Thứ Tư, 09/10/2024 13:20 CH
Đề phòng ngộ độc thực phẩm sau lũ lụt
Thứ Hai, 29/11/2010 10:30 SA

Trong những đợt mưa lũ, nhiệt độ môi trường ẩm ướt là điều kiện thuận lợi cho các vi sinh vật xâm nhập vào thực phẩm gây bệnh và phát triển. Vì vậy, cần chú ý đề phòng ngộ độc thực phẩm do vi sinh vật.

 

rau101129.jpg

Người tiêu dùng cần chọn thực phẩm tươi, an toàn. – Ảnh: N.LÊ

 

Các vi sinh vật gây ngộ độc thực phẩm thường gặp là các vi khuẩn, ký sinh trùng như: phẩy khuẩn tả, lỵ, nấm mốc, nấm men, các loại sán, vi rút… Các vi sinh vật này có mặt khắp nơi trong đất, nước, không khí, quần áo, đồ dùng, phân người, phân động vật, ở trong họng, mũi, vết thương, tay của người bệnh.

 

Khi nhiễm thực phẩm, vi sinh vật gây hư hỏng làm thực phẩm bị đổi màu, đổi vị, có mùi. Tuy nhiên, cũng có một số loại gây nhiễm thực phẩm nhưng không làm thay đổi màu, mùi, vị hay hình dạng bên ngoài của thực phẩm. Vì vậy, rất khó nhận biết bằng cảm quan. 

 

Ngộ độc thực phẩm có thể xảy ra ở mọi lúc, mọi nơi. Chúng có thể gây ngộ độc hàng loạt, nhất là ở các bếp ăn tập thể, các khu lễ hội, đám cưới, đám giỗ, các quán phục vụ học sinh đi thi hay khách đi đường. Các biện pháp đề phòng ngộ độc thực phẩm phải được áp dụng từ khâu sản xuất, nuôi trồng, đến chế biến, bảo quản và sử dụng, thực phẩm phải được an toàn từ trang trại đến bàn ăn. 

 

Với người sản xuất, phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của Nhà nước. Việc sử dụng hóa chất, kháng sinh trong chăn nuôi, trồng trọt phải đúng loại, liều lượng, đúng lúc và đúng cách, không sử dụng phân tươi bón ruộng, nuôi cá. Giết mổ gia súc, gia cầm phải qua kiểm soát của thú y, không buôn bán thịt bị bệnh. Phải mang khẩu trang, áo quần gọn gàng sạch sẽ, rửa tay bằng xà phòng sau khi vệ sinh hay tiếp xúc với vật bẩn và trước khi chế biến thức ăn. Cơ sở thực phẩm phải đảm bảo luôn sạch và khô ráo. Thiết bị, dụng cụ chế biến thường xuyên vệ sinh sạch sẽ, không để ruồi, kiến, gián, chuột, bụi tiếp xúc.

 

Thực phẩm sau khi chế biến phải được dùng ngay trong vòng 2 giờ. Bảo quản thực phẩm nóng ở nhiệt độ trên 60 độ C, lạnh dưới 5 độ C, sau 2 giờ, muốn phục vụ khách hay ăn thì phải đun kỹ lại, không để thực phẩm đã chế biến quá 4 giờ mới phục vụ.

 

Người tiêu dùng cần chọn thực phẩm tươi, an toàn, ở những địa chỉ đáng tin cậy, có nguồn gốc rõ ràng. Kiên quyết không mua các thực phẩm khi phát hiện có dấu hiệu hư hỏng, thịt gia súc, gia cầm bị chết, không rõ nguồn gốc. Không vào các quán ăn gần cống rãnh, ao tù nước đọng, bãi rác hay các nguồn ô nhiễm khác. Không ăn ở những quán ăn quá ẩm thấp, nhiều bụi, ruồi, bẩn thỉu. Không ăn ở những nơi người bán hàng dùng tay bốc thực phẩm, thường hắt hơi, xổ mũi, ngoáy mũi... Nên vào các quán đảm bảo vệ sinh, chọn các món ăn còn mới nóng, không ăn các thức ăn cũ hay nguội, sống hoặc tái.

 

Thực hiện tốt những điều trên chúng ta sẽ tránh được ngộ độc thực phẩm.

 

BS BÍCH THỦY

Trung tâm Y tế dự phòng TP Tuy Hòa

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek