* Lũ cuốn hơn 1.200 tỉ đồng ở Đồng bằng Sông Cửu Long
Theo báo nhanh của các địa phương, mưa lũ đã làm 7 người chết và mất tích, trong đó Quảng Bình 3 người, Quảng Trị 3 người và Phú Yên 1 người.
Nhiều làng vùng, nhiều ngôi nhà ở Quảng Bình đang bị ngập sâu vì mưa lũ - Ảnh: Tuổi trẻ |
Mưa lũ lên nhanh tại các tỉnh miền Trung trong mấy ngày qua đã làm 7 người chết và mất tích, 4 người bị thương, hàng ngàn ngôi nhà bị ngập chìm trong lũ.
Đêm qua và rạng sáng 17/10 các tỉnh từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to.
Hiện nay, lũ trên các sông thuộc tỉnh Quảng Nam, sông Hương, tỉnh Thừa Thiên Huế và hạ lưu sông Kiến Giang, tỉnh Quảng Bình đang lên, các sông thuộc Quảng Trị và sông Gianh, tỉnh Quảng Bình đã đạt đỉnh và đang xuống chậm. Mưa lũ đã làm 23.500 ngôi nhà bị ngập lụt. Quốc lộ 1 A, đường Hồ Chí Minh và nhiều tuyến tỉnh lộ qua địa bàn các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế ngập cục bộ nhiều đoạn. Có nơi sâu hơn 1m gây ách tắc giao thông.
Trên Quốc lộ 1A qua tỉnh Quảng Trị, từ cầu Lai Phước đến Bắc cầu Ái Tử bị ngập sâu hơn nửa mét, hàng ngàn xe cộ bị ách tắc.
Tỉnh Quảng Trị đã sơ tán 5.000 hộ dân, tỉnh Quảng Bình sơ tán hơn 1.300 hộ vùng ngập lụt sâu đến nơi an toàn. Các tỉnh từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi cử cán bộ trực tiếp xuống địa bàn chỉ đạo công tác ứng phó với mưa lũ; chuẩn bị 24.000 thùng mì ăn liền, 54 tấn gạo tẻ, 18.000 chai nước lọc, hàng chục ngàn lít xăng dầu sẵn sàng cung ứng khi địa phương có yêu cầu.
Một số hồ đã qua tràn và tiếp tục xả lũ điều tiết như: Hương Điền, Bình Điền (tỉnh Thừa Thiên Huế); hồ thủy lợi Cẩm Ly, An Mã, Tiên Lang, Vực Tròn, Vực Nồi (tỉnh Quảng Bình); Bảo Đài, Nghĩa Huy (tỉnh Quảng Trị).
Trong khi đó, lũ tiếp tục diễn biến phức tạp, gây thiệt hại lớn tại khu vực ĐBSCL. Theo báo cáo nhanh của các địa phương, đến nay có 44 người chết do lũ (38 trẻ em). Hơn 78.000 nhà dân bị ngập sâu, 152 căn bị sụp đổ, cuốn trôi. Lũ đã làm sạt lở 1.500km đê bao; gần 7.500ha lúa thu - đông bị mất trắng; 2.600ha thủy sản bị thiệt hại… Thống kê sơ bộ, đến thời điểm này, lũ đã gây thiệt hại khoảng 1.200 tỉ đồng; nặng nhất là 2 địa phương đầu nguồn An Giang và Đồng Tháp.
Tại An Giang có 20 điểm trường bị ngập lũ, 1.364 học sinh phải nghỉ học, các địa phương trong tỉnh đã tổ chức 40 điểm giữ trẻ mùa lũ với 1.200 trẻ; bố trí đưa rước an toàn cho gần 6.000 học sinh; cứu được 31 người trong các vụ chìm ghe, xuồng; vớt được 27 phương tiện.
Chiều 16/10, ông Nguyễn Trạng Sư, Phó Chủ tịch UBND huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp), cho biết: Khoảng 11 giờ cùng ngày đã xảy ra vụ sạt lở lớn trên địa bàn xã Long Thuận. Chiều dài sạt lở đến 70m, ăn sâu vào bờ gần 30m, cắt đứt tuyến đường giao thông, đồng thời là đê bao khu vực Long Thạnh - Long Hòa - Long Hưng.
Do phạm vi sạt lở lớn nên chỉ trong thời gian ngắn nước lũ tràn ngập khu đê bao nhấn chìm một số ao cá giống và trên 11ha hoa màu gồm hành lá, cải, rau dưa… của người dân địa phương. Ban chỉ huy PCLB huyện Hồng Ngự đã khẩn cấp huy động lực lượng và phương tiện đến gia cố cứu tuyến đê. Tuy nhiên, đến tối 16-10, tại khu vực sạt lở vẫn chưa thể lưu thông, chính quyền địa phương đã hỗ trợ di dời một số hộ dân ra khỏi phạm vi sạt lở đến nơi an toàn.
BTV (tổng hợp VOV. SGGP)