Nghề công tác xã hội đã và đang từng bước chuyên nghiệp hóa, dần khẳng định là một nghề góp phần tích cực vào việc thực hiện các chính sách về an sinh xã hội và phúc lợi xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của toàn dân.
Triển khai Kế hoạch phát triển công tác xã hội (CTXH) tỉnh giai đoạn 2021-2030; nhằm trợ giúp các nhóm bảo trợ xã hội, người nghèo và các đối tượng xã hội khác tiếp cận, thụ hưởng chính sách phúc lợi xã hội, y tế, giáo dục, học nghề, tìm việc làm để ổn định cuộc sống, toàn tỉnh đã xây dựng đội ngũ nhân viên, cộng tác viên (CTV) CTXH với hơn 800 người, tạo thành một mạng lưới rộng khắp ở cơ sở.
Chuyên nghiệp hóa đội ngũ
Phú Yên hiện có 7 cơ sở bảo trợ xã hội công lập và ngoài công lập đang nuôi dưỡng, chăm sóc hàng trăm trường hợp yếu thế trong xã hội. Số liệu thống kê cũng cho thấy, toàn tỉnh hiện có hơn 300.000 người đang được hỗ trợ các dịch vụ xã hội, chiếm hơn 35% dân số. Ngoài ra còn có hàng chục ngàn cá nhân, gia đình, nhóm xã hội nảy sinh các vấn đề phức tạp như ly hôn, bạo lực gia đình, xâm hại trẻ em… Đây là những đối tượng cần được tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ CTXH.
Với việc thực hiện đồng bộ các chính sách an sinh xã hội của tỉnh, sự chăm sóc, hướng dẫn tận tâm của các nhân viên, CTV CTXH, các trường hợp có hoàn cảnh khó khăn được hưởng trợ cấp xã hội được đảm bảo; các cá nhân, gia đình bị thiệt hại do thiên tai, lũ lụt, dịch bệnh được hỗ trợ kịp thời.
Hằng ngày, chị Vương Thị Hồng Trang, CTV CTXH phường 4 (TP Tuy Hòa) thường xuyên bám cơ sở, lắng nghe, thu thập thông tin yêu cầu trợ giúp của các trường hợp bảo trợ xã hội, người nghèo, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn để kịp thời đề xuất với công chức văn hóa xã hội phường có hướng giải quyết. Chị Trang chia sẻ: Mới đây, tôi tiếp nhận thông tin, cụ Nguyễn Thị Hạnh ở khu phố 1 lâm bệnh, không còn khả năng đi lại. Qua tra cứu các chủ trương, chính sách của Nhà nước về hỗ trợ đối tượng bảo trợ, nhận thấy cụ Hạnh thuộc diện được nhận trợ cấp người cao tuổi, người khuyết tật… nên tôi hướng dẫn, trợ giúp cho cụ.
Bà Phạm Thị Diễm My ở thôn Định Trung 2, xã An Định, huyện Tuy An là hộ cận nghèo. Bao năm qua, dù cố gắng làm lụng nhưng bà không thể nào xoay xở để xây dựng căn nhà đủ che nắng tránh mưa. Nhờ sự hỗ trợ, quan tâm, tư vấn chính sách kịp thời, sự chung tay của các cấp chính quyền, hội đoàn thể, bà My vừa được hỗ trợ xây nhà ở, ổn định cuộc sống. Căn nhà có diện tích 40m2, tường gạch, mái lợp tôn, nền xi măng, tổng kinh phí xây dựng 120 triệu đồng; trong đó Quỹ Vì người nghèo tỉnh hỗ trợ 50 triệu đồng, phần còn lại do gia đình đóng góp, anh em, bà con hàng xóm hỗ trợ ngày công, vật liệu…
Theo chị Phạm Thị Diệu Hiền, CTV CTXH xã An Định, đây là một trong những trường hợp bảo trợ xã hội của địa phương được hỗ trợ xây nhà ở, từ đó có cơ hội vươn lên trong cuộc sống.
Bà Huỳnh Phạm Ái Thy, Trưởng phòng Bảo trợ xã hội - Trẻ em - Bình đẳng giới (Sở LĐTB&XH) cho biết: Toàn tỉnh hiện có hơn 50.000 trường hợp hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội. Các trường hợp này có cơ hội tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản ngày càng tốt hơn. 100% xã, phường, thị trấn trong tỉnh đều có CTV, nhân viên CTXH với hơn 800 người, bảo đảm các nhu cầu cơ bản về trợ giúp, nuôi dưỡng, giáo dục, chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng, dạy nghề và hòa nhập cộng đồng. Công tác tham vấn, tư vấn chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước cho trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật, người nghiện ma túy tại cộng đồng… cũng được cung cấp kịp thời, đầy đủ hơn. Bên cạnh đó, Sở LĐTB&XH thường xuyên mở các lớp tập huấn kỹ năng CTXH; đổi mới chương trình đào tạo kỹ năng CTXH cho CTV, nhân viên đáp ứng nhu cầu và yêu cầu của thực tiễn về nguồn nhân lực.
Nhân viên, cộng tác viên công tác xã hội tham gia lớp tập huấn về công tác xã hội nhóm. Ảnh: HOÀNG LÊ |
Nâng cao chất lượng, đa dạng các dịch vụ
Cùng với phát triển KT-XH, công tác hỗ trợ người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn luôn là một trong những mục tiêu lớn, xuyên suốt được Đảng, Nhà nước quan tâm. Việc kết nối yêu thương, chăm lo cho các trường hợp này luôn được MTTQ các cấp ưu tiên. Ngoài nguồn hỗ trợ từ Quỹ Vì người nghèo, MTTQ các cấp và các tổ chức thành viên còn tích cực vận động toàn xã hội giúp họ có thêm điều kiện, động lực vươn lên.
Bà Phạm Thị Minh Hiền, Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH cho biết: Thường xuyên nắm tình hình đời sống nhân dân trong tỉnh, Sở LĐTB&XH chủ động tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương giải quyết kịp thời, khắc phục hậu quả thiên tai, không để người dân thiếu ăn, nhất là trong các dịp lễ, tết. Đồng thời thực hiện tốt các chính sách về an sinh xã hội tạo cơ hội cho các đối tượng yếu thế trong xã hội sớm tiếp cận các dịch vụ cần được trợ giúp, để họ ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng xã hội. Từ đầu năm đến nay, tỉnh đã tiếp nhận và phân bổ hơn 106 tấn gạo từ nguồn hỗ trợ của Chính phủ để cứu đói giáp hạt (năm 2024) cho 3.122 hộ với 7.069 nhân khẩu ở các huyện Sơn Hòa, Sông Hinh, Đồng Xuân và Tuy An. Tỉnh cũng đã hỗ trợ tiền điện, cho vay phát triển sản xuất đối với hộ nghèo, cận nghèo...
“Những kết quả trên có được là nhờ sự đồng thuận của toàn hệ thống chính trị trong thực hiện các chính sách an sinh xã hội, nhất là việc triển khai Đề án phát triển nghề CTXH theo Đề án 32 và liên thông việc triển khai Quyết định 112 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển CTXH giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn tỉnh Phú Yên với sự vào cuộc của các ban ngành, hội đoàn thể”, bà Hiền khẳng định và cho biết: Để triển khai tốt hơn Kế hoạch phát triển CTXH tỉnh giai đoạn 2021-2030, cần tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về nghề CTXH cho các cấp chính quyền và người dân. Đồng thời tiếp tục nâng cao chất lượng và đa dạng hóa các dịch vụ CTXH tại các cơ sở trợ giúp xã hội; duy trì, củng cố đội ngũ cán bộ, viên chức, nhân viên CTXH để thực hiện các chương trình đảm bảo an sinh xã hội; từng bước phát triển mạng lưới cơ sở cung cấp dịch vụ CTXH trên địa bàn.
Toàn tỉnh phấn đấu đến năm 2025, đạt 60% cơ quan, tổ chức, cơ sở trợ giúp xã hội, cơ sở cai nghiện ma túy, trường học, bệnh viện và đơn vị liên quan thực hiện phân công, bố trí nhân sự làm CTXH. Trong đó có ít nhất từ 1-2 cán bộ, công chức, viên chức, nhân viên CTXH thuộc chức danh chuyên trách, kiêm nhiệm hoặc CTV CTXH. 100% xã, phường, thị trấn có ít nhất từ 1-2 CTV CTXH với mức phụ cấp hằng tháng tối thiểu bằng mức lương cơ bản do Chính phủ quy định. Có tối thiểu 30% cán bộ, công chức, viên chức, nhân viên và CTV CTXH được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và tập huấn kỹ năng CTXH. Đạt cơ cấu tối thiểu 50% cơ sở trợ giúp xã hội, cơ sở y tế, cơ sở giáo dục và cơ sở liên quan khác trong quy hoạch có cung cấp dịch vụ CTXH. Tỉ lệ người có hoàn cảnh khó khăn được tư vấn, hỗ trợ CTXH năm 2025 tăng 20% so với năm 2020. Bảo đảm ít nhất 85% trẻ em mồ côi, trẻ em là nạn nhân chất độc hóa học, bị khuyết tật nặng, bị bỏ rơi, nhiễm HIV/AIDS và bị ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh được trợ giúp xã hội và được cung cấp dịch vụ CTXH phù hợp từ nguồn lực xã hội hóa. |
HOÀNG LÊ - DIỄM MY