Thứ Ba, 15/10/2024 15:21 CH
Hỗ trợ đối với người lao động mất việc làm:
Còn nhiều khó khăn, lúng túng
Thứ Năm, 09/04/2009 15:00 CH

Cuối tháng 2/2009, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 30/2009/QĐ-TTg về việc hỗ trợ đối với người lao động mất việc làm trong doanh nghiệp gặp khó khăn do suy giảm kinh tế (gọi tắt là Quyết định 30). Tuy quyết định đã có hiệu lực nhưng nhiều đơn vị, cơ quan tại Phú Yên còn lúng túng, gặp vướng mắc khi triển khai thực hiện.

 

tim-viec-090409.gif

Người lao động tìm việc tại một phiên giao dịch việc làm. - Ảnh: K.CHI

 

“TIẾP SỨC” CHO NGƯỜI LAO ĐỘNG MẤT VIỆC

 

Sở Lao động - Thương binh - Xã hội Phú Yên vừa tổ chức triển khai Quyết định 30 đến các doanh nghiệp, các ngân hàng, cơ quan liên quan. Theo đó, trong năm 2009, doanh nghiệp gặp khó khăn do suy giảm kinh tế, chưa có khả năng thanh toán tiền lương, đóng bảo hiểm xã hội và tiền trợ cấp mất việc làm hoặc trợ cấp thôi việc theo quy định cho người lao động bị mất việc làm thì được Nhà nước cho vay để thanh toán.

 

Trong quý 1/2009, đã có 15 doanh nghiệp tại Phú Yên giải thể do hoạt động sản xuất kinh doanh gặp khó khăn, không hiệu quả. Ngoài ra, còn có 3 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, một số doanh nghiệp khác hoạt động cầm chừng, phải cắt giảm lao động, nhiều nhất là các doanh nghiệp sản xuất bia, ô tô, kinh doanh bất động sản, sản xuất hàng xuất khẩu… kéo theo đó là hơn 800 lao động bị mất việc.

 

Theo Quyết định 30, người mất việc làm sẽ được Nhà nước hỗ trợ một số chính sách để tự tạo việc làm (trong đó, các đối tượng có nhu cầu sẽ được vay vốn ưu đãi học sinh sinh viên lãi suất 0,5%). Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Phát triển, Quỹ quốc gia về việc làm là những nguồn lực hỗ trợ cho các đối tượng mất việc làm. Chỉ những người lao động được xác định mất việc trong năm 2009 mới được hưởng trợ cấp theo quyết định mới nhất của Thủ tướng. Tuy nhiên, Quỹ quốc gia về việc làm sẽ tạo điều kiện cho tất cả những người có nhu cầu vay để tạo việc làm. Ông Trịnh Anh Văn, Trưởng phòng Lao động - Tiền lương (Sở Lao động - Thương binh - Xã hội Phú Yên), nói: “Đây là chính sách kịp thời trong lúc người lao động đang gặp nhiều khó khăn nên mọi thủ tục vay vốn sẽ đơn giản, để anh chị em có thể tiếp cận được nguồn vốn nhanh nhất”.

 

viec-lam-090409.gif

Người lao động tìm thông tin tuyển dụng lao động tại một phiên giao dịch việc làm  – Ảnh: KIM CHI

 

VẪN CÒN LÚNG TÚNG!

 

Quyết định 30 bắt đầu có hiệu lực từ ngày 23/2/2009. Thế nhưng, các ban, ngành trong tỉnh chỉ vừa mới triển khai thực hiện quyết định này vào đầu tháng 4 và sẽ tiến hành khảo sát, kiểm tra tình hình lao động mất việc làm tại các doanh nghiệp vào trung tuần tháng này. Ông Văn cho biết, đến nay chưa có đơn vị nào đến cơ quan để hỏi thủ tục xin vay theo Quyết định 30. Còn đối với người lao động, do hiểu biết về quyền lợi còn hạn chế nên khi chủ doanh nghiệp phá sản, gặp khó khăn, “xù” tiền là họ chỉ biết rằng mình mất việc và tranh thủ đi tìm việc khác ngay chứ không hề biết rằng mình có quyền được Nhà nước hỗ trợ.

 

Theo ông Đào Tấn Nguyên, Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Phú Yên: Tuy đơn vị mới bước đầu triển khai Quyết định 30 nhưng cũng đã thấy xuất hiện một số khó khăn. Đó là, theo Quyết định 30, người lao động bị mất việc ở các tỉnh, thành phố như TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương về quê nhà Phú Yên tìm việc, như vậy họ có được vay vốn hỗ trợ không? Bên cạnh đó, cũng theo quyết định, thời hạn cho vay  tối đa  là 12 tháng, kể từ ngày mất việc làm. Vậy sau khi mất việc làm có thể đến 5-7 tháng, thậm chí còn lâu hơn nữa người lao động mới có thể tìm được việc làm, thì thời hạn trả nợ đã gần kề. Với người lao động được vay tiền hỗ trợ tìm việc làm mới tạo thu nhập thì liệu trong vòng 12 tháng có đủ thời gian xoay xở để vừa có tiền trang trải cho sinh hoạt trong cuộc sống, vừa có tích lũy để trả nợ cho Nhà nước?

 

Đại diện Sở Tài chính cho hay, khi một doanh nghiệp đã phá sản mà theo thủ tục để được giải quyết theo Quyết định 30 cần phải giữ lại đầy đủ hồ sơ, sổ sách bảo hiểm thu chi… để làm chứng từ giải quyết. Nhưng nếu chủ doanh nghiệp bỏ trốn, thì chưa biết tính sao.

 

Thiết nghĩ, những vướng mắc trên cần sớm được các ngành, đơn vị liên quan kiến nghị lên cấp có thẩm quyền để sớm giải quyết, tạo thuận lợi để Quyết định 30 được triển khai thuận lợi; giúp tập thể, cá nhân được thụ hưởng quyền lợi sớm có điều kiện tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ của Chính phủ.

 

Đối tượng nào được vay ưu đãi theo Quyết định 30?

 

Đối tượng là doanh nghiệp gặp khó khăn do suy giảm kinh tế mà phải giảm số lao động hiện có từ 30% trở lên hoặc từ 100 lao động trở lên (không kể lao động thời vụ dưới 3 tháng) và sau khi sử dụng nguồn của doanh nghiệp mà vẫn chưa có khả năng thanh toán tiền lương, đóng bảo hiểm xã hội và tiền trợ cấp mất việc làm, thôi việc cho lao động. Thời hạn cho vay tối đa là 12 tháng, lãi suất 0%, nguồn từ Ngân hàng Phát triển Việt Nam. Mức vay tối đa bằng số kinh phí để thanh toán nợ tiền lương, đóng bảo hiểm xã hội và trợ cấp mất việc làm, thôi việc phải trả cho người lao động.

 

Đối với người lao động bị mất việc ở các doanh nghiệp mà chủ bỏ trốn, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải ứng ngân sách địa phương trả cho người lao động có trong danh sách trả lương khoản tiền lương mà doanh nghiệp còn nợ. Nguồn tạm ứng từ ngân sách địa phương được hoàn trả từ nguồn thu khi thực hiện xử lý tài sản của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.

 

 KIM CHI

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek