Quyết định cấm hút thuốc lá nơi công cộng của Thủ tướng Chính phủ có hiệu lực từ ngày 1/1/2010. Tuy nhiên, nhiều người vẫn ngang nhiên hút thuốc nơi công cộng, còn lực lượng chức năng thì chỉ biết nhắc nhở suông...
Hút thuốc nơi công cộng không chỉ tác hại đến sức khỏe bản thân mà còn ảnh hưởng đến người xung quanh - Ảnh: T.THỦY
Theo quyết định này, việc hút thuốc lá sẽ bị nghiêm cấm tại lớp học, nhà trẻ, các cơ sở y tế, thư viện, rạp chiếu phim, nhà hát, nhà văn hóa, các khu vực sản xuất và nơi làm việc trong nhà, nơi có nguy cơ cháy nổ cao và trên các phương tiện giao thông công cộng. Nếu vi phạm, sẽ bị nhắc nhở lần đầu, lần thứ hai phạt hành chính 50.000 đồng và 100.000 khi vi phạm lần 3. Chủ tịch UBND các cấp, công an, thanh tra chuyên ngành sẽ chịu trách nhiệm xử phạt.
Tại Phú Yên, sau mười ngày triển khai Quyết định cấm hút thuốc lá nơi công cộng của Thủ tướng Chính phủ, số người hút thuốc nơi công cộng đã giảm so với trước đây. Tuy nhiên, tình trạng hút thuốc vẫn còn tái diễn ở nhiều nơi, do thiếu sự phối hợp giữa các cơ quan ban ngành trong xử phạt vi phạm và cả ý thức người dân.
Rất nhiều biển báo, áp phích cấm hút thuốc lá được treo tại các điểm tập trung đông người, song tình trạng xả khói vẫn diễn ra phổ biến mà không hề có lực lượng nào nhắc nhở. Đặc biệt, ngay cả nơi nhạy cảm với việc hút thuốc như bệnh viện vẫn tràn ngập khói thuốc.
Dạo một vòng quanh Bệnh viện Đa khoa Phú Yên, chưa đầy 5 phút, chúng tôi đã đếm được không dưới 10 người hút thuốc lá trong khuôn viên bệnh viện. Họ phì phèo nhả khói khá tự nhiên ở khu vực chờ cấp phát thuốc bảo hiểm y tế, căng - tin… Một vài đấng mày râu, trong lúc chờ vợ khám thai, cũng tranh thủ “lẻn” ra khu vực quán nhỏ trong bệnh viện (nằm giữa hai khoa khám- cấp cứu và khoa sản) để hút thuốc. Một nhân viên bảo vệ Bệnh viện Đa khoa Phú Yên cho biết: “Chúng tôi thường xuyên nhắc nhở thân nhân bệnh nhân không hút thuốc lá nhưng xem ra không mấy hiệu quả. Khi được nhắc thì người ta bỏ thuốc đi, khi mình đi thì người ta lại hút tiếp”. Đây cũng là tình trạng chung của nhiều đơn vị khác trong ngành y tế, hầu như việc triển khai cấm hút thuốc lá mới chỉ ở mức độ khuyến cáo. Trong khi đó, bệnh viện là nơi công cộng đáng cấm hút thuốc lá nhất do đặc thù riêng.
Tại bến xe, bến tàu và nhiều địa điểm khác, tình trạng hút thuốc lá vẫn ngang nhiên diễn ra. Khác với bệnh viện, những địa điểm này ít được treo biển cấm hút thuốc lá, nên những người hút thuốc cứ vô tư phì phèo.
5 bước giúp từ bỏ thuốc lá 1. Tìm được nguyên nhân bạn hút thuốc: có thể bạn muốn viết ra những lý do khiến bạn hút thuốc, điều gì làm cho bạn hút thuốc? 2. Quyết định cai thuốc: trước khi cai thuốc, bạn phải quyết định mình thật sự muốn gì chứ không phải chỉ vì gia đình, bạn bè bạn muốn. Cai thuốc không phải là việc dễ dàng nhưng nhiều người vẫn làm được và bạn cũng có thể làm được. 3. Học những thói quen mới: một số người nhai kẹo cao su mỗi khi họ cảm thấy thèm thuốc. Hãy chọn cho mình một thói quen có lợi cho sức khỏe và hãy thay thế việc hút thuốc bằng thói quen này. 4. Hãy nghĩ cách đối phó với những cơn thèm: sau khi cai thuốc sẽ có nhiều lúc bạn cảm thấy rất thèm hút thuốc. Vì vậy, bạn hãy lên kế hoạch trước cho những lúc như vậy và quyết định bạn sẽ làm gì vào những lúc như vậy. 5. Lên kế hoạch cho tương lai: hãy đưa ra các mục tiêu cho mình và lập kế hoạch để thực hiện và hãy tập trung vào các mục tiêu đó. Hút thuốc có thể xuất hiện trong quá trình thực hiện mục tiêu và đó có thể là nguyên nhân gây ra bệnh hoặc tử vong. Hút thuốc còn rất tốn kém và bạn sẽ trở thành nô lệ của sự nghiện ngập và tất nhiên hút thuốc sẽ làm bạn trông xấu mã! Theo SK&ĐS
THU THỦY