Thứ Sáu, 04/10/2024 14:27 CH
Công tác chăm sóc và bảo vệ trẻ em ở huyện Đồng Xuân:
Nhiều kết quả đáng khích lệ
Thứ Ba, 19/07/2011 09:00 SA

Công tác chăm sóc và bảo vệ trẻ em ở huyện Ðồng Xuân đã góp phần thực hiện hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ về chăm sóc và bảo vệ trẻ em trong giai đoạn mới. Trong đó, trẻ em đồng bào dân tộc thiểu số được đặc biệt quan tâm…

 

te1110719.gif

Các hội, đoàn thể tổ chức trò chơi cho trẻ em ở huyện Đồng Xuân - Ảnh: T.THẢO

 

Huyện Đồng Xuân hiện có 14.260 trẻ dưới 16 tuổi. Trong đó, 2.338 trẻ là người dân tộc thiểu số, 1.125 trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn (607 trẻ mồ côi). Thời gian qua, huyện đã thực hiện tốt các chính sách về trẻ em và thường xuyên tổ chức các buổi truyền thông cộng đồng, tư vấn tại nhà.

 

Biết tính chất công việc của người làm công tác chăm sóc và bảo vệ trẻ em khu vực miền núi, vùng dân tộc thiểu số là không dễ, nên đội ngũ làm công tác này cố gắng vượt qua khó khăn, không chạy theo thành tích. Cán bộ làm công tác chăm sóc và bảo vệ trẻ em từ huyện đến xã đều vào cuộc tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương tìm các giải pháp nhằm thực hiện tốt các chính sách chăm lo toàn diện cho trẻ em. Nhờ vậy, công tác này ở huyện Đồng Xuân những năm qua đạt kết quả cao, nhận thức của người dân được nâng lên.

 

Theo Phòng Lao động - Thương binh - Xã  hội huyện Đồng Xuân, huyện có 11 trưởng ban dân số - gia đình - trẻ em là chủ tịch hoặc phó chủ tịch UBND xã, thị trấn, 149 cộng tác viên phụ trách các địa bàn dân cư để theo dõi sự biến động trong công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em và truyền thông kịp thời. Với lực lượng cán bộ và cộng tác viên dày dặn kinh nghiệm nên ngay từ đầu năm, huyện đã xây dựng kế hoạch triển khai công tác chăm sóc và bảo vệ trẻ em, trong đó đặc biệt chú trọng đến đối tượng là trẻ em dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa.

 

Năm 2010, Phòng Lao động - Thương binh - Xã hội huyện Đồng Xuân tổ chức 24 lần họp nhóm, nói chuyện chuyên đề về trẻ em lang thang, trẻ em bị xâm hại tình dục, trẻ em lao động nặng nhọc trong điều kiện độc hại; trợ giúp cho 16 trẻ em lang thang hồi gia bền vững, xây dựng 3 câu lạc bộ trẻ em lang thang và hộ gia đình có trẻ em có nguy cơ lang thang. Đặc biệt, tổ chức nhiều buổi sinh hoạt văn nghệ, biểu diễn cồng chiêng và tặng quà cho trẻ em đồng bào dân tộc thiểu số ở thôn Da Dù và Soi Nga (nơi trước đây trẻ em lang thang chiếm tỉ lệ cao nhất huyện), giúp vốn cho các hộ gia đình khó khăn phát triển kinh tế và có trách nhiệm bảo vệ trẻ em.

 

Bà Trần Thị Như Thủy, cán bộ chuyên trách Dân số - Gia đình - Trẻ em xã Xuân Lãnh, cho biết: “Trước đây, người đồng bào dân tộc thiểu số ít quan tâm chăm sóc, bảo vệ con em mình, do đó tỉ lệ trẻ em lang thang kiếm sống rất cao. Cứ vào dịp lễ, tết là tỉ lệ này lại tăng lên. Thế nhưng, 5 năm trở lại đây, nhờ tích cực tuyên truyền, vận động và sự chỉ đạo của các cấp lãnh đạo, người dân trong xã đã thay đổi nhận thức, quan tâm đến con cái mình”. Mí Thoa, buôn Xí Thoại, cho biết: “Giờ đây, hễ nghe có tập huấn về nâng cao nhận thức của gia đình về cách chăm sóc, bảo vệ trẻ em trước những mối nguy hại của các tệ nạn xã hội” là tôi tham gia.

 

Bằng những nội dung thiết thực, gần gũi với đời sống người dân, nhất là với đồng bào dân tộc thiểu số, sau các buổi tập huấn, nhận thức của người dân được nâng lên rõ rệt. Những vấn đề mà nhiều người dân trước nay cho là bình thường, như bắt con cái phải nghỉ học, phải lao động sớm thì nay họ đã hiểu được vấn đề và cam kết không để tình trạng này xảy ra.

 

Để nâng cao hiệu quả tuyên truyền về công tác chăm sóc và bảo vệ trẻ em, Phòng Lao động - Thương binh - Xã hội huyện Đồng Xuân đã xây dựng 11/11 xã, thị trấn phù hợp với trẻ em, bảy mô hình phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ em; thành lập quỹ bảo trợ tại các xã, thị trấn để vận động giúp đỡ những trẻ bị bệnh tim bẩm sinh, trẻ là người đồng bào dân tộc thiểu số tiếp tục đến trường… Ông Nguyễn Đình Lê, Trưởng Phòng Lao động - Thương binh - Xã hội huyện Đồng Xuân, cho biết: “Để người dân chịu thay đổi hành vi, chúng tôi đã phối hợp với các già làng, trưởng thôn, buôn tổ chức các buổi nói chuyện về công tác chăm sóc và bảo vệ trẻ em tại các buổi họp thôn, buôn, đồng thời lồng ghép vào các buổi sinh hoạt phụ nữ; tuyên truyền về Luật Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em qua loa phát thanh của xã, phát tờ rơi đến tận nhà. Ngoài ra, xây dựng đội ngũ cộng tác viên là người đồng bào dân tộc thiểu số làm nòng cốt tại các thôn, buôn để thu thập, đánh giá tình hình trẻ em tại các nơi đó”. 

 

Tuy nhiên, để công tác này đạt hiệu quả cao hơn, huyện Đồng Xuân cần phải có chiến lược lâu dài, nhất là duy trì bền vững các mô hình chăm sóc, bảo vệ trẻ em cũng như việc nâng cao nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số.

 

MAI KIÊN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek