Chủ Nhật, 13/10/2024 01:20 SA
“Hãy liên kết chống lại biến đổi khí hậu”
Thứ Sáu, 05/06/2009 15:30 CH

Cách đây 37 năm, Liên Hợp Quốc đã tổ chức hội nghị “Quốc tế về con người và môi trường” tại Stốc- khôm (Thụy Điển) vào ngày 5/6, nhận định: Việc bảo vệ thiên nhiên và môi trường là một trong hai nhiệm vụ hàng đầu của toàn nhân loại (cùng với nhiệm vụ hòa bình, chống chiến tranh).

Từ đó, ngày 5/6 hàng năm trở thành Ngày Môi trường thế giới, nhằm cảnh cáo, thức tỉnh mọi người cùng bảo vệ lấy môi trường sống.  Ngày Môi trường thế giới năm 2009 có chủ đề:”Trái đất cần chúng ta! Hãy liên kết chống lại biến đổi khí hậu”, thể hiện mối quan ngại sâu sắc về sự tác động của biến đổi khí hậu làm Trái đất ngày càng nóng lên, mà hậu quả thiên tai gây ra có tần suất ngày càng cao và thiệt hại ngày càng lớn.

 

TP-TH-xanh-090605.jpg

TP Tuy Hòa ngày càng xanh, sạch, đẹp nhờ tăng cường các biện pháp bảo vệ môi trường  – Ảnh: N.TRƯỜNG

 

Trong tiến trình công nghiệp hóa, con người đã khai thác sử dụng ngày càng nhiều các nguồn năng lượng không tái sinh như than đá, dầu mỏ, khí đốt… Các nhiên liệu đó sản sinh ra các chất thải gồm 4 loại khí chủ yếu: CO2, CH4, NO2, NO… gây hiệu ứng nhà kính, làm Trái đất nóng lên, dẫn đến sự biến đổi khí hậu toàn cầu. Ước tính tổng lượng phát thải khí nhà kính của Việt Nam mỗi năm khoảng 120,8 triệu tấn. Ở Phú Yên, lượng CO2 phát thải theo ước tính của Sở Tài nguyên - Môi trường, từ các hoạt động công nghiệp khoảng 28.200 tấn/năm, chủ yếu do các hoạt động trong lĩnh vực năng lượng, công nghiệp, giao thông (giao thông chiếm 85% khí CO2, công nghiệp chiếm 95% khí NO2).

 

Lượng phát thải khí nhà kính của nước ta còn tăng mạnh và theo đó, hiện tượng nóng lên của khí hậu Việt Nam sẽ đến sớm hơn dự báo. Theo Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP), nếu nước biển dâng lên thì Việt Nam là nước sẽ bị ảnh hưởng nặng thứ hai thế giới, chỉ sau Bangladesh. Do vậy, ứng phó với biến đổi khí hậu có tính chất cấp thiết và sống còn của Việt Nam. Thực tế cho thấy, 50 năm qua, nhiệt độ trung bình nước ta tăng khoảng 0,70C; mực nước biển đã dâng khoảng 20cm. Biến đổi khí hậu đã và đang tác động mạnh mẽ đến nước ta mà điển hình là làm cho thiên tai, đặc biệt là bão lũ, lụt, hạn hán ngày càng khốc liệt hơn. Theo tính toán của các nhà khoa học, nếu nước biển dâng 1m, sẽ có khoảng 40.000 km vùng ven biển nước ta bị ngập trong nước mặn, ảnh hưởng trực tiếp đến 10% dân số và gây tổn thất khoảng 10% GDP. Phú Yên cũng không thể tránh khỏi những thiệt hại do triều cường, nước biển dâng lên làm ngập các vùng đất thấp bãi ngang ven biển tại 4 huyện, thành phố ven biển. Các tác động do nhiễm mặn, xói mòn, rửa trôi đất, ô nhiễm nguồn nước sẽ ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và còn làm gia tăng dịch bệnh.

 

Để giảm lượng khí thải gây ra hiệu ứng nhà kính, ngay từ bây giờ chúng ta cần có ý thức tự điều tiết giảm lượng CO2 do chính mình tạo ra trong mọi hoạt động sản xuất và đời sống. Mỗi địa phương cần xác định phát triển kinh tế nhưng phải gắn với công tác bảo vệ môi trường, phải thực hiện các giải pháp cắt giảm khí thải nhà kính, hướng đến nền kinh tế ít phát thải các khí CO2, CH4, NO2, NO. Các cơ sở sản xuất kinh doanh cần tăng cường ứng dụng các công nghệ sạch, thân thiện với môi trường từ sản xuất công nghiệp, nông nghiệp đến sinh hoạt, xây dựng và vận hành hệ thống xử lý ô nhiễm môi trường đạt tiêu chuẩn xả thải; cơ quan hành chính, trường học phải thực hiện tốt phong trào xanh - sạch - đẹp. Các cơ quan chuyên môn, địa phương cần có kế hoạch gia cố kênh mương, kè đập nhằm phòng ngừa những tác động của biến đổi khí hậu; trong công tác quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, kế hoạch sử dụng đất đai cần lồng ghép đến các yếu tố môi trường, biến đổi khí hậu... Từng khu dân cư cần xây dựng và áp dụng tốt hương ước BVMT, phải đưa công tác BVMT gắn liền với việc công nhận khu phố văn hóa, gia đình văn hóa, tổ chức tốt công tác thu gom xử lý rác thải, nước thải, xử lý gia súc gia cầm bị dịch bệnh, đảm bảo hợp vệ sinh...

 

Thời gian qua, cùng với nhân dân cả nước và thế giới, Phú Yên cũng đã có nhiều hoạt động tích cực hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới hằng năm. Nhân Ngày Môi trường thế giới năm nay, các cấp các ngành và mọi người dân trong tỉnh hãy cùng nhau “liên kết chống lại biến đổi khí hậu” bằng những hành động cụ thể.

 

Trước tiên, cần tăng cường và đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục, làm chuyển biến, nâng cao nhận thức của mọi người về tầm quan trọng của công tác bảo vệ môi trường; hiểu rõ chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với sự nghiệp bảo vệ môi trường; làm cho mỗi người, mỗi gia đình và cộng đồng tự giác tham gia các hoạt động chống lại biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường trên cơ sở thực hiện tốt Chiến lược bảo vệ môi trường tỉnh Phú Yên đến năm 2015 và tầm nhìn đến năm 2020, biến các mục tiêu chiến lược đề ra trở thành hiện thực.

 

Thứ hai, kết hợp hài hòa phát triển kinh tế - xã hội với bảo vệ và cải thiện môi trường, bảo đảm phát triển bền vững. Phổ biến các mô hình, điển hình tiên tiến, các việc làm tốt, kinh nghiệm hay về bảo vệ môi trường cho cộng đồng.

 

Thứ ba, hướng dẫn giúp đỡ các cơ sở sản xuất sử dụng các nguồn nhiên liệu sạch, nhiên liệu tái sinh nhằm hạn chế tối đa việc xả khí thải gây hiệu ứng nhà kính; sử dụng tiết kiệm các nguồn tài nguyên thiên nhiên.

 

Cuối cùng, tăng cường công tác “trồng cây, gây rừng”, ngăn chặn việc phá rừng trái phép. Kiểm soát ô nhiễm và ứng cứu có hiệu quả sự cố môi trường có thể xảy ra trên địa bàn.

 

                       

CHẾ BÁ HÙNG

Phó Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường Phú Yên

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek