Thứ Năm, 10/10/2024 08:25 SA
Phụ nữ Vĩnh Phú nỗ lực giữ nghề truyền thống
Thứ Bảy, 19/11/2011 18:00 CH

Hơn hai tháng nay, căn nhà của vợ chồng bà Lương Thị Liên ở thôn Vĩnh Phú (xã Hòa An, huyện Phú Hòa) không lúc nào ngơi việc chẻ tre, vót nan, đan giỏ. Bà Liên phấn khởi:“Từ ngày Hội Phụ nữ tạo điều kiện cho vay 9 triệu đồng từ dự án phát triển làng nghề truyền thống đan đát ở thôn mà vợ chồng tôi có thêm vốn mua tre, mây đan rổ để bán”…

 

dan-dat-111119.jpg

Người dân thôn Vĩnh Phú với công việc đan đát hàng ngày - Ảnh: N. DUNG

Ở tuổi 58, bà Liên có hơn 40 năm theo nghề đan đát này. Bà bảo, đó là nghề truyền thống của cha ông, nên quý lắm. Nhờ cái nghề này mà cuộc sống của những người ở trong thôn đỡ nhọc nhằn hơn những người vùng quê khác. Công việc đan đát không quá nặng nhọc, những người sức khỏe không còn dẻo dai như hai vợ chồng bà Liên vẫn có thể kiếm được 50.000-60.000 đồng/ngày, để có thêm chi phí trang trải cho cuộc sống hàng ngày.

 

Chị Lê Thị Liển, Chi hội trưởng Phụ nữ thôn Vĩnh Phú, người nhiều năm gắn bó với nghề, cho hay: Những sản phẩm mà người dân trong thôn làm ra chủ yếu là các vật dụng dùng trong đời sống thường ngày như các loại rổ đựng cá, đựng rau, gánh đất, sàng đậy cá, đậy lươn… Kỹ thuật đan các sản phẩm này khá đơn giản, nên người già và trẻ em trên 10 tuổi (tùy theo khả năng mỗi người) đều có thể tham gia vào các công đoạn: chẻ tre, vót nan, đan thành tấm mê, gianh tròn để đát bốn đầu của tấm mê, lận thành chiếc rổ hoặc cái sàng. Sau đó, dùng mây hoặc cước nức xung quanh vành để hoàn thành sản phẩm. Các công đoạn nặng cần sức của đàn ông như lận, vót vành, thì nay những người phụ nữ đều làm rất tốt. Thông thường, một người mỗi ngày vừa chẻ tre, vót nan, vừa đan khoảng chục chiếc rổ, theo thời giá, bán được 50.000-70.000 đồng, sau khi trừ tiền nguyên vật liệu, còn cũng kiếm được 30.000-50.000 đồng/ngày.

 

Chị Liển bảo: “Cái khó nhất của người làm nghề đan đát là nguyên vật liệu mây, tre. Ngày trước, một cây tre chỉ 25.000-30.000 đồng, còn bây giờ thì “nhảy” lên 50.000-60.000 đồng, khiến chúng tôi gặp không ít khó khăn. Đã vậy, để tìm mua được tre không phải dễ, ngoài việc tìm mua ở các thôn trong xã, rất nhiều hộ phải đi đến các xã khác như Hòa Thắng, Hòa Trị, Hòa Quang Nam, Hòa Quang Bắc… Nhưng điều trở ngại lớn nhất vẫn là vốn, vì không phải gia đình nào trong thôn cũng có sẵn tiền trong nhà để mua tre, mây dự trữ. Giá như bà con ở đây nhận được nhiều nguồn vốn vay ưu đãi thì đỡ biết mấy”.

 

Chị Trần Thị Vân, một trong những phụ nữ trong diện hộ phụ nữ nghèo được vay vốn lần này, tươi cười: “Tôi rất vui, nhờ có số tiền mà dự án hỗ trợ, gia đình tôi không phải đi vay nóng bên ngoài để mua nguyên liệu. Lâu nay, vì gia cảnh quá khó khăn, gia đình tôi lâm vào cảnh nợ nần nên đem ruộng đất bán hết cho người ta. Mấy năm nay, cả nhà chỉ trông chờ vào số tiền làm thợ hồ hàng ngày của cha tụi nhỏ. Thời gian gần đây, sức khỏe của ổng mỗi ngày một yếu nên thu nhập không có bao nhiêu. May nhờ vay được vốn, mà gia đình tôi có thêm thu nhập từ nghề đan rổ, để chi phí thuốc thang, mắm cá hàng ngày”.

 

Phó chủ tịch Hội LHPN xã Hòa An Cao Thị Kim Hoa thông tin: Từ khi có dự án, 54 phụ nữ có hoàn cảnh gia đình khó khăn trong thôn Vĩnh Phú được vay 500 triệu đồng từ dự án phát triển làng nghề hết sức phấn khởi. Theo dự án, mỗi hộ được vay từ 9-10 triệu đồng tùy theo quy mô sản xuất của gia đình, trong thời gian 2 năm với lãi suất 0.65%/ tháng. Điều đáng mừng là thông qua 54 chị được vay vốn, dự án không chỉ giúp cho hơn 150 lao động ở các hộ gia đình này có việc làm ổn định, mà còn tạo thêm công ăn việc làm cho hành chục lao động nhàn rỗi khác ở địa phương.

 

Gặp gỡ với nhiều người dân làng nghề Vĩnh Phú, chúng tôi mới biết họ cũng mang ít nhiều tâm sự: Trước đây, gần 95% gia đình trong làng theo nghề thì nay chỉ còn 75-80% hộ. Cách đây hơn chục năm trở về trước, khi các mặt hàng gia dụng bằng nhựa chưa xuất hiện nhiều, thì những mặt hàng đan bằng tre là vật dụng chủ yếu trong cuộc sống hàng ngày của mọi gia đình. Ngày ấy, nhà nhà chong đèn làm thâu đêm suốt sáng để có hàng kịp cung ứng thị trường. Nhưng từ khi có mặt hàng nhựa được dùng phổ biến thì sản phẩm bằng tre đan phải lép vế. Mặt hàng nhựa gia dụng tiện lợi xuất hiện ngày càng nhiều, màu sắc, mẫu mã đa dạng, phong phú đã hạn chế sức mua hàng đan bằng tre. Làng nghề vẫn còn hoạt động nhưng không còn không khí rộn ràng, nhộn nhịp như xưa. Dù vậy, cụ bà Lê Thị Liền, hơn 80 tuổi vẫn ngày ngày tỉ mẩn đan giỏ. Bà nói: Dù cuộc sống có thay đổi thế nào, thì bà cũng sẽ động viên con cháu mình tiếp tục phát huy, giữ gìn nghề truyền thống lâu đời của cha ông mình để lại.

 

THỦY VĂN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek