Ba học sinh ở thôn Suối Cối 1, xã Xuân Quang 1 (huyện Đồng Xuân) tắm sông chết đuối, nhà ở kề nhau. Trong đó, em Lê Thị Cẩm Hân là con duy nhất, em Bùi Thị Tâm Hảo vừa mãn tang cha, còn đeo tang ông nội.
Bà nội em Hảo đau đớn vật vã - Ảnh: M.H.NAM |
NGÀY ĐỊNH MỆNH
Suốt đêm ngồi cạnh đống lửa trên bãi cát bến Đồng Hiệu chờ đợi thợ lặn tìm vớt xác con, khuôn mặt chị Phạm Thị Xinh, 34 tuổi- mẹ cháu Hảo bơ phờ. Chị không còn đủ sức để đứng, thỉnh thoảng lại khóc nấc, nghẹn ngào kể: Chiều ngày 14/10, nó hỏi xin phép mẹ đi ra xóm Đồng Hiệu chơi, ở đó gần sông nên nó vừa ra khỏi cửa tôi dặn với theo: Không được ra sông tắm nghen con. Nó dạ: con không tắm đâu mẹ à. Vậy mà?!!
Nhà chị Xinh thuộc hộ nghèo. Ba cháu Hảo hàng ngày đi làm thuê, tranh thủ trưa, tối ra sông đánh bắt cá kiếm thêm thu nhập cho gia đình. Cách đây 3 năm trong một đêm ra sông Kỳ Lộ đánh cá, ba cháu đã bỏ mạng dưới khúc sông này. Một năm sau, ông nội của Hảo lâm bệnh qua đời. Trong căn nhà nhỏ có đến 2 bàn thờ đặt cạnh nhau. Cách đây hai tháng, chị Xinh vừa làm tuần mãn tang chồng, di ảnh của chồng vừa lấy xuống treo phía sau vách hậu, giờ đây chị phải kê lại chiếc bàn đặt di ảnh Hảo cạnh ông nội. Nỗi đau chồng lên nỗi đau, chị Xinh chốc chốc lại ngất lịm.
Buổi tối, xác em Nguyễn Thanh Tuyền được vớt lên đưa về nhà thì cạnh đó người thân của em Hân vẫn nóng ruột chờ tin. Không gian xóm Đồng Xe, nơi có 3 học sinh tắm sông chết ngập tràn đau thương, tang tóc. Chị Phạm Thị Thúy, mẹ của cháu Lê Thị Cẩm Hân nói: “Từ nhỏ đến giờ nó chưa một lần ra sông, mới đi lần đầu … rồi đi luôn”. Nỗi đau xé lòng của gia đình chị dường như nhân lên gấp bội vì vợ chồng chị chỉ có duy nhất đứa con học giỏi, ngoan hiền này.
Bà Trần Thị Gieo (76 tuổi), bà nội của Hân lả đi trong vòng tay người nhà. Trong khi chờ tìm kiếm xác Hân, bà cứ đòi ra bến Đồng Hiệu tìm cháu nhưng được mọi người ngăn lại. Bà đau đớn quằn quại: “76 tuổi chưa đi sao con mới lên 10 mà vội lìa đời con ơi!”.
Hàng trăm người dân xóm Đồng Xe ngóng chờ tin tìm thi thể em Hân - Ảnh: M.H.NAM |
CẢ 3 NẰM TRONG ĐỘI TUYỂN HỌC SINH GIỎI
Thầy Lê Văn Liêm, Phó Hiệu trưởng Trường tiểu học Xuân Quang 1 cho biết: “Cả ba em được nhà trường chọn vào đội tuyển học sinh giỏi, đang ôn tập để chuẩn bị đi thi học sinh giỏi cấp huyện”.
Chúng tôi đến nhà em Tuyền, một bên vách phòng khách giấy khen dán gần kín. Chị Lê Thị Minh Huyền (mẹ cháu Tuyền) không nói được lời nào, nghẹn ngào nhìn lên những tờ giấy khen dán ở phòng khách mà nước mắt cứ tuôn trào. Ở nhà bên, bà nội Hân cứ nhìn vào di ảnh cháu treo gần cửa sổ, nghẹn ngào: “Cha mẹ nó…hang ngày đi làm xa, chỉ có hai bà cháu… hủ hỉ. Nó đi nhận giấy khen về ghé tai tôi khoe: Hôm nay con nhận giấy khen học sinh giỏi nghen nội”. Bà nặng tai nghe tiếng được, tiếng mất nhưng nhìn khuôn mặt cháu vui bà hiểu, vui lây.
Đợt lũ cuối tháng 11/2009, nhà chị Thúy, anh Hoàng (cha mẹ của cháu Hân) bị lũ cuốn trôi. Hai vợ chồng phải dọn về sống chung với mẹ già. Vợ chồng bàn nhau đi làm ăn xa để Hân ở nhà với bà nội. Sau một thời gian cật lực làm thuê, dành dụm tích cóp ít có vốn liếng, gia đình vừa thoát nghèo thì tai họa ập đến. 17g chiều ngỳ 25/10, xác em Hân được tìm thấy và đưa về nhà. Những tiếng khóc lại bật lên nức nở trong căn nhà nhỏ.
Còn em Hảo là học sinh giỏi trong một gia đình nghèo. Mẹ Hảo một mình nuôi 3 đứa con. Để có tiền nuôi con ăn học, chị thường đi làm thuê, buổi trưa ở luôn ngoài đồng. Hảo là con thứ hai, vừa trông em vừa giúp mẹ lo công việc nội trợ gia đình. “Cha mất, mẹ đi suốt ngày không ai kèm cặp vậy mà giấy khen học sinh giỏi dán đỏ nhà”, anh Nguyễn Thành Tâm ở thôn Suối Cối 2 nhìn di ảnh Hảo xúc động bày tỏ.
Chiều nắng nhạt, không gian xóm núi Đồng Xe heo hút vốn buồn giờ càng thê lương.
MẠNH HOÀI NAM