Thứ Tư, 02/10/2024 23:26 CH
Ông cha ta đi công tác
Thứ Năm, 25/08/2005 14:18 CH

Thời nay, một vị quan chức chưa thuộc diện nhất phẩm triều đình đã tự cho mình cái quyền cưỡi chiếc ôtô trị giá một vạn con ngựa. Những vị quan hàng tỉnh bây giờ (ngang cỡ lục phẩm, ngũ phẩm ngày xưa) cũng vung tay quá trán trong mua sắm ôtô. Thậm chí có vị vừa lên chức là đã vội thay ô tô mới. Có vị còn cạo màu sơn để thay màu mới cho hợp với lời phán của các thầy tướng số. Xe công được các quan sử dụng vô tội vạ đưa đón phu nhơn, cậu ấm, cô chiêu, bồ nhí… đi học, đi chợ, đi nhảy, đi hát karaoke, đi giũa móng tay, đánh tennis, nghỉ weekend ở trang trại tư gia ngoại thành…

Xem ra, luật pháp ngày nay quá nhơn đức. Kỷ cương phép nước trong sử dụng phương tiện công tùy tiện đến mức Quốc hội phải yêu cầu Chính phủ điều trần và giải trình cụ thể của Bộ trưởng Bộ Tài chính tại Quốc hội trong phiên họp vừa qua về mua sắm sử dụng xe công đã đưa ra những con số làm nản lòng những người dân đóng thuế.

Đọc lịch sử mà thương ông cha ta ngày xưa ngược xuôi vạn lý đi công tác. Chỉ riêng những quy định của triều Nguyễn cận đại cũng gợi lên nhiều vấn đề đáng học tập trong việc sử dụng xe công.

“Khâm Định Đại Nam hội điển sự lệ” do Nội các triều Nguyễn biên soạn có ghi chép rằng, sau khi thống nhất đất nước, vua Gia Long thành lập Ty bưu chính (trực thuộc bộ binh) tổ chức mạng lưới dịch trạm trong toàn quốc phục vụ giao thông và liên lạc. Tùy theo địa hình, mỗi dịch trạm cách nhau từ trên dưới 20 dặm đến 36 dặm và biên chế từ 30 đến 100 phu trạm.

Từ kinh đô Huế vào nam (đến Hà Tiên và trấn Tây Thành) cũng như ra bắc, các dịch trạm trải dài trên đường thiên lý. Qua miền Trung truông dài phá rộng, núi đèo trắc trở, các trạm cách nhau 15 dặm. Các tỉnh miền núi phía bắc, địa hình hiểm trở thì khoảng cách các trạm có gần hơn. Riêng tỉnh Lạng Sơn có đến 9 trạm. Các tỉnh đồng bằng miền bắc và miền nam do địa hình thuận lợi, các dịch trạm được thu hẹp. Chẳng hạn tỉnh Hưng Yên chỉ có 1 trạm; các tỉnh Nam Định, Vĩnh Long, Hà Tiên chỉ có hai trạm. Ngoài cờ hiệu, nghị trượng, mỗi trạm được cấp 2 con ngựa, riêng vùng sông nước thì có thuyền. Cả trấn Gia Định (thống hạt Nam kỳ lục tỉnh) cũng chỉ có 30 chiếc thuyền phục vụ các dịch trạm thủy.

Ông cha ta quy định chặt chẽ thời hạn đi đường (cả đi công tác hoặc vận chuyển công văn thư tín) từ kinh đô ra Hà Nội, luật quy định đưa bằng ngựa phi (mã thượng phi đệ) là 2 ngày 9 giờ, lệ tối khẩn là 4 ngày 6 giờ, lệ khẩn vừa là 5 ngày 3 giờ, lệ đi thường là 6 ngày 7 giờ. Từ kinh đô đến Gia Định, đưa công văn bằng ngựa phi là 6 ngày, tối khẩn là 9 ngày, khẩn vừa là 10 ngày 6 giờ, đi thường là 13 ngày 1 giờ. Bất cứ ai đến chậm một ngày thì bị phạt 20 roi, trừ trường hợp bất khả kháng do sức khỏe hoặc thiên tai địch họa không thể đi được thì phải có giấy cam kết xác nhận của quan sở tại mới được miễn tội. Năm 1841 (Thiệu Trị thứ 2), vua Thiệu Trị thưởng thị vệ Nguyễn  Đình Hỉ 4 quan tiền về thành tích đi đường đúng hạn, đồng thời phạt thị vệ Đỗ Văn Hứa 70 trượng (cả hai lần đi về chậm 3 ngày 6 giờ), phạt thị vệ Lê Trọng Ngoạn 60 trượng (chậm 2 ngày 9 giờ).

Để thực hiện tốt cả hai nhiệm vụ giao thông và liên lạc, các dịch trạm dựa vào sức người (phu trạm), sức ngựa (ngựa trạm) hoặc sức thuyền (thuyền trạm). Công việc nặng nhọc như vậy nhưng mỗi dịch trạm chỉ có hai con ngựa. Bởi vậy, số ngựa ốm yếu hoặc lao động quá sức lăn đùng ra chết không phải là ít. Việc thanh lý ngựa ốm, ngựa chết (giống như ngày nay thanh lý xe ôtô) được triều đình quy định rất chặt chẽ. Năm Minh Mạng 17 (1837), nhà vua chuẩn y lời nghị: “Từ nay, chiếu xem trong số ngựa công cấp, con nào thực là già ốm, kém yếu, thì cho phép trình quan sở tại xát thực, rồi hóa giá bán đi, đổi mua con khác cho đủ số. Nếu không đủ tiền thì mới cấp thêm”.

Năm Tự Đức thứ nhất (1847), nhà vua chuẩn y lời nghị: “Trạm sông Tiên An tỉnh Hà Tiên, phàm có việc gì đưa trạm, đều do thuyền đi đường sông, rất là nhanh chóng. Bởi vậy, hai con ngựa được cấp trước đó, hóa giá bán đi, lấy tiền nộp kho”. Nhà vua còn hạ lệnh điều chuyển những con ngựa thừa ở các dịch trạm ở tỉnh Quảng Bình phân phối cho các trạm còn thiếu.

Về chế độ công tác, năm Minh Mạng thứ năm (1825), nhà vua ban chỉ: chức hàm Thượng thư (Bộ trưởng ngày nay) đi các địa phương làm việc công, cử 6 phu trạm phục dịch; cấp hàm tham tri (Thứ trưởng ngày nay) cấp 6 phu trạm phục dịch. Các quan địa phương về kinh nhậm chức hoặc đi công tác được cử từ hai phu võng đến hai phu đài phục dịch tùy theo chức vụ.

Chỉ những vị quan có phẩm hàm từ tứ phẩm trở lên mới được hưởng chế độ các dịch trạm khi về quê báo hiếu thăm nuôi cha mẹ, cư tang hoặc hưu trí, hưu dưỡng.

Triều Nguyễn chỉ giành đặc ân hưởng chế độ dịch trạm cho các tiến sĩ vinh quy về quê, các nhân viên được phái công tác các trường thi.

Triều đình quy định các biện pháp chế tài nghiêm ngặt: “Nếu Tổng đốc, Tuần phủ, Bố chính, Án sát các tỉnh cử người đi việc riêng mà tùy tiện cấp cho giấy tờ sử dụng dịch trạm, một khi bị tố giác sẽ bị nghiêm trị”.

Báo chí nói nhiều về nhà vua và hoàng hậu Na Uy đi công tác quốc tế bằng máy bay dân dụng, cả Tòa thị chính Seoul (Hàn Quốc) chỉ có hai ôtô con loại bình thường… và coi đó là những tấm gương mẫu mực.

Sự mẫu mực ấy cũng chưa thể sánh bằng những quy định xe công của ông cha ta. Giá mà “hành lang pháp lý” về chế độ công tác của triều Nguyễn được vận dụng và được thực thi trong công cuộc đổi mới hôm nay thì sẽ tiết kiệm cho ngân sách hàng năm cả triệu con ngựa.

BA ĐÀ RẰNG

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek