Thực hiện Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”, Hội LHPN huyện Sông Hinh đã phối hợp với các đoàn thể, chính quyền địa phương triển khai hiệu quả nhiều mô hình, mang đến sự đổi thay cho phụ nữ và trẻ em vùng đồng bào DTTS và miền núi.
Hội LHPN xã Ea Bá (huyện Sông Hinh) tổ chức hội thi Liên hoan các mô hình Tổ truyền thông cộng đồng gắn với tìm hiểu Luật Bình đẳng giới năm 2024. Ảnh: CTV |
Phụ nữ vùng sơn cước đón luồng gió mới
Chị Hà Thị Thìn, Chủ tịch Hội LHPN xã Ea Trol cho biết, xã có 5 thôn, buôn triển khai Dự án 8, gồm thôn Kinh Tế 2, các buôn Bầu, Thu, Thinh, Đức Mùi. Trong đó, ngoài thôn Kinh Tế 2 có khoảng 60% người Kinh đi làm kinh tế mới thì các buôn còn lại có đến hơn 90% là người đồng bào DTTS. Nhờ triển khai Dự án 8 mà đời sống của phụ nữ nơi đây có nhiều đổi thay.
Ea Trol hiện có 5 tổ truyền thông cộng đồng, là mô hình thuộc Dự án 8. Mỗi năm, tổ truyền thông với thành phần gồm trưởng thôn, già làng, người có uy tín trong cộng đồng, cán bộ hội phụ nữ tổ chức từ 4-5 cuộc nói chuyện với người dân ở các thôn, buôn về các vấn đề như bình đẳng giới, bạo lực gia đình, tảo hôn.
“Để truyền thông hiệu quả, chúng tôi tổ chức cho nhiều thế hệ trong gia đình cùng tham gia. Khi ấy, cán bộ hội sẽ chia sẻ về những hệ lụy của các hủ tục ảnh hưởng đến đời sống người dân; ông bà, cha mẹ sẽ có cơ hội nói với con cháu về những khó khăn khi kết hôn chưa đủ tuổi cũng như có biện pháp giáo dục, quản lý con em mình”, chị Hà Thị Thìn cho biết.
Theo chị Thìn, nhờ các hoạt động được triển khai theo kiểu mưa dầm thấm lâu nên các sự việc liên quan đến bạo lực gia đình, tảo hôn tại địa phương giảm hẳn. Bạo lực gia đình chỉ còn một vài hộ ở mỗi thôn nhưng đã được chính quyền địa phương nắm thông tin và can thiệp.
Riêng tảo hôn, nếu như năm 2022, cả xã có 7-8 cặp tảo hôn ở lứa tuổi học sinh THCS thì năm 2024 giảm xuống còn 2 cặp. Trong đó, 2 em học sinh 17 tuổi ở buôn Đức Mùi đã làm đám cưới vì lỡ mang thai; cặp còn lại địa phương đã vận động dừng kết hôn đợi đến đủ tuổi và gia đình đồng thuận.
Chị Lê Ô Hờ Té (SN 1984) ở buôn Thu, xã Ea Trol năm nay 37 tuổi, có 2 con đang học lớp 9 và 12. Được truyền thông nâng cao nhận thức về tảo hôn nên gia đình chị Té dạy bảo, nhắc nhở con cái thường xuyên và các con chị cũng chăm ngoan, không yêu đương sớm.
“Trong buôn có đứa lấy chồng năm 14 tuổi, 17 tuổi có 2 đứa con và giờ trong nhà không có đồng tiền nào để mua tã sữa. Cuộc sống quá khó khăn do thiếu kiến thức làm ăn và thiếu tiền để chăm sóc con nhỏ nên ở với nhau thời gian ngắn là chúng chia tay. Tôi đã được truyền thông để hiểu hết những hệ lụy này nên luôn nhắc nhở các con phải cố gắng học hành để có tương lai tốt đẹp”, chị Té chia sẻ.
Vận hành hiệu quả các mô hình thuộc dự án
Việc thực hiện có hiệu quả các mô hình thuộc Dự án 8 trên địa bàn huyện Sông Hinh đã tác động tích cực không chỉ đến đời sống mà còn nâng cao nhận thức cho phụ nữ và trẻ em nơi đây.
Bà Nguyễn Thị Ái Liên, Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Sông Hinh cho biết, trên cơ sở kế hoạch hằng năm của tỉnh, huyện, Hội LHPN huyện chỉ đạo các cơ sở hội có Dự án 8 thành lập, vận hành 17 mô hình tổ truyền thông cộng đồng với 170 thành viên; 3 địa chỉ tin cậy tại cộng đồng ở 3 xã với 30 thành viên và tập huấn hoạt động hỗ trợ, bảo vệ phụ nữ, trẻ em là nạn nhân bị bạo lực gia đình; tổ chức 17 buổi truyền thông về thôn, buôn vận động hội viên, phụ nữ DTTS không thách cưới và tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống.
Để trang bị cho học sinh DTTS kiến thức, kỹ năng hữu ích; thúc đẩy các em nói lên tiếng nói của mình, thay đổi cách nghĩ, cách học, cách làm và góp phần xóa bỏ thói quen, tập tục lạc hậu, Hội LHPN huyện Sông Hinh đã thành lập 5 CLB Thủ lĩnh của sự thay đổi với 60 thành viên; đồng thời tổ chức 2 lớp tập huấn hướng dẫn vận hành cho các thành viên CLB; tổ chức 4 hội nghị tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng sống cho ban chủ nhiệm và các thành viên CLB trong trường học và cộng đồng với gần 300 người tham dự.
Chị Hờ Bun, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ buôn Thu, xã Ea Trol chia sẻ: “Những năm trước đây, phụ nữ chỉ quanh quẩn với heo, gà, làm rẫy, không có tiếng nói trong gia đình. Hiện nay, nhờ triển khai có hiệu quả các mô hình thuộc Dự án 8 mà nhận thức của hội viên và người dân trong buôn có nhiều thay đổi.
Giờ đây, phụ nữ DTTS được quan tâm tạo điều kiện tham gia các hoạt động văn hóa, xã hội tại địa phương, có tiếng nói trong chăm sóc, nuôi dạy con cái và phát triển kinh tế gia đình. Cũng từ các mô hình của dự án, trẻ em được trang bị thêm nhiều kiến thức bổ ích để có thể phát triển tốt hơn, tập trung học tập, giảm thiểu nạn tảo hôn”.
Bà Nguyễn Thị Ái Liên cho biết, trên cơ sở các kết quả đạt được, thời gian tới, Hội LHPN huyện sẽ tiếp tục tổ chức tập huấn, hướng dẫn những hoạt động cụ thể, thiết thực phù hợp với địa phương, với phong tục tập quán của vùng đồng bào DTTS với các nội dung như: Hoạt động làm mẹ an toàn và chăm sóc trẻ em; phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; các hoạt động phòng chống bạo lực gia đình và xâm hại trẻ em…
Các hoạt động của Dự án 8 đã có tác động tích cực đến đời sống, nâng cao nhận thức cho phụ nữ và trẻ em tại vùng DTTS và miền núi huyện Sông Hinh; đồng thời phát huy hiệu quả vai trò, sự tham gia của những người có uy tín tại cộng đồng, trưởng thôn, buôn trong thực hiện tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức cho người dân.
Bà Nguyễn Thị Phương Liên, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh |
THÁI HÀ