” làm cho cấp dưới không trung thực với cấp trên,“Làm láo báo cáo hay”, “Làm ít báo cáo nhiều”, nói không đi đôi với làm… là “tác phong” của những người mắc bệnh thành tích. “Bệnh thành tích” làm cho sự giả dối trở nên mỹ miều, nó che đậy bản chất của vấn đề. Khi cấp trên đang mắc bệnh quan liêu, mệnh lệnh, thiếu sâu sát, kiểm tra, cũng thích ca ngợi, thì “bệnh thành tích” càng có cơ hội để lây lan, phát triển. Có nhiều trường hợp “liên tục hoàn thành nhiệm vụ”, luôn được nhận huân huy chương… rồi đùng một cái, công ty “sập tiệm” vì thua lỗ, lãnh đạo cơ quan bị kỷ luật, thậm chí vào nhà đá.
“Bệnh thành tích” làm cho con người ta sinh ra dấu dốt, thích được khen. Vì vậy luôn tìm mọi cách để che đậy khuyết điểm của mình. (Có che đậy kín khuyết điểm mới làm “nổi rõ thành tích” để được khen thưởng).
“Bệnh thành tích” làm thui chột sự phát triển. Bằng việc đề ra các chỉ tiêu một cách máy móc, thiếu cơ sở, để rồi “bằng mọi cách” đạt cho được các chỉ tiêu đó, “năm sau phải cao hơn năm trước”, nhiều doanh nghiệp, cơ quan phải “phù phép” để có những con số hài lòng cấp trên. (Nếu không đạt chỉ tiêu sẽ bị cắt danh hiệu thi đua, nếu liên tục bị cắt danh hiệu thi đua sẽ ảnh hưởng đến “sự trưởng thành”…). Vì vậy “sự phát triển” chỉ mang tính hình thức, mà không đúng bản chất, nặng về số lượng mà không đạt chất lượng cần có. Ngay trong các tổ chức cơ sở Đảng, việc kết nạp đảng viên chạy theo chỉ tiêu, thành tích cũng dẫn đến những hậu quả xấu làm ảnh hưởng chất lượng đội ngũ đảng viên và sức chiến đấu của Đảng. Do cố đạt cho được chỉ tiêu, một số chi, đảng bộ đã “kết nạp non” cả những quần chúng chưa thật sự ưu tú, chưa thật gương mẫu hơn quần chúng khác. Việc đặt ra chỉ tiêu để phấn đấu là cần thiết, nhất là trước đây, một số nơi còn hẹp hòi, không quan tâm đến quyền lợi chính trị của quần chúng, song không thể xem đó là chỉ tiêu thi đua.
“Bệnh thành tích” với những hệ lụy trên đang làm cản trở sự phát triển nói chung, cũng như sự nỗ lực vươn lên của mỗi một cá nhân, tổ chức, cơ quan, địa phương. Vì vậy, để trị bệnh thành tích, cần đẩy mạnh đấu tranh phê bình và tự phê bình, chống tư tưởng, thái độ quan liêu, mệnh lệnh, xa rời quần chúng từ trong các tổ chức Đảng đến tất cả các cơ quan, đoàn thể, địa phương. Và trước hết, cán bộ lãnh đạo chủ chốt phải gương mẫu, không chạy theo thành tích.
HAI QUẢNG