Thứ Sáu, 29/11/2024 05:31 SA
Ea Ly ngày mới
Thứ Tư, 15/09/2010 18:00 CH

Ea Ly hôm nay tràn màu xanh tươi của cây cối, đến đâu cũng có thể thấy một cuộc sống mới đang phát triển ở vùng đất này.

 

caosu100915.jpg

Thu hoạch mủ cao su tại xã Ea Ly (huyện Sông Hinh) - Ảnh: N.CƯỜNG

 

Cảm giác đầu tiên của tôi khi về xã Ea Ly (huyện Sông Hinh) là ngạc nhiên trước sự thay đổi mau chóng của vùng đất này. Dọc tuyến ĐT 645 qua xã, san sát những cửa hàng kinh doanh, ăn uống. Nhiều ngôi nhà mới hai, ba tầng được xây dựng làm thay đổi hẳn diện mạo trung tâm hành chính của xã. Thôn Tân Yên ngày nào còn thưa thớt dân cư thì giờ đây sầm uất như một thị tứ với đầy đủ kết cấu hạ tầng: điện, đường, trường, trạm, bến xe và đặc biệt là chợ đầu mối nông sản tấp nập kẻ bán, người mua.

 

ĐẤT LÀNH CHIM ĐẬU

 

Đến các thôn Tân Lập, Tân Sơn, Tân Bình, trên những khu đồi bát úp là màu xanh ngút mắt của cà phê, cao su xen lẫn với những ngôi nhà mái ngói đỏ tươi tạo nên bức tranh trù phú của một vùng quê núi. Những cánh đồng lúa nước Tân Lập, Tân Sơn đang trổ, sóng lúa nhấp nhô trong làn gió nhẹ. Ngược lên buôn Zô, thôn 2 Tháng 4, lại bắt gặp bạt ngàn bắp, mía tốt tươi. Tất cả như nói lên cuộc sống sung túc, no đủ của người dân Ea Ly. 

 

Ea Ly được thiên nhiên ban tặng nhiều lợi thế là đất đai phì nhiêu, khí hậu ôn hòa. Có lẽ vì thế mà vùng đất này đã quy tụ nhiều dân tộc anh em trong cả nước về sinh sống, lập nghiệp. Nếu như trên địa bàn huyện Sông Hinh có 17 dân tộc, thì riêng xã Ea Ly đã có đến 12 dân tộc anh em chung sống. Sự phong phú, đa dạng về các dân tộc đã tạo cho Ea Ly một nét riêng và cũng là một lợi thế trong phát triển kinh tế - xã hội. Đầu tiên là sự di cư của các cư dân vùng đồng bằng, sau đó là những cư dân từ miền Bắc vào đã tạo nên một Ea Ly sôi động và khác lạ với nhiều phong tục tập quán và những phương thức canh tác khác nhau. Sự giao thoa, học hỏi lẫn nhau giữa các dân tộc đã giúp Ea Ly mau chóng vươn lên trong phát triển kinh tế. Mặt khác, đồng bào các dân tộc ở Ea Ly luôn đoàn kết, cùng Đảng bộ, chính quyền xã phát triển kinh tế, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. 

 

KHÔNG NGỪNG PHÁT TRIỂN

 

Theo con đường “sinh thái” (cách gọi của người dân về những con đường hai bên là rừng cao su tỏa bóng mát rượi) từ Tân Sơn sang Tân Bình, tôi gặp vợ chồng anh Nguyễn Sửu và khoảng 10 nhân công đang thu hoạch mủ cao su. Vừa trút mủ cao su vào thùng, anh Sửu vừa vui vẻ trò chuyện: “Gia đình tôi trồng được 10ha cao su, hiện đã có 1.000 cây (tương đương với 2ha) đang cho thu hoạch. Theo quy trình hai ngày cạo một lần thì một tháng gia đình tôi thu được 17 triệu đồng từ diện tích 2ha nói trên”. Anh cũng cho biết thêm, hiện trên địa bàn xã Ea Ly có gần 100 hộ có thu nhập khá từ cây cao su.

 

Với việc triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển kinh tế, tỉ lệ hộ nghèo của Ea Ly giảm từ 46% (năm 2005) xuống còn 21% vào cuối năm 2009. Tổng sản lượng lương thực quy đổi 4.309 tấn, đạt 144% nghị quyết giao, bình quân lương thực đầu người 810kg/người/năm.

Với sự ưu đãi của điều kiện tự nhiên, đất đai rộng lớn, phì nhiêu, khí hậu ôn hòa, Đảng ủy xã Ea Ly xác định sản xuất nông nghiệp là mũi nhọn trong việc phát triển kinh tế. Để tạo bước đột phá, phát huy tối đa tiềm năng đất đai, việc chuyển đổi cây trồng có giá trị kinh tế cao được đầu tư mở rộng phù hợp với từng chất đất, tạo nên những vùng chuyên canh cây công nghiệp dài ngày như cà phê, cao su ở Tân Bình, Tân Yên, vùng nguyên liệu mía tại thôn 2 Tháng 4, buôn Zô, vùng chuyên canh cây lúa nước 2 vụ tại Tân Lập... Bí thư Đảng ủy đồng thời là Chủ tịch UBND xã Ea Ly Đinh Ngọc Dạn cho biết: Việc xây dựng vùng chuyên canh cây trồng đã tạo điều kiện để người dân trao đổi, học hỏi kinh nghiệm dễ dàng hơn. Đến năm 2010, xã Ea Ly có 2.740ha đất sản xuất, tăng gấp đôi so với năm 2005, trong đó diện tích mía chiếm hơn 600ha, năng suất tăng từ 30 tấn/ha năm 2005 lên 60 tấn/ha vào năm 2009; cây lúa nước 2 vụ 88ha, năng suất tăng từ 3 tấn/ha (2005) lên 6,5 tấn/ha (2009); ngoài ra còn có 278ha cao su, 451ha bắp lai, 181ha cà phê, 492ha sắn. Với lợi thế của vùng rừng núi có nhiều bãi chăn thả, xã đã duy trì đàn bò hơn 2.200 con và rất chú trọng đến công tác lai tạo, nâng cao chất lượng loại gia súc này. Nhờ đó, tỉ lệ bò lai của xã đã tăng từ 20% năm 2005 lên hơn 50% năm 2009.

 

Cùng với nông nghiệp, ngành công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp - dịch vụ của Ea Ly đã phát triển đáng kể. Hiện trên địa bàn xã có 11 doanh nghiệp tư nhân hoạt động hiệu quả, nhiều người mua được xe khách, xe tải, máy xay xát, máy tuốt lúa để phục vụ sản xuất, kinh doanh. Những mô hình kinh tế trang trại nông lâm kết hợp có bước phát triển tốt. Đến nay, toàn xã có 531 hộ gia đình sản xuất kinh doanh giỏi, thu nhập ổn định, bình quân từ 50 đến 100 triệu đồng mỗi năm. Từ Chương trình 135 và các nguồn vốn khác, cơ sở hạ tầng ở xã tiếp tục được đầu tư xây dựng, thông tin liên lạc thông suốt, đường giao thông thảm nhựa đến từng thôn buôn, các công trình công cộng được xây dựng kiên cố. Chợ đầu mối nông sản đi vào hoạt động đã trở thành điểm trung chuyển hàng hóa giữa Phú Yên với Gia Lai, Đắk Lắk…

 

NGỌC CƯỜNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek