Thời gian qua, công tác phòng, chống mại dâm luôn được các cấp, ngành và lực lượng chức năng quan tâm tuyên truyền theo hướng sâu rộng, liên tục; tổ chức kiểm tra, quản lý địa bàn chặt chẽ…
Trên địa bàn tỉnh hiện có gần 900 cơ sở kinh doanh dịch vụ có điều kiện như: nhà hàng, nhà nghỉ, nhà trọ, khách sạn, vũ trường; các điểm karaoke, quán cà phê - giải khát, cắt tóc thư giãn, massage, xông hơi… liên quan đến hoạt động mại dâm.
Thường xuyên tuyên truyền, kiểm tra
Theo các cơ quan chức năng, tình hình tệ nạn mại dâm (TNMD) hiện nay rất phức tạp, đa dạng dưới nhiều hình thức tinh vi. Việc tổ chức các hoạt động tuyên truyền, kiểm tra công tác phòng, chống mại dâm (PCMD) tại các cơ sở kinh doanh có điều kiện đang được đẩy mạnh, góp phần giữ gìn ANTT.
Từ đầu năm đến nay, các sở, ban ngành, đoàn thể, địa phương trong tỉnh đã phối hợp, tích cực triển khai các hoạt động PCMD. Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và đông đảo các tầng lớp nhân dân trong phòng ngừa, đấu tranh với TNMD dưới nhiều hình thức phong phú, đa dạng như: tổ chức tuyên truyền miệng, xây dựng băng rôn, khẩu hiệu; phối hợp tuyên truyền tin, bài, phóng sự trên hệ thống báo, đài, trang thông tin điện tử của các ngành, trang facebook… 100% xã, phường, thị trấn tổ chức ít nhất 1 hình thức tuyên truyền về phòng ngừa mại dâm, lồng ghép với tuyên truyền thực hiện các nhiệm vụ về chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội của địa phương.
Ông Nguyễn Nhàn, Phó Trưởng phòng Bảo trợ xã hội - Trẻ em - Bình đẳng giới (Sở LĐTB&XH), thành viên Ban chỉ đạo phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tỉnh cho biết: Ngay từ đầu năm, Sở LĐTB&XH đã xây dựng kế hoạch thực hiện công tác PCMD năm 2024 trên địa bàn tỉnh; hướng dẫn, chỉ đạo phòng LĐTB&XH các huyện, thị xã, thành phố phối hợp với các cơ quan liên quan và địa phương triển khai hoạt động tuyên truyền lồng ghép các nội dung phòng, chống tệ nạn xã hội, PCMD. Qua đó nâng cao hiệu quả công tác PCMD; kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn phát sinh mới, giảm cơ bản TNMD hiện có; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động của các cấp ủy đảng, chính quyền và toàn xã hội về PCMD.
Sở LĐTB&XH cũng đã phối hợp với các ngành chức năng liên quan và địa phương chỉ đạo các xã, phường, thị trấn thực hiện tốt công tác quản lý nhân khẩu và khai báo tạm trú, tạm vắng. Nhiều địa phương phát động phong trào, xây dựng các mô hình “nhóm, hộ tự quản”, phát huy được sự tham gia tích cực của nhiều hộ gia đình, vận động đấu tranh các đối tượng khỏi tệ nạn xã hội.
Bà Nguyễn Thị Bích Thủy, Phó Trưởng phòng LĐTB&XH huyện Phú Hòa chia sẻ: Phú Hòa là địa bàn giáp ranh với TP Tuy Hòa, tình hình ANTT, TNMD có lúc diễn biến phức tạp. Để đảm bảo ANTT, môi trường văn hóa lành mạnh trong khu vực, hằng tháng, đội công tác xã hội tình nguyện các xã, thị trấn phối hợp các đơn vị, ngành chức năng kiểm tra, phát tờ rơi, bản cam kết tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ có nhiều lao động nữ; triển khai mô hình PCMD dựa vào cộng đồng. Các hoạt động này đã mang lại hiệu quả, góp phần đẩy lùi TNMD trên địa bàn.
Đẩy mạnh phòng ngừa, ngăn chặn
Theo bà Phạm Thị Minh Hiền, Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH, với sự vào cuộc của các ngành, địa phương, tình hình TTATXH trên địa bàn tỉnh thời gian qua cơ bản ổn định, không hình thành tụ điểm phức tạp về TNMD. Hiện nay, 100% xã, phường có đội công tác xã hội tình nguyện với 586 thành viên làm công tác phòng, chống tệ nạn xã hội. Nhìn chung, các xã, phường, thị trấn đều quán triệt và có kế hoạch hành động, PCMD hiệu quả.
Anh Nguyễn Thanh Việt, thành viên Đội Công tác xã hội tình nguyện xã Suối Bạc (huyện Sơn Hòa) cho hay: Trên địa bàn Suối Bạc có một số quán kinh doanh cà phê - giải khát, nhà nghỉ… tiềm ẩn nguy cơ phát sinh TNMD và các tệ nạn xã hội. Vậy nên, hằng tháng chúng tôi đều phối hợp với lực lượng công an xã, các đơn vị chức năng, kiểm tra, nhắc nhở mọi người phải chấp hành tốt các quy định về ANTT.
Cùng với đó, đội phối hợp quản lý tạm trú, tạm vắng tại các nhà nghỉ; tổ chức cho chủ các cơ sở kinh doanh ký cam kết không chứa chấp tội phạm. Đồng thời có biện pháp xử lý nghiêm những hành vi phạm tội; kết hợp kiểm tra hành chính những trường hợp có biểu hiện nghi vấn nhằm phát hiện, ngăn chặn kịp thời hành vi vi phạm pháp luật.
Theo đánh giá của Ban chỉ đạo phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tỉnh, mặc dù đạt được một số kết quả nhất định nhưng TNMD vẫn tồn tại và hoạt động dưới nhiều hình thức khác nhau với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, đa dạng về loại hình, đối tượng ngụy trang dưới nhiều vỏ bọc.
Đặc biệt, hoạt động mại dâm đơn lẻ, tự phát vẫn diễn ra, nhất là các đối tượng môi giới, bán dâm tự do hoặc qua trang mạng Zalo, Facebook. Do vậy, công tác quản lý, theo dõi và ngăn ngừa PCMD gặp rất nhiều khó khăn. Thực tế đó đặt ra yêu cầu cần phải tăng cường công tác phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn, huy động sự tham gia của cả cộng đồng trong công tác phòng chống TNMD.
Đề cập đến các giải pháp PCMD trong thời gian tới, bà Phạm Thị Minh Hiền cho hay, Sở LĐTB&XH tiếp tục triển khai Kế hoạch thực hiện công tác phòng chống mại dâm trên địa bàn tỉnh năm 2024.
Theo đó, đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về PCMD; hành vi tình dục lành mạnh, an toàn, phòng ngừa lây nhiễm HIV và các bệnh lây qua đường tình dục; giảm kỳ thị, phân biệt đối xử của cộng đồng đối với người bán dâm. Đồng thời tăng cường tuyên truyền phòng ngừa TNMD đến toàn xã hội, chú trọng ở các khu vực miền núi, hải đảo, địa phương có nhiều người di cư đến lao động, sinh sống để hạn chế phát sinh mới người tham gia mại dâm.
Thực hiện công tác thông tin tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về PCMD. Lồng ghép hoạt động tuyên truyền PCMD với phòng, chống HIV/AIDS, phòng, chống mua bán người, phòng chống ma túy nhằm nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận của toàn xã hội trong công tác PCMD.
Sở cũng hỗ trợ tài liệu, truyền thông về PCMD, thực hiện nếp sống văn minh, hành vi tình dục lành mạnh, an toàn cho cơ sở. Từng bước xã hội hóa, đưa công tác PCMD trở thành trách nhiệm, là công việc thường xuyên của các tổ chức, gia đình và từng người dân. Thường xuyên kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm kịp thời đối với những trường hợp hoạt động mại dâm. Kịp thời chấn chỉnh việc thực hiện hợp đồng lao động, đăng ký lao động, đăng ký tạm trú, tạm vắng...
Tiếp tục duy trì, xây dựng các xã, phường lành mạnh không có TNMD. Từng xã, phường, thị trấn có biện pháp quản lý chặt chẽ, ký cam kết trách nhiệm không vi phạm TNMD. Hỗ trợ, tạo điều kiện cho đội công tác xã hội tình nguyện các xã, phường, thị trấn hoạt động có hiệu quả, góp phần hạn chế TNMD và các tệ nạn xã hội khác…
Hằng tháng, chúng tôi đều phối hợp với lực lượng công an xã và các đơn vị chức năng, kiểm tra, nhắc nhở mọi người phải chấp hành tốt các quy định về ANTT. Cùng với đó phối hợp tăng cường quản lý tạm trú, tạm vắng tại các nhà nghỉ; tổ chức cho chủ các cơ sở kinh doanh ký cam kết không chứa chấp tội phạm.
Anh Nguyễn Thanh Việt, Đội Công tác xã hội tình nguyện xã Suối Bạc, huyện Sơn Hòa |
HOÀNG LÊ