Phú Yên hiện có khoảng 100.000 lao động nông thôn đang thiếu việc làm hoặc có việc làm nhưng thu nhập thấp cần việc làm mới để cải thiện cuộc sống. Thế nhưng, qua 3 phiên giao dịch việc làm trong đợt 1 năm 2011 (diễn ra từ ngày 30/7-1/8) tại các huyện Tây Hòa, Sông Hinh và Sơn Hòa chỉ có 109 người đăng ký học nghề, làm việc trong các doanh nghiệp trong nước, hoặc lao động nước ngoài.
Tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động tại phiên giao dịch việc làm huyện Tây Hòa - Ảnh: N.HÂN
HIU HẮT CÁC “PHIÊN CHỢ”
Ngày 1/8, tại phiên giao dịch việc làm (GDVL) ở huyện Sơn Hòa có 20 công ty, doanh nghiệp, trung tâm tuyển dụng - đào tạo nghề trong và ngoài tỉnh trực tiếp tham gia tư vấn việc làm và đào tạo nghề cho người lao động. Trong gần 10.000 đầu việc, chỉ có 20% nhu cầu tuyển dụng lao động có tay nghề, trình độ trung cấp, cao đẳng, đại học; còn lại chủ yếu là lao động phổ thông. Để thu hút lao động, các doanh nghiệp đưa ra những chế độ đãi ngộ như lương thưởng cao, hỗ trợ chỗ ăn ở, phương tiện đi lại, các chế độ quyền lợi về bảo hiểm, tăng lương thâm niên hàng năm, có Công đoàn cơ sở quan tâm, chăm lo đời sống cho nhân viên…. Tuy nhiên, phần lớn các doanh nghiệp không tìm được lao động đến đăng ký tuyển dụng.
Sở LĐ-TB-XH Phú Yên cho biết, năm 2011, Trung tâm Giới thiệu việc làm của sở sẽ tổ chức 3 đợt với 31 phiên giao dịch việc làm, trong đó 5 phiên được tổ chức tại các huyện, thành phố trong tỉnh, 6 phiên giao dịch việc làm theo cụm điểm và 20 phiên giao dịch việc làm được tổ chức ở 20 xã điểm trong chương trình xây dựng nông thôn mới. Dự kiến từ ngày 15-23/8 và đến hết tháng 11/2011, trung tâm sẽ tiếp tục tổ chức các phiên giao dịch tại các huyện Đồng Xuân, Tuy An, TX Sông Cầu và TP Tuy Hòa.
Nét mới của phiên GDVL lần này là một số đơn vị tổ chức tư vấn theo hình thức trực quan gồm các thiết bị, máy móc, mô hình học tập, giới thiệu dây chuyền làm việc hiện đại... Thế nhưng số người có nhu cầu tìm việc thực sự không nhiều, khoảng gần 250 người lao động đến tìm hiểu việc làm và cũng chỉ có 34 người đăng ký học nghề, làm việc tại các công ty, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, xuất khẩu lao động. Ông Phạm Công Vinh, cán bộ tuyển dụng lao động Công ty TNHH một thành viên Tracimexco Hà Nội, cho hay: “Công ty chúng tôi cần tuyển 300 lao động đi làm việc tại Nga, Hàn Quốc nhưng qua 3 phiên GDVL tại Phú Yên chỉ có 2 người đăng ký việc làm. Trong khi theo Phòng LĐ-TB-XH huyện Sơn Hòa, toàn huyện có hơn 3.000 lao động cần việc làm mới. Số người lao động quan tâm đến phiên GDVL ít ỏi nên “chợ” dù được chuẩn bị, tổ chức công phu, song chỉ diễn ra trong vòng 1 giờ đồng hồ là tan”.
Trước đó, trong hai ngày 30-31/7, Sở LĐ-TB-XH Phú Yên tổ chức 2 phiên GDVL tại huyện Tây Hòa và huyện miền núi Sông Hinh cũng chỉ thu hút được 75 người đăng ký việc làm và học nghề. Ông Hoàng Tự Đức, Giám đốc Trung tâm Giới thiệu việc làm Phú Yên, cho biết: “Tại 3 phiên giao dịch được tổ chức lần này có tới 8 đơn vị, doanh nghiệp tư vấn tuyển dụng đi xuất khẩu lao động tại các thị trường Nga, Hàn Quốc, Malaysia, Đài Loan, Úc, Nhật…. với mức thu nhập cao và có nhu cầu tuyển lao động tại Phú Yên từ 1.000-2.500 người. Song tại các phiên GDVL đợt 1 chỉ có 20 người đăng ký đi xuất khẩu lao động”.
CẦN ĐẨY MẠNH CÔNG TÁC THÔNG TIN, TUYÊN TRUYỀN
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng “chợ” bày nhiều việc nhưng thiếu “người mua” nêu trên. Thứ nhất người lao động và doanh nghiệp chưa có tiếng nói chung trong việc tiếp cận chia sẻ thông tin việc làm. Thứ hai là người lao động ngại đi làm việc xa do còn ràng buộc với gia đình hoặc công việc mà nhà tuyển dụng đưa ra chưa hấp dẫn và phù hợp với lao động nông thôn. Thứ ba là địa phương chưa tổ chức tuyên truyền sâu rộng. Qua 3 phiên GDVL, có thể nhận thấy chính quyền địa phương chưa quan tâm thấu đáo đến hoạt động này. Việc giao chỉ tiêu số lượng người đến các phiên GDVL cho các xã đã tạo nên sự đông người “ảo”. Người thì đông, nhưng người thực sự có nhu cầu tìm việc thì không bao nhiêu. “Nhiều người chẳng buồn đọc tờ rơi về thông tin tuyển dụng, sau khi nhận xong cầm ra vứt đầy sân rồi đi về!” – một tư vấn viên lắc đầu ngao ngán.
Hướng dẫn thủ tục đăng ký tìm việc cho thanh niên miền núi tại phiên giao dịch việc làm huyện Sơn Hòa - Ảnh: N.HÂN
Hơn nữa, chính quyền cấp xã chưa thực sự vào cuộc trong chiến dịch tuyên truyền đưa thông tin về các phiên giao dịch, cũng như các thông tin về tuyển dụng lao động. Thực tế cho thấy, nhận thức của người lao động về xuất khẩu lao động còn hạn chế. Nhiều người muốn đi xuất khẩu lao động, nhưng lại thiếu năng lực tài chính, không đủ điều kiện, tiêu chuẩn về trình độ tay nghề, ngoại ngữ… Anh Lê Minh Thiện, một lao động ở xã Hòa Bình 2 (huyện Tây Hòa) nói: “Việc làm ở nước ngoài khá hấp dẫn, lương cao, nhưng gia đình tôi không đủ khả năng để lo chi phí ban đầu, còn làm việc trong tỉnh thì lương quá thấp. Vì thế, tôi đành ở nhà phụ gia đình làm nông”.
Theo ông Lê Văn Phổ, Trưởng Phòng Việc làm - An toàn lao động (Sở LĐ-TB-XH Phú Yên), các phiên GDVL là chiếc cầu nối giữa người lao động với các doanh nghiệp, hỗ trợ tích cực người lao động tìm việc làm mới. Thế nhưng, thực tế người lao động ở các địa phương xem ra vẫn còn rất thờ ơ đối với các phiên GDVL. Trong tháng 8 này, chúng tôi sẽ tiếp tục tổ chức thêm nhiều phiên giao dịch ở các xã, cụm xã để tạo điều kiện thuận lợi trong việc đi lại đối với các lao động vùng sâu, vùng xa. Hy vọng rằng, sau khi nắm thông tin về việc làm qua các tờ rơi, người lao động sẽ sớm liên hệ với các trung tâm giới thiệu việc làm để đăng ký đi làm việc.
NGỌC HÂN