Thứ Tư, 02/10/2024 02:32 SA
Cha mẹ sử dụng con cái để thu lợi bất chính – cần ngăn chặn kịp thời
Chủ Nhật, 20/11/2005 10:49 SA

Chương trình giải quyết vấn đề trẻ em lang thang, đưa trẻ em lang thang hồi gia, tái hòa nhập cộng đồng của Ủy ban Dân số – Gia đình – Trẻ em Phú Yên thời gian qua đã đạt nhiều kết quả đáng khích lệ. Ở thành thị hiện nay, tỷ lệ trẻ em lang thang kiếm sống đã giảm rất nhiều so với trước. Song vẫn có nhiều đứa trẻ sinh ra trong các gia đình có hoàn cảnh khó khăn đặc biệt, hàng ngày phải rong ruổi trên các nẻo đường mưu sinh. Chúng bị bóc lột sức lao động, trở thành “cần câu cơm” của chính những bậc sinh thành. Ở nông thôn, điều kiện kinh tế khó khăn gấp bội, miếng cơm manh áo để sống qua ngày phải đánh đổi bằng sức lao động của các em.

 

Ký cam kết không tái lang thang - T. Thủy

Tôi thầm khen bà Trần Thị L. (An Thọ, Tuy An) một phụ nữ nghèo ở nông thôn biết động viên con học hành. Bà có con là Trần Thị Giã được nhận học bổng trẻ em nghèo hiếu học do Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh Phú Yên trao tặng. Song tôi cảm thấy chua xót khi nghe bà kể rằng chi phí trong sinh hoạt gia đình có phần đóng góp không nhỏ của cậu con trai tật nguyền Trần Ngọc Sanh. Em đi bán vé số ở TP Hồ Chí Minh, hàng tháng gởi tiền về cho gia đình. Nơi đất khách quê người, với tấm thân tàn tật, Sanh tự hiểu mình phải bươn chải như thế nào để kiếm sống. Từ sáng sớm đến đêm khuya, em cùng với chiếc xe lăn đi khắp hang cùng ngõ xóm, năn nỉ người ta mua vé số giúp. Khi được hỏi “Lỡ Sanh bệnh đau hay có ai lừa đảo cướp công thì sao?”, bà thổ lộ: “Bệnh đau thì có đại lý lo. Nếu cứ tính đến chuyện rủi ro mà ở nhà thì cuộc sống càng ngặt nghèo thêm. Người tàn tật cũng phải biết kiếm tiền chứ?”.

 

Ở TP Tuy Hòa hiện nay, nhu cầu tìm người giúp việc là trẻ em đang trở nên phổ biến. Bởi với trẻ em, gia chủ trả công rẻ mạt, trung bình từ 150.000 – 200.000đồng/tháng (giá thuê người giúp việc lớn tuổi thường gấp đôi), lại dễ dàng bắt nạt, sai khiến. Phần lớn các em nhỏ giúp việc đến từ nông thôn, có hoàn cảnh gia đình thiếu thốn. Bên cạnh đó, nhiều em gia đình chưa đến nỗi khó khăn nhưng cha mẹ các em cho rằng làm việc nhà thì chẳng có gì nặng nhọc, được nuôi ăn nên họ không bỏ lỡ cơ hội kiếm tiền bằng sức lao động của con mình. Đã có nhiều câu chuyện thương cảm về thân phận những em gái làm ôsin. Em Lê Ngọc Bé (Hòa Thắng – Phú Hòa) kể: “Em đã giúp việc cho bốn nhà rồi. Họ bắt em làm việc nặng, có khi em còn bị đánh đập, chửi mắng bị nghi lấy trộm rồi trừ tiền công, phải đền tiền nếu làm hư các đồ vật rồi bị đuổi khỏi nhà. Chỉ có một vài bạn may mắn gặp người tốt bụng, yêu thương như con  cháu trong nhà…”.

 

Mới đây, UBND tỉnh Phú Yên đã xây dựng kế hoạch về ngăn chặn và trợ giúp trẻ em lang thang kiếm sống, trẻ em bị xâm hại tình dục và trẻ em phải lao động nặng nhọc trong điều kiện độc hại, nguy hiểm giai đoạn 2005-2010. Mục tiêu chính là gia đình, xã hội vận động đưa 90% trẻ em lang thang hồi gia; trợ giúp học nghề, tạo việc làm, vận động 50% trẻ em trở lại trường. Gia đình, nhà trường và xã hội cùng giáo dục để trẻ em không lang thang và tái lang thang.

Nhiều gia đình coi việc cho con đi làm ra tiền là niềm tự hào, “nó nhỏ vậy nhưng đã biết làm ra tiền rồi đó”. Họ nghĩ, nếu ngành Dân số – Gia đình – Trẻ em và địa phương ngăn chặn việc trẻ vào TP Hồ Chí Minh bán vé số thì họ cho con mình đi bán ở Nha Trang. Trường hợp của hai em Phạm Xuân Hạnh, Phạm Thị Đông Tú (Hòa Bình 1 – Tây Hòa) là những ví dụ. Các em này không nằm trong danh sách kêu gọi hồi gia.

 

Lâu nay, tình trạng lạm dụng lao động trẻ em, bóc lột sức lao động trẻ em đã được dư luận quan tâm. Song tiếp diễn và có phần phổ biến, chính những người sinh thành ra các em tự cho mình cái quyền bắt con trẻ làm việc kiếm tiền. Còn những đối tượng sử dụng lao động trẻ em quan niệm: Bỏ tiền ra thuê người lao động thì phải tận dụng hết công suất làm việc. Việc xử lý các trường hợp lạm dụng lao động trẻ em hiện nay còn gặp nhiều khó khăn và thiếu những căn cứ, bằng chứng cụ thể… Vấn đề đặt ra là toàn xã hội nói chung, các bậc cha mẹ nói riêng cần nhận thức sâu sắc về quyền trẻ em, cùng phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp lạm dụng, bóc lột sức lao động trẻ em.

 

THÙY LIÊN

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek