Sau hơn 4 năm thực hiện “Kế hoạch chuyển đổi số ngành Xây dựng giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030”, Phú Yên đã có một số nhiệm vụ được hoàn thành, mang lại lợi ích thiết thực phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Tiện ích cho người dân
Nhằm khuyến khích người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến trong điều kiện hiện nay, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 63/2023/TT-BTC ngày 16/10/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của một số thông tư quy định về phí, lệ phí. Theo đó, kể từ ngày 1/1/2024- 31/12/2025, cá nhân nộp hồ sơ đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng bằng hình thức trực tuyến sẽ được áp dụng mức thu lệ phí bằng 80% mức thu theo quy định.
Chỉ vài thao tác trên máy tính, anh Nguyễn Trung Tín ở huyện Tây Hòa đã có thể nộp hồ sơ đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng bằng hình thức trực tuyến. Anh Tín cho biết: Tôi thấy có nhiều thủ tục đã được triển khai trên hệ thống dịch vụ công trực tuyến của tỉnh. Các bước thực hiện cũng khá đơn giản. Người dùng chỉ cần truy cập vào địa chỉ: http://dichvucong.phuyen.gov.vn, chọn mục Dịch vụ công trực tuyến, sau đó chọn lĩnh vực mình cần, đăng nhập và thực hiện các bước tiếp theo như hướng dẫn. Hiện nay, người dân cũng đã có thể thanh toán trực tuyến mà không phải đi lại trực tiếp như trước. Tôi thấy điều này khá thuận tiện.
Thời gian qua, theo chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, công tác cải cách hành chính của tỉnh nói chung và Sở Xây dựng nói riêng đã được thực hiện một cách triệt để; giảm thiểu tối đa thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của sở; tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Sở Xây dựng đang triển khai ứng dụng nền tảng số phục vụ công tác quản lý nhà nước thuộc lĩnh vực xây dựng với 7 phần mềm; trong đó có 2 phần mềm phục vụ quản lý giải quyết văn bản đến, đi; 3 phần mềm do Sở Xây dựng quản trị, cung cấp thông tin lĩnh vực quản lý nhà nước; 2 phần mềm ứng dụng dùng chung.
Ông Nguyễn Văn Bông, Chánh văn phòng Sở Xây dựng cho biết: Nhìn chung, các phần mềm hiện nay cơ bản đáp ứng yêu cầu trong công tác quản lý hành chính. Sở Xây dựng đã ứng dụng phần mềm mới trong xây dựng hồ sơ điện tử phục vụ nộp hồ sơ thủ tục hành chính trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 thuộc thẩm quyền giải quyết. Hầu hết các thủ tục hành chính mà thành phần hồ sơ không có bản vẽ như: cấp chứng chỉ hành nghề, chứng chỉ năng lực đều được tiếp nhận, trả kết quả trực tuyến (thực hiện dịch vụ công toàn trình). Tỉ lệ hồ sơ trực tuyến năm sau cao hơn năm trước.
Bên cạnh đó, Sở Xây dựng được Cục Chứng thực số và bảo mật thông tin của Ban Cơ yếu Chính phủ cấp 16 chữ ký số và 14 chữ ký số cá nhân của lãnh đạo sở, lãnh đạo cấp phòng, chuyên viên phục vụ công tác; 100% văn bản đến tiếp nhận và phát hành văn bản đi trên phần mềm hệ thống quản lý văn bản chỉ đạo, điều hành (trừ văn bản mật); 100% hồ sơ được tiếp nhận trên cổng dịch vụ công tỉnh đều được kiểm tra và ký số; 100% kết quả thủ tục hành chính thực hiện ký số.
Tiếp tục hoàn thiện
Tại hội nghị toàn quốc về chuyển đổi số (CĐS) của ngành Xây dựng, bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cũng thẳng thắn nhìn nhận, công tác CĐS của ngành vẫn còn một số hạn chế và thách thức. Việc số hóa dữ liệu, xây dựng các cơ sở dữ liệu chuyên ngành còn chậm; các nền tảng và công nghệ như AI, trợ lý ảo, BIM, GIS… phục vụ CĐS chậm được triển khai và đưa vào ứng dụng.
Đối với Phú Yên, hiện nhiều phần mềm dịch vụ công chưa được đồng bộ đã khiến công tác CĐS gặp khó. Điển hình như phần mềm các dịch vụ công cấp giấy phép xây dựng nhà ở riêng lẻ. Việc sử dụng phần mềm Cổng thông tin quy hoạch xây dựng và quy hoạch đô thị Việt Nam cũng đang tồn tại nhiều bất cập…
Theo ông Nguyễn Văn Bông, CĐS trở thành một yêu cầu bắt buộc mà các đơn vị quản lý, doanh nghiệp cần phải tham gia để phát triển mạnh mẽ và không bị tụt lại phía sau. Với những bất cập hiện nay trong CĐS, Sở Xây dựng đã kiến nghị Bộ Xây dựng nâng cấp các phần mềm cần thiết để tạo thuận lợi cho các cấp triển khai. Ðể thực hiện hiệu quả kế hoạch CĐS đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Sở Xây dựng tiếp tục chú trọng công tác đào tạo nguồn nhân lực. Đây là yếu tố then chốt trong tiến trình CĐS.
“Đơn vị thường xuyên cử công chức, viên chức tham gia các chương trình tập huấn, bồi dưỡng nâng cao nhận thức, đào tạo kỹ năng về CĐS. Đồng thời phối hợp với các địa phương, đơn vị liên quan đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến thông tin về chính quyền số, kinh tế số, sử dụng dịch vụ công trực tuyến để người dân và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh biết và sử dụng”, ông Bông cho biết thêm.
Hiện hầu hết việc giải quyết công việc đều thực hiện trên môi trường điện tử; hồ sơ, văn bản hành chính đều được ký số, xử lý công việc thông suốt, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước và thực hiện Chính phủ điện tử.
Ông Nguyễn Văn Bông, Chánh văn phòng Sở Xây dựng |
NHƯ THANH