Thứ Bảy, 05/10/2024 06:21 SA
Nhiều bò, bê chết do thiếu thức ăn ở Sông Hinh:
Do người dân không dự trữ thức ăn cho bò
Thứ Ba, 08/03/2011 11:00 SA

Hơn một tháng qua, trên địa bàn huyện Sông Hinh xảy ra tình trạng bò bị bệnh rối loạn trao đổi chất và chết.

 

Bo-chet110308.jpg

Một người dân ở huyện Sông Hinh vận chuyển bê chết trên đường. – Ảnh: A.NGỌC

 

Theo Trạm Thú y huyện Sông Hinh, tình trạng bò bị sưng hầu, xuất hiện những “bọc” nước ở chân hay yết hầu… đó là dấu hiệu của bệnh rối loạn trao đổi chất. Nguyên nhân chính là do bò bị thiếu ăn, suy nhược cơ thể, suy kiệt sức đề kháng. Tổng số bò bị chết trong đợt này trên toàn huyện chưa có con số thống kê cụ thể. Tuy nhiên, số bò chết đa phần là bê con, tập trung ở các địa phương vùng đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống như buôn Lê Diêm (thị trấn Hai Riêng); buôn Bầu, buôn Ly (xã Ea Trol); buôn Ken (xã Ea Bá)…

 

Ông Ma Nhang, trưởng buôn Bầu (xã Ea Trol), cho hay: “Từ sau Tết Nguyên đán đến nay, trong buôn có 38 con bê bị chết. Các hộ có bò chết 4-5 con như hộ Ma Dét, Ma Bố… còn lại hầu như hộ nào nuôi bò trong buôn cũng có 1-2 con bê bị chết”. Ông Nguyễn Khắc Sự, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Sông Hinh, cho biết: “Hiện số gia súc chết do thiếu thức ăn trên địa bàn chưa thể thống kê được, bởi hầu như gia đình nào khi có bò chết cũng tìm cách bán tháo đi để “gỡ” lại ít vốn hoặc xẻ thịt chia cho bà con trong buôn mình mà không báo cáo cho cơ quan chức năng nên rất khó kiểm soát”.

 

Hiện nay, Sông Hinh là một trong những địa phương có đàn gia súc nhiều nhất tỉnh, khoảng 29.200 con. Trong khi đó, toàn huyện chỉ còn khoảng 600ha đất trống, đồi núi trọc có cỏ tranh và một số loại cỏ khác bò có thể ăn được. Nhưng số diện tích này chủ yếu là các cánh rừng thưa, rừng nghèo ở xa buôn làng của bà con, số ít nằm rải rác, xen lẫn với các rẫy nông sản của dân nên để bò đến được nơi có cỏ ăn cũng không dễ.

Theo Phòng NN-PTNT huyện Sông Hinh, nguyên nhân bò bị chết nhiều như vậy là vì sau tết, thời tiết thay đổi thất thường làm cho sức đề kháng của gia súc bị suy giảm. Dịch lở mồm long móng tái phát trên đàn bò của địa phương khiến nhiều bò mẹ bị mất sữa, bò con thiếu sữa mẹ nên suy nhược. Hơn nữa, trong mấy năm trở lại đây, giá nông sản tăng cao, người trồng thu lợi nhuận lớn từ các rẫy sắn, mía nên nông dân rủ nhau trồng kín các loại cây này trên nương rẫy, cánh đồng. Trong khi đó, thói quen của đồng bào dân tộc thiểu số là chăn thả gia súc ngoài đồng. Nếu cỏ nhiều thì trâu, bò no, cỏ ít thì đói chứ bà con không có thói quen trồng cỏ và chuẩn bị thức ăn sẵn trong nhà cho gia súc.

 

Hiện nay, vấn đề đang làm “đau đầu” nhiều ngành chuyên môn là đại bộ phận bà con chăn nuôi bò của địa phương chưa hề nghĩ đến kế hoạch trồng cỏ hay chế biến, dự trữ thức ăn. Mới đây, Phòng NN-PTNT huyện Sông Hinh đã triển khai một số chương trình trồng cỏ và tổ chức nhiều buổi học để hướng dẫn cho bà con cách dự trữ rơm rạ sau mỗi mùa vụ hay ủ lá sắn, mía, cây bắp để duy trì nguồn thức ăn lâu dài cho gia súc. Tuy nhiên, sau khi tập huấn, bà con không quan tâm lắm và không mấy hộ thực hiện. Hơn nữa, từ trước tới nay, các cấp, ngành trong tỉnh cũng chưa hoạch định cụ thể những đồng cỏ tự nhiên cần giữ để phát triển chăn nuôi đại gia súc… Những nguyên nhân trên cho thấy ở huyện miền núi Sông Hinh và những địa phương khác trong tỉnh, việc khống chế, phòng chống tình trạng bò bị chết vì đói không thể khắc phục được trong một thời gian ngắn mà cần phải vừa tuyên truyền vừa thực hành cụ thể để bà con hiểu, đồng thời huy động nhiều lực lượng cùng chung tay. Địa phương phải quy hoạch những vùng đồng cỏ chăn thả cho từng thôn, buôn và đặc biệt phải hướng đến một nền chăn nuôi hiện đại hơn, có sự đầu tư chuyên sâu về chất lượng.

 

Để giải quyết vấn đề này, những người có trách nhiệm cho rằng nhất thiết phải giảm đàn và tăng chất lượng. Ông Nguyễn Khắc Sự, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Sông Hinh, nói: “Trước tình hình khó khăn hiện nay, địa phương đang nỗ lực vận động người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số tăng cường các biện pháp chăm sóc trong chăn nuôi. Đẩy mạnh việc thay đổi tập quán chăn nuôi gia súc thả rông, tránh phụ thuộc vào đồng cỏ tự nhiên như lâu nay; phát triển mạnh diện tích trồng cỏ, quy hoạch cụ thể những đồng cỏ tự nhiên dành cho chăn nuôi”.

 

TUYẾT HƯƠNG - NGỌC NHƯ

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek