Thứ Bảy, 05/10/2024 14:29 CH
Bão Mirinae cách bờ biển các tỉnh Quảng Ngãi - Phú Yên khoảng 660 km
Chủ Nhật, 01/11/2009 10:41 SA

Hồi 7 giờ hôm nay (1/11), vị trí tâm bão vào khoảng 13,9 độ vĩ Bắc, 115,3 độ kinh Đông, cách bờ biển các tỉnh Quảng Ngãi - Phú Yên khoảng 660 km về phía đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (tức là từ 75 đến 88 km một giờ), giật cấp 10, cấp 11.

 

imageresize01.jpg
Đường đi và vị trí cơn bão

 

 

Dự báo trong 24 giờ tới, bão số 11 di chuyển theo hướng giữa tây và tây tây nam, mỗi giờ đi được khoảng 20 - 25 km. Đến 7 giờ ngày 2/11, vị trí tâm bão vào khoảng 12,9 độ vĩ Bắc, 109,9 độ kinh Đông, cách bờ biển các tỉnh Bình Định - Khánh Hòa khoảng 50 km về phía đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, cấp 9 (tức là từ 62 đến 88 km một giờ), giật cấp 10, cấp 11. Tính từ tâm bão, vùng gió mạnh nguy hiểm từ cấp 6 trở lên có bán kính khoảng 250 km.


Trong khoảng 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão số 11 tiếp tục di chuyển theo hướng giữa tây và tây tây nam, mỗi giờ đi được khoảng 20 - 25 km, đi vào đất liền và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới. Sau đó áp thấp nhiệt đới tiếp tục đi sâu vào đất liền và suy yếu thành một vùng áp thấp. Đến 7 giờ ngày 3/11, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở vào khoảng 11,8 độ vĩ Bắc, 106,0 độ kinh Đông, trên khu vực biên giới Việt Nam - Campuchia. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (tức là dưới 39km một giờ).


Do ảnh hưởng của bão, khu vực giữa biển Đông (bao gồm cả vùng biển giữa quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa) có gió mạnh cấp 7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8, cấp 9, giật cấp 10, cấp 11. Biển động rất mạnh. Từ tối 1/11, vùng biển các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Bình Thuận có gió mạnh cấp 6, cấp 7, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 8, cấp 9, giật cấp 10, cấp 11. Biển động rất mạnh. Từ đêm 1/11, các tỉnh ven biển từ Quảng Ngãi đến Bình Thuận gió sẽ mạnh dần lên cấp 6, cấp 7, vùng gần tâm bão cấp 8, cấp 9, giật cấp 10, cấp 11, riêng vùng ven biển các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Khánh Hòa đề phòng nước biển dâng cao kết hợp với thủy triều cao 2 - 4 mét. Khu vực các tỉnh từ Thừa Thiên - Huế đến Bình Thuận có mưa vừa đến mưa to, có nơi mưa rất to.


Ngoài ra, sáng nay không khí lạnh đã tiến sát đến vùng biên giới phía bắc nước ta. Ngày hôm nay (1/11), bộ phận không khí lạnh này sẽ tràn xuống các tỉnh Bắc Bộ, Bắc và Trung Trung Bộ. Do ảnh hưởng của không khí lạnh, ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có mưa vài nơi. Gió chuyển hướng đông bắc trong đất liền cấp 3 - 4, vùng ven biển cấp 5. Vịnh Bắc Bộ, vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Quảng Trị đến Quảng Nam và khu vực bắc biển Đông có gió đông bắc mạnh cấp 7, giật cấp 8, cấp 9. Biển động mạnh. Các tỉnh miền Bắc từ đêm nay trời trở rét.

 

* Nam Trung Bộ khẩn trương chống bão Mirinae

Hàng nghìn tàu thuyền đang đánh bắt trên biển được gọi về đất liền, dân nơi có nguy cơ sạt lở chuẩn bị di dời; vừa khắc phục thiệt hại sau bão số 9, các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên... bắt tay phòng chống bão Mirinae dự báo sắp đổ vào Nam Trung Bộ.

Ông Trương Ngọc Nhi, Trưởng Ban phòng chống lụt bão tỉnh Quảng Ngãi cho biết, tỉnh đã kêu gọi 237 tàu đánh bắt xa bờ, trong đó có 47 tàu nằm trong vùng nguy hiểm với 230 lao động, tìm nơi tránh bão. Tại các địa phương bị thiệt hại nặng do bão số 9 vừa qua, ngoài công tác đôn đốc người dân tự giằng chống nhà cửa, bảo vệ tài sản, chính quyền lên phương án chuẩn bị sẵn nơi sơ tán dân tại các địa điểm kiên cố như trụ sở thôn, trạm xá, trụ sở ủy ban xã, trường học...

Quảng Ngãi là tỉnh chịu thiệt hại nặng nề sau bão số 9 hồi cuối tháng 9, ngoài việc chưa chuẩn bị tốt các phương án phòng chống, lãnh đạo tỉnh cho rằng nguyên nhân chính khiến địa phương không trở tay kịp là do công tác dự báo bão của cơ quan khí tượng thủy văn chưa kịp thời, chính xác.

Lực lượng bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Nam cũng đã tổ chức lực lượng thường trực tại những khu vực trọng điểm, tăng cường vật chất dự phòng (lương thực, thực phẩm, thuốc men....) để đề phòng vùng sâu, xa bị chia cắt do lũ. Theo đại diện Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão tỉnh, hiện 2.500 tấn gạo cứu trợ cho nhân dân vùng bị ảnh hưởng bão số 9 đã được phân phát hết. Do đó người dân đã có đủ lượng lương thực tích trữ chuẩn bị cho những ngày bão đổ bộ tới đây.

Rút kinh nghiệm từ việc các thủy điện tại Quảng Nam xả lũ gây lụt trong cơn bão vừa qua, Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh Bình Định đã yêu cầu giám đốc các nhà máy thủy điện trên địa bàn như Vĩnh Sơn, Định Bình, phải tuân thủ đúng quy trình xả lũ, liên tục báo tin về tỉnh để có các quyết định xả lũ kịp thời. Ngoài ra tại các công trình thủy lợi phải có lực lượng ứng trực 24/24h nhằm kiểm soát chặt tình hình và ứng phó với các sự cố đê điều.

Bandovung091101.jpg

Khánh Hòa thời tiết vẫn tốt nên các tàu chở khách du lịch và cáp treo Vinpearl tại thành phố Nha Trang hoạt động bình thường. Các tàu đánh bắt gần bờ vẫn tiếp tục đi biển. Tuy nhiên vào sáng nay, khi bão đã tiến gần bờ sẽ có lệnh cấm tất cả tàu thuyền không được hoạt động.

Ông Võ Lâm Phi, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, tối 29/10 tỉnh đã có công điện khẩn gửi trực tiếp đến tất cả các ban phòng chống lụt bão tại từng huyện, xã. Lực lượng bộ đội biên phòng cũng thông báo tình hình bão đến các phương tiện đánh bắt xa bờ và kêu gọi tìm nơi trú ẩn an toàn.

Ông Phi chia sẻ thêm, tỉnh này năm ngoái đã phát hành cuốn cẩm nang "Phương án phòng chống bão lụt". Do đó các địa phương đang thực hiện phòng chống bão lũ theo cẩm nang này. Những phương án phòng chống bão lụt, di dời dân, ứng phó sự cố... được từng địa phương lên kế hoạch chi tiết. Do vậy các địa phương sẽ nâng cao tính chủ động, không xảy ra lúng túng trong việc phòng chống bão lũ trên thực tế.

Theo ông Nguyễn Hùng Tân, Chánh văn phòng UBND tỉnh Bình Thuận, công tác chống bão đã được thông báo khẩn cấp đến từng địa phương. Theo dự báo, ngày 2/11 bão sẽ có thể đổ bộ vào Nam Trung Bộ, trong đó có Bình Thuận nên tỉnh đang triển khai trên tinh thần phòng chống tâm bão. Vì vậy các khu dân cư ven biển đã lên kế hoạch di dời dân khi cần thiết.

Ông Tân cũng cho biết, người dân trên huyện đảo Phú Quý, cách đất liền Bình Thuận khoảng một buổi đi tàu, rút kinh nghiệm từ cơn bão Durian năm 2006 nên hôm nay đã tự giác giằng chống nhà cửa, tàu thuyền nhỏ được kéo lên bờ, gia cố các lồng bè nuôi hải sản. Mối lo lớn nhất là hệ thống thông tin liên lạc giữa đảo với đất liền qua cáp quang dưới biển có thể bị đứt. Đường cáp quang này đã từng bị hư hại trong cơn bão Durian năm 2006.

                                                                                  

                                                                                    (Tổng hợp từ kttv.gov.vn, Vnexpress)

 

 

Chưa có tàu nào tiếp cận, cứu hộ tàu PY 90412 TS gặp nạn trên biển

* Một người bị đau nặng trên biển cần cấp cứu.

* 34 tàu cá với 465 ngư dân đã vào bờ an toàn                                

* Cương quyết  không cho tàu thuyền ra khơi.

 

Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng Phú Yên cho biết, đến sáng nay (1/11) tàu câu cá ngừ đại dương PY 90412 TS của ông Nguyễn Viết Đài, ở khu phố 6, phường Phú Đông (TP Tuy Hòa) bị nạn trên biển trong điều kiện sóng to gió lớn, cần cứu hộ khẩn cấp vẫn chưa có phương tiện nào đến cứu hộ. Thuyền trưởng cùng tám lao động vẫn tiếp tục bám tàu, phát tín hiệu cấp cứu và thường xuyên liên lạc về gia đình trên tần số 795900 USB. Ông Đài cho biết, phương tiện đang thả neo ở vị trí 7 độ vĩ Bắc – 110 độ kinh Đông, cách bờ biển Vũng Tàu khoảng 285 hải lý về hướng đông-nam. Trước đó, lúc 7 giờ 30 ngày 30/10, khi đang hành nghề câu cá ngừ đại dương thì tàu bị hỏng máy, không khắc phục được.

 

tru-bao2.jpg
Ngư dân chủ động đưa tàu thuyền vào nơi trú bão an toàn - Ảnh: X. HIẾU

 

Trong khi đó, trên tàu cá PY 90388 TS (có tám người) do ông Huỳnh Minh Thuận làm thuyền trưởng, có một ngư dân là anh Nguyễn Văn Trưởng, cùng trú phường 6 (TP Tuy Hòa) đang bị đau nặng cần cấp cứu. Lúc 7 giờ sáng nay, liên lạc qua máy bộ đàm trên tần số 879666 LSB, ông Thuận cho biết, lúc 17 giờ ngày 31/10, khi tàu đang hành nghề ở vùng biển 09độ 40’ vĩ độ Bắc-108 độ 38’ kinh độ Đông, cách bờ biển Vũng Tàu khoảng 70 hải lý về hướng đông-nam thì anh Trưởng bị đau và càng lúc càng dữ dội, nghi do bị xuất huyết dạ dày. Hiện ông đang cho tàu chạy vào Vũng Tàu để cấp cứu bệnh nhân và cần lực lượng chức năng hướng dẫn đường vào an toàn, nhanh nhất.

 

Cũng theo Bộ đội biên phòng Phú Yên, đến 8 giờ sáng nay (1/11), đã có 34 tàu thuyền với 465 ngư dân trong tỉnh làm ăn trên biển đã vào bờ tránh bão Mirinae an toàn. Hiện còn 228 tàu thuyền với 1.271 ngư dân đang hoạt động trên biển. Trong đó có 80 tàu thuyền với 745 ngư dân đang ở vùng biển từ 6-8 độ vĩ Bắc, 109 độ 30’ – 110 độ 30’ kinh độ Đông; 148 tàu thuyền với 526 lao động hành nghề mành, giã cào, lưới rút ven bờ ở vùng biển các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Bình Thuận. Các phương tiện này đều thường xuyên liên lạc với gia đình và các đồn, trạm của Bộ đội biên phòng tỉnh.

 

Cùng với tiếp tục kêu gọi tàu thuyền vào nơi tránh trú bão an toàn, không đi vào vùng nguy hiểm của bão Mirinae, từ 14 giờ chiều ngày 31/10, Bộ đội biên phòng tỉnh đã chỉ đạo các đồn, trạm kiểm soát, tăng cường tuần tra, kiểm soát, nhắc nhở bà con ngư dân không được chủ quan; cương quyết ngăn cấm không cho tàu thuyền xuất bến ra khơi. Đồng thời duy trì chặt chẽ các kíp trực, bố trí lực lượng, phương tiện sẵn sàng cơ động, phòng chống bão, ứng cứu và di dời dân ở vùng nguy hiểm và 12.400 lồng bè nuôi thủy sản các loại đến nơi an toàn khi có lệnh.

 

XUÂN HIẾU

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek