Thứ Bảy, 05/10/2024 22:22 CH
Những ngọn lửa ấm
Thứ Ba, 28/06/2011 07:30 SA

Thuần hậu, dịu dàng, chăm sóc lo lắng cho chồng con hết mực... là những tính cách đậm nét truyền thống của những người phụ nữ mà chúng tôi đã gặp. Ở họ, ánh lên vẻ đẹp của những yêu thương và hi sinh thầm lặng. Như những ngọn lửa ấm hàng ngày, họ thắp sáng hạnh phúc dưới mái nhà thân yêu của mình.

 

ba-Ty110628.jpg

Niềm vui của vợ chồng bà Tỵ bên các cháu - Ảnh: N.DUNG

 

Yêu thương dẪn đưỜng

 

Ngày ấy cũng như nhiều thanh niên ở xã Hòa Thịnh (huyện Tây Hòa), ông Lê Văn Khống và bà Đinh Thị Tỵ ở thôn Mỹ Xuân 1 là những chàng trai, cô gái đôi mươi của một thời cả nước cùng ra trận đánh giặc. Mối tình của họ ươm mầm trong lửa đạn chiến tranh. Trở về từ chiến trường với thương tích đầy mình, mắt trái của ông Khống bị mù, trong người còn sót lại nhiều mảnh đạn. Những vết thương ấy lại lên cơn đau nhức mỗi khi trở trời. Thấy chồng như vậy, bà Tụy thương chồng nhiều hơn. Bản thân bà ngày trước ở tù Côn Đảo, những lần bị địch tra tấn đòn roi khiến sức khỏe bà suy yếu. Bà không thể làm những việc đồng áng nặng nhọc, trong khi chồng lại là thương binh hạng nặng, không thể đỡ đần việc nhà. Bà Tỵ nhớ lại, những năm sau giải phóng, cuộc sống gia đình bà rất khó khăn. Bà làm y tế ở xã, tiền lương không đủ trang trải cuộc sống, phải mở thêm quán bán nước mía ở trường học gần nhà để có thêm chi phí, nuôi con ăn học. Hiện cuộc sống của vợ chồng bà đã qua hồi bĩ cực. Giờ đây, các con bà đã trưởng thành, có người đã lập gia đình ra riêng, có công ăn việc làm ổn định. Trong bốn người con của bà, cô con gái thứ Lê Thị Kim Trinh đang làm công tác văn phòng tại UBND xã Hòa Thịnh, cậu con trai út Lê Văn Chiến thì công tác tại Công an tỉnh Phú Yên. Đó là kết quả của những nỗ lực cố gắng không ngừng của bà Tỵ.

 

Hơn 37 năm chung sống với một người chồng thương binh gần như bị “tàn phế”, một mình bà Tỵ phải gánh vác chuyện gia đình. Bà nói: “Hồi ấy, chúng tôi quen nhau trên núi, quyết định dù cuộc sống sau này có sướng khổ thế nào cũng không rời bỏ nhau. Hơn nữa, gia đình hai bên nội, ngoại đều tham gia cách mạng. Bản thân chồng tôi có ba anh em đều là liệt sĩ. Là người lính đi ra từ cuộc chiến nên tôi hiểu những mất mát trong chiến tranh, lại càng thương và chăm lo cho ông ấy tốt hơn”.

 

gd-co-Nhung110628.jpg

Gia đình đầm ấm của bà Nhung   - Ảnh: N.DUNG

 

Cha mẸ là chiẾc gương soi

 

 Xông xáo, nhiệt tình, tháo vát, đảm đang, những tính cách ấy đã giúp cho chị Ngô Thị Được ở khu phố 2 (phường 8, TP Tuy Hòa) không chỉ đảm trách tốt vai trò người vợ, người mẹ trong gia đình mà còn là một khu phố phó năng nổ, có trách nhiệm. Chị Được thổ lộ: “Nhiều khi công việc ở khu phố cũng chiếm khá nhiều thời gian, nhưng cái chính là mình lên lịch để có thể đảm trách tốt việc ở khu phố cũng như việc nhà”. Trong ánh mắt người phụ nữ 52 tuổi này lấp lánh niềm hạnh phúc khi nói về gia đình. Hơn 29 năm chung sống với chồng - anh Phan Văn Tý, cũng là ngần ấy thời  gian chị Được cảm thấy cuộc sống thật bình yên, hạnh phúc. Anh Tý vốn ít nói nhưng được cái hiền lành, thương vợ, thương con, chịu khó làm ăn. Anh làm nghề sửa ôtô, thu nhập không cao, để có thêm chi phí nuôi con ăn học, trang trải hàng ngày, chị Được làm rất nhiều nghề từ đi nấu ăn cho các đám, tiệc, nhà hàng, đến cả việc biên đạo múa cho các tiết mục văn nghệ ở phường và một số trường học. Nhờ biết cách chi tiêu thu vén, chị không bao giờ để kinh tế gia đình rơi vào cảnh túng thiếu, vay mượn. Bây giờ, hai người con gái đầu của chị đều đã tốt nghiệp trung cấp, đại học, có công ăn việc làm ổn định. Còn cậu con trai út đang là sinh viên năm ba Trường Đại học Ngân hàng TP Hồ Chí Minh. Chị Được chia sẻ: “Cái chính là vợ chồng phải sống chung thủy, yêu thương, tôn trọng, nhường nhịn nhau và nêu gương cho con cái, để chúng trở thành những người con hiếu thảo trong gia đình và những công dân tốt cho xã hội”.

 

Chị Võ Thị Kim Liên, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ phường 8, nói: “Gia đình chị Được, anh Tý là một trong những gia đình văn hóa tiêu biểu của phường. Điều đáng quý là con cái của họ không chỉ ngoan hiền, hiếu nghĩa mà còn biết sống chia sẻ, quan tâm giúp người nghèo khó. Với lớp trẻ, tinh thần ấy đáng được biểu dương”.

 

Cơn lũ lịch sử cuối năm 2009 đã gây ra những thiệt hại nặng nề về người và tài sản ở Phú Yên. Trước những đau thương, mất mát nơi quê nhà, cậu con trai út Phan Trọng Thành của chị Được đã tích cực kêu gọi, vận động bạn bè trong trường đại học, các nhà hảo tâm ở TP Hồ Chí Minh góp gạo, quần áo, sách vở…  giúp học sinh và bà con nghèo vùng lũ ở TX Sông Cầu, với tổng trị giá trên 42 triệu đồng. Cũng từ nhiệt tâm giúp đỡ người nghèo, thời gian này Phan Trọng Thành đã “biến” kỳ nghỉ hè của mình bằng việc đi phát cháo cho bệnh nhân nghèo tại Bếp ăn từ thiện ở Bệnh viện Đa khoa Phú Yên. Điều đáng nói, không chỉ có người con trai út, mà cả cô con gái đầu Phan Thị Bảo Vy cũng một lòng giúp người nghèo khó. Làm kế toán cho một doanh nghiệp tư nhân, vừa bận bịu chuyện chồng con nhưng Bảo Vy luôn có mặt trong các đợt phát gạo giúp người nghèo ở các chùa… Lòng hướng thiện ấy, ngay từ nhỏ, Vy và Thành học được từ mẹ và cha.

 

Chi-Duoc110628.jpg

Tranh thủ thời gian rảnh rỗi chị Được tập cháu gái tô màu - Ảnh: N.DUNG

 

Thương con dâu như con gái

 

Không ít người cho rằng bây giờ thật khó gặp mẹ chồng thương con dâu như con gái và nàng dâu thương yêu, kính trọng mẹ chồng như mẹ ruột. Nhưng câu chuyện về bà mẹ chồng Cao Thị Nhung và cô con dâu Đặng Thị Minh Nghiêm ở khu phố 5 (phường 2, TP Tuy Hòa) lại hoàn toàn khác.

 

Là người hiền lành, tốt bụng, hết mực yêu thương con cái, bà Nhung không bao giờ phân biệt con dâu, con rể mà xem họ như con ruột của mình. Bà Nhung cho biết: “Con dâu tuy không phải do mình đẻ ra nhưng nó là vợ của con trai mình, yêu thương không hết, huống chi lại tìm cách gây khó dễ”. Ngày mới về nhà chồng, chị Nghiêm không sao tránh khỏi những bỡ ngỡ, nhưng được mẹ chồng hướng dẫn mọi việc rất chu đáo, bảo ban từng ly từng tí về cách ăn ở, đối nhân xử thế ở đời cũng như với chồng mình. Chị Nghiêm nói: “Tôi không thể quên thời gian một tay mẹ chồng chăm sóc, lo lắng cho tôi từ lúc mang thai đến khi sinh nở… Sau khi sinh con đầu lòng, mọi việc trong nhà, chị Nghiêm đều phải nhờ đến mẹ chồng. Mỗi ngày, mẹ đi chợ nấu những món ăn để giúp tôi nhanh phục hồi sức khỏe. Sự gần gũi, quan tâm, chăm sóc của mẹ khiến tôi ấm lòng. Sống ở nhà chồng nhưng tôi luôn cảm thấy dễ chịu, thoải mái như sống ở nhà mình”.

 

Gần 4 năm về làm dâu dưới mái nhà này, chị Nghiêm cảm thấy mình vô cùng may mắn. Trong đám bạn của chị Nghiêm có người lập gia đình, nhưng gặp cảnh mẹ chồng hà khắc, không như chị được làm con dâu của một người mẹ tuyệt vời. Bà Nhung nói: “Thương yêu con dâu, con rể cũng là cách tạo dựng hạnh phúc cho gia đình mình”. Bà quan niệm, người phụ nữ là “người giữ lửa”, có vai trò trọng yếu trong việc điều hòa các mối quan hệ gia đình. Để làm được điều này, bà luôn có tấm lòng rộng mở, yêu thương, bao dung và biết cách tạo ra bầu không khí ấm áp, tràn ngập tiếng cười dưới mái nhà thân yêu. Ở tuổi 60, bà Cao Thị Nhung cảm thấy mãn nguyện khi xây dựng được một gia đình đầm ấm, hạnh phúc, con cháu ngoan hiền, hiếu thuận với ông bà, cha mẹ.

 

Bà Nhung còn là “sứ giả hòa giải” của những đôi vợ chồng trong phường “lục đục” hay láng giềng có chuyện mâu thuẫn. Hầu như chuyện gì đến tay bà Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ phường 2 này cũng đều êm thấm nên bà luôn được mọi người quý mến, nể trọng.

 

 

NGỌC DUNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek