Được thành lập từ năm 1991, Trung tâm Nuôi dưỡng người có công và Bảo trợ xã hội Phú Yên đã nuôi dưỡng 20 người có công neo đơn và điều dưỡng hơn 900 thương bệnh binh mỗi năm. Với không khí trong lành, đầy đủ tiện nghi và sự quan tâm, chăm sóc chu đáo của các cán bộ, hộ lý, nơi đây được ví như mái ấm chở che cho quãng đời còn lại của các cụ.
Cụ Huỳnh Thị Liễu trong căn phòng đầy đủ tiện nghi - Ảnh: H.K.MY |
Tiếp tôi, ông Trần Văn Thống, Giám đốc Trung tâm nói về công việc, về hoàn cảnh của những người có công neo đơn được nuôi dưỡng ở đây như nói về chính ngôi nhà của mình. Dường như bao nhiêu tình yêu thương ông đều dành cho các cụ. Ông Thống cho biết: “Trung tâm có 9 người có công, neo đơn, bao gồm: 1 thương binh, 2 vợ liệt sĩ, 2 cụ bị nhiễm chất độc hóa học, còn lại là hưu trí và từng là dân quân, du kích. Cụ được hưởng chế độ thấp nhất là 1.400.000 ngàn đồng, cụ được hưởng chế độ cao nhất là 2.900.000 ngàn đồng. Ngoài ra các cụ còn được hưởng tiền trợ cấp 120.000 ngàn/ tháng cho người cao tuổi”.
Chín cụ có công đều sống ở khu nhà A trong Trung tâm. Phòng của các cụ được trang bị đầy đủ tiện nghi từ tivi đến máy điều hòa, bình nước nóng lạnh… Ngoài 7 hộ lý chăm sóc, còn có một bảo vệ và một y sĩ. Tuy không có người thân bên cạnh để sẻ chia, nhưng các cụ luôn đầy ắp tình thương và sự quan tâm từ cộng đồng, nhất là các cán bộ của Trung tâm. Người lớn tuổi nhất là cụ Nguyễn Thị Thàng (93 tuổi), người nhỏ nhất cũng đã gần bước sang ngưỡng 80. Người vào đây mới nhất là từ năm 2009, người lâu nhất cũng đã được hơn 17 năm. Ngần ấy thời gian gắn bó, nơi đây đã trở thành mái ấm chở che cuối đời cho nhiều người có công, neo đơn. “Cuộc sống ở đây rất thoải mái và đầy đủ: ngày ăn ba bữa, quần áo đều được cấp. Các hộ lý chăm sóc chúng tôi chu đáo như cha mẹ của mình. Các tổ chức từ thiện cũng thường xuyên ra thăm hỏi và tặng quà vào mỗi dịp lễ”, cụ Huỳnh Thị Liễu (vợ liệt sĩ Phạm Triệm) cho biết.
An dưỡng ở Trung tâm, tuy tuổi cao, nhưng nhiều cụ vẫn còn minh mẫn, có thể tự chăm sóc bản thân và giúp đỡ người khác. Cụ Lê Thị Kiên (diện đối tượng có công, quê ở An Nghiệp, Tuy An) vào đây điều dưỡng từ những ngày đầu Trung tâm thành lập. Hơn 14 năm gắn bó với Trung tâm, cụ đã có nhiều kỷ niệm và tình cảm gắn bó. Người bạn cùng phòng với cụ là cụ Võ Thị Nghị (vợ liệt sĩ Nguyễn Cơi, quê ở Xuân Phước, Đồng Xuân), cũng đã vào Trung tâm an dưỡng được gần 12 năm. Hai cụ sớm chiều có nhau, tình cảm thân thiết như chị em. Sáng nào, cụ Kiên cũng cùng cụ Nghị vào phòng tập luyện để đạp xe hay đi dạo quanh Trung tâm rèn luyện sức khỏe.
“Ngày trước còn tham gia kháng chiến, nằm vùng ở cơ sở, bị địch càn, hành hạ dã man, nghĩ mình sẽ không sống nổi tới ngày giải phóng. Nhưng bây giờ, chẳng những bản thân được hưởng thọ mà còn có thể thấy cảnh tỉnh nhà đổi thay, giàu đẹp”, cụ Nghị tâm sự.
Từ ngày Trung tâm tổ chức tăng gia sản xuất, hai cụ lúc nào cũng tích cực tham gia. Ruộng rau lang nhờ cụ Nghị và một số cụ khác chăm sóc trở nên tươi tốt hẳn. Còn cụ Kiên thì luôn quẩn quanh với đàn bò, đàn lợn. “Ngoài việc vận động nhiều cho khỏe, chúng tôi thấy mình làm được việc có ích cho chính mình và xã hội”, cụ Nghị vui mừng cho biết. Nhờ trồng rau, trồng cỏ, nuôi bò, nuôi heo mà mỗi năm, các cụ đều có hơn 2 tạ thịt lợn để ăn Tết và có thêm nguồn rau sạch mỗi ngày. Với các cụ, mỗi con vật nuôi đã trở thành những người bạn. “Con Bàu Bàu nay to lắm và đã biết phân biệt người lạ. Ngoài tôi ra, khó ai có thể lấy cỏ cho ăn và tới gần nó được”, cụ Kiên âu yếm nói về con bò đang nuôi như đứa con của mình. Mới tháng trước, cụ bị trượt chân té do cắt cỏ cho bò, phải nhập viện. Mấy ngày điều trị, cụ cứ lo ở Trung tâm không biết có ai cho bò ăn hay tắm cho chúng…
HÀ KIỀU MY