Chạy xe máy dọc theo đường bê tông hoá trong thôn Sơn Thọ (xã Hoà Kiến, TP Tuy Hoà) tôi bắt gặp màu xanh mướt mắt của khổ qua, bí, bầu, dưa leo, đu đủ... trái sai trĩu quả... đó là thành quả lao động của một cựu binh. Ông Minh cười rạng rỡ: “Thời gian tới, tôi sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình này cho bà con”.
Chỉ cần đến đầu thôn Sơn Thọ, hỏi ông Đoàn Thanh Minh, cựu chiến binh thì ai cũng biết. 12 tuổi làm du kích mật ở thôn Xuân Hoà, xã Hoà Kiến. 14 tuổi thoát ly, sau đó tham gia vào Tiểu đoàn 96 bộ binh của tỉnh. Năm 1972, học ở Trường Đặc công biệt động thành Quân khu 5. Tháng 7-1974 là chiến sĩ Đại đội trinh sát 21 của tỉnh. Đến tháng 11-1974 vào Đại đội Quyết Thắng, huyện Tuy Hoà. Năm 1976, ông xin phục viên sớm để có điều kiện chăm sóc bố mẹ già yếu. Về quê, ông cưới vợ và bắt tay vào xây dựng cuộc sống. Lúc ấy, tài sản duy nhất còn lại của gia đình là đôi bò; nhà cửa, vườn tược thì tan hoang, xơ xác, nhìn phía trước phía sau cây dại mọc ngút đầu. Đó là giai đoạn khó khăn nhất. Hai vợ chồng phải cày xới, khai phá đất hoang để kiếm tìm cái ăn. Nhờ chịu khó, chịu khổ, vợ chồng ông tích luỹ dần dần. Năm 1977, ông Minh thay căn nhà tranh dột nát bằng ngôi nhà xây, đánh dấu việc gia đình vượt qua giai đoạn khó khăn nhất.
Niềm vui của cha con ông Minh bên những trái khổ qua - Ảnh: NGỌC DUNG
Ông Minh bảo: Ngay từ nhỏ, mình đã trải qua nhiều khó khăn, gian khổ trong chiến tranh, kể cả cái chết cũng không làm mình lùi bước, vậy thì tại sao trong thời bình mình phải chịu bó tay trước nghèo đói? Chính suy nghĩ này đã giúp gia đình ông thoát ra khỏi cảnh đói nghèo. Bí quyết làm ăn của ông Minh: Cần cù, chịu khó chưa đủ, mà phải tiếp cận, áp dụng những kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi tiên tiến vào trong sản xuất.
Năm 2002, khi cây bông vải được đưa về đất Hoà Kiến, không ít người e ngại. Ông Minh là một trong những người đầu tiên quyết định trồng thử nghiệm, bởi ông nghĩ, mình không thể suốt đời dựa dẫm vào cây lúa. Trồng cây lúa cực nhọc quanh năm, nhưng thu hoạch nhiều khi không đủ trả tiền phân, giống. Tiếp theo bông vải, các cây hoa màu khác như: dưa leo, khổ qua, bí, bầu… được ông trồng thử nghiệm theo phương pháp phủ bạt và thả giàn thành công. Mỗi năm từ 8 sào bông vải, 2 sào dưa leo, 6 sào ruộng và trên nửa hec ta khổ qua, bí, bắp lai, vợ chồng ông thu nhập trên 60 triệu đồng. Ngồi bên nghe ông mải mê nói về chuyện làm kinh tế, chuyện áp dụng những kỹ thuật mới vào trồng trọt và những dự định trong tương lai, tôi nghĩ những khó khăn rồi cũng sẽ lùi bước trước ý chí “thép” của người cựu chiến binh 50 tuổi này.
Không chỉ lo làm kinh tế cho riêng mình, ông Minh luôn quan tâm đến người dân trong thôn. Ông tâm sự, ở đây vẫn còn nhiều bà con khó khăn. Một phần do người ta không có vốn để đầu tư mở rộng sản xuất, phần vì họ vẫn chưa biết cách áp dụng những phương pháp kỹ thuật mới, nên hiệu quả kinh tế không cao. Vì thế, anh em trong thôn vẫn thường ngồi lại để trao đổi kinh nghiệm đầu tư như thế nào có hiệu quả. Những gia đình khó khăn trong thôn luôn được ông quan tâm giúp đỡ, tạo điều kiện để họ vay vốn làm ăn phát triển kinh tế gia đình.
Chiến tranh đọng lại trong ông là những bữa rau rừng lạt muối thay cơm, là đôi dép mo cau, chiếc mũ tự chế, là những lần ở ranh giới mong manh của sự sống và cái chết, là sự hy sinh của đồng đội hiện về cả trong những giấc ngủ… Vì thế, ông tâm niệm phải trân trọng cuộc sống này. Bây giờ kinh tế gia đình ông cũng đã ổn, con cái trưởng thành, hai người con lớn đã ra riêng, ba đứa nhỏ đều ngoan và nghe lời cha mẹ. Ông bảo: “Tôi có duyên với đất này lắm. Đất cho mình mùa màng, song con người ở đây ủng hộ thì mới làm nên chuyện”. Cách trả ơn, theo ông là giúp bà con có việc làm và biết cách làm ăn. Vừa là Bí thư chi bộ, vừa là trưởng thôn, đồng thời là đại biểu Hội đồng nhân dân xã từ khoá 1 đến khoá 7, ông tự thấy mình cần phải có trách nhiệm nhiều hơn nữa để giúp cho bà con có cuộc sống no đủ hơn.
THUỶ VĂN