Sinh ra và lớn lên trong gia đình nông dân nghèo ở huyện Quỳnh Lưu (tỉnh Nghệ An), năm 1999, đời sống quá khó khăn nên ông Bùi Duy Thỏa (SN 1971) rời quê khăn gói vào thôn Tân Phú, xã Suối Bạc (huyện Sơn Hòa) để lập nghiệp. Đến nay, vợ chồng ông không chỉ thoát nghèo mà trở nên khá giả.
Ông Bùi Duy Thỏa (đứng) đang xay xát gạo cho người dân. - Ảnh: Q. HÙNG
Là con trai thứ tư trong gia đình nghèo nên ông Bùi Duy Thỏa đã chứng kiến mọi cực nhọc, tảo tần của bố, mẹ quanh năm nuôi mấy anh em ăn học. Đến năm 1991, ông Thỏa lập gia đình, bố mẹ chỉ cho được một sào ruộng lúa hai vụ để gây dựng kinh tế. Nghèo túng nên hằng ngày vợ chồng ông phải đi làm thuê, làm mướn cho người khác nhưng vẫn không đủ miếng ăn. Để tìm một hướng đi mới trong phát triển kinh tế, ông Thỏa nhiều lần khăn gói đến các thành phố lớn để tìm kiếm việc làm, nhưng sau những chuyến đi làm ăn xa, cuộc sống của gia đình ông cũng vẫn thiếu trước hụt sau. Đầu năm 1999, được sự giới thiệu của người anh vợ nên ông quyết định chuyển vào Phú Yên làm ăn. Đến nơi ở mới, gia đình ông không có đất để sản xuất. Để có cái ăn, cái mặc, hằng ngày vợ chồng ông Thỏa đi làm thuê để trang trải cuộc sống gia đình. Sau nhiều đêm suy nghĩ, ông Thỏa dùng hết vốn liếng dành dụm được, cộng với số tiền vay mượn thêm của bạn bè, ông mua gần 3ha đất nông nghiệp với giá 15 triệu đồng để trồng mía. Vụ mía đầu tiên, gia đình ông thu được 120 tấn, trừ chi phí lãi 40 triệu đồng. Có tiền, ông trả nợ, số tiền còn lại tiếp tục mua đất, mở rộng trồng mía. Nhờ đó đời sống gia đình ông không ngừng được cải thiện. Đến năm 2009, từ số tiền tích lũy được trong nhiều năm trồng mía, ông Thỏa quyết định đầu tư vào cơ sở xay xát gạo. Đến nay, qua hơn mười năm miệt mài lao động, cần kiệm, gia đình ông Thỏa đã xây dựng được căn nhà trị giá trên 400 triệu đồng.
Ông Thỏa nói: “Có được cơ ngơi như ngày hôm nay, ngoài sự phấn đấu của bản thân, vợ chồng tôi còn nhờ Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương quan tâm giúp đỡ. Đặc biệt, Hội Nông dân huyện đã tạo điều kiện cho tôi tham gia các lớp tập huấn và tiếp cận khoa học kỹ thuật trong trồng trọt, sản xuất, chăn nuôi. Nhờ đó mà năng suất cây trồng năm sau luôn cao hơn năm trước, giúp kinh tế gia đình phát triển”.
Từng nếm trải sự đói nghèo, ông Thỏa thấu hiểu được sự túng thiếu của người khác. Vì thế hằng năm, ngoài hỗ trợ kinh nghiệm trong sản xuất, ông Thỏa còn hỗ trợ vốn, mía giống cho bà con lối xóm trồng, vươn lên thoát nghèo. Ông Hoàng Đình Khanh, ở thôn Tân Phú, xã Suối Bạc, cho biết: “Vợ chồng tôi có được 1,5ha đất nhưng trước đây gia đình quá khó khăn nên không có tiền để đầu tư mua mía giống. Năm 2009, vợ chồng ông Thỏa cho mượn 15 tấn mía để trồng, nhờ đó mỗi năm trừ chi phí gia đình tôi kiếm được 60-70 triệu đồng. Bây giờ chúng tôi không chỉ trả hết nợ mà còn có tiền mua sắm trang trải cuộc sống, nuôi các con ăn học”.
Bằng ý chí và nghị lực của mình, ông Bùi Duy Thỏa đã vươn lên thoát nghèo, trở thành điển hình trong phong trào nông dân sản xuất – kinh doanh giỏi của địa phương, được UBND huyện Sơn Hòa tặng giấy khen vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào nông dân thi đua sản xuất - kinh doanh giỏi năm 2009-2011.
QUỐC HÙNG